| Hotline: 0983.970.780

Những người hy sinh ngày Tết vì công việc

Chủ Nhật 02/02/2014 , 09:21 (GMT+7)

Trong khi đa số mọi người được nghỉ ngơi, dành thời gian sum họp gia đình thì có những người vì đặc thù công việc, vẫn miệt mài đi làm trong những ngày Tết.

Trong khi đa số mọi người được nghỉ ngơi, dành thời gian sum họp gia đình thì có những người vì đặc thù công việc, vẫn miệt mài đi làm trong những ngày Tết.

Những năm gần đây, Anh Quân (biên tập viên truyền hình) đều tham gia dẫn chương trình đón Giao thừa và ngày mùng 1 Tết tại các sân khấu của TP HCM. Tết này cũng không phải ngoại lệ. Tối Giao thừa và mùng 1, lần lượt tại sân khấu Công viên 23/9 và sân khấu kênh Tàu Hũ, anh làm MC cho chương trình ca nhạc TP HCM - Chào đón xuân mới. Đã quen với việc đón giao thừa nơi đất khách, anh lấy công việc và bạn bè để khỏa lấp nỗi nhớ nhà. Ngoài ra, "không khí Tết tại TP HCM quá sôi nổi nên mình cũng thấy ấm lòng và vui vẻ", anh cho biết.

Đến mùng 2, anh mới bay ra Hà Nội để hưởng không khí ngày Tết cùng gia đình. Anh dự định dành một tuần bên bố mẹ, thăm viếng bà con họ hàng và gặp gỡ bạn bè. Chưa lập gia đình nên anh không phải lo lắng khoản chuẩn bị đón Tết, vẫn ăn Tết "ké" cùng cha mẹ. Cả năm đi làm xa, đến giao thừa vẫn bận rộn với công việc, nhiều lúc anh cũng cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Cũng may, trong gia đình anh, mọi người đều cảm thông, chia sẻ. Để bù đắp lại, hè vừa rồi, anh tranh thủ nghỉ phép, mời mẹ đi du lịch nước Mỹ cùng mình.

MC Anh Quân cùng đồng nghiệp chuẩn bị cho chương trình phát sóng đêm Giao thừa Tết Giáp Ngọ - Ảnh: NVCC.

Là nhân viên bảo vệ của một phòng mạch, Tết này, ông Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đi làm như bình thường. Trong khi vợ, con và cháu ngoại vẫn say ngủ, ông dậy sớm, tự chuẩn bị hai phần cơm, một cho mình và một cho người đồng nghiệp, sợ trưa mình có đồ ăn mà người ta không có, vì ngày Tết, quán cơm bình dân bên cạnh đóng cửa không bán. Buổi tối, ông tranh thủ về nhà ăn cơm cùng gia đình, rồi chuẩn bị chăn màn đến trực tại nơi làm việc.

Đây là năm đầu tiên ông làm công việc bảo vệ, cũng là năm đầu tiên ông đi làm trong kỳ nghỉ Tết. Con cái đều lớn nên ông không phải tham gia gì vào việc chuẩn bị Tết. Những việc như gói giò xào, mua cây cảnh, trang trí nhà cửa, cậu út đều thay bố đảm nhận. Vợ con ông cũng chuẩn bị đầy đủ để đến ngày mùng 4, ông mời bạn bè về ăn nhậu như mọi năm. "Mình lớn tuổi, không còn ham thích đi chơi như thời trẻ. Mấy Tết vừa rồi, mình chỉ chạy qua nhà mấy ông bạn già rồi về nhà xem tivi, năm nay đi làm lại thấy hay", ông Thành cười khà khà.

Làm việc tại một cây xăng, chị Thu (Nhà Bè, TP HCM) cũng không có ngày nghỉ Tết. Tuần này, chị làm ca một, từ 6h đến 14h. Lúc rảnh rỗi, chị lại gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình khách khứa đến chơi, đồng thời nhắc nhở chồng và cô con cả đang học lớp 8 liên tục thắp hương trên bàn thờ. "Đi làm ngày Tết cũng nóng ruột lắm, chỉ sợ mấy bố con ở nhà sơ sểnh gì lại dông cả năm", chị cho biết. Tuy nhiên, chị Thu chưa bao giờ có ý định xin nghỉ phép ngày Tết, không phải vì được tính thêm tiền lương ngày lễ mà vì không muốn phiền hà đồng nghiệp. Mọi người trong tổ vẫn làm như bình thường nên chị thấy cũng nên vui vẻ chấp nhận công việc của mình. Ngoài ra, hết giờ trực, chị vẫn có thể đi chúc Tết hay đi chơi cùng gia đình. Tuy nhiên, việc này đối với chị cũng không dễ vì đi trực xong, về nhà chị thường mệt và chỉ thèm ngủ.

Vừa dỗ dành cô con gái 11 tháng tuổi vừa quát cậu con trai 7 tuổi, chị Hương (Lạng Sơn) chỉ mong kỳ nghỉ Tết nhanh kết thúc. Chồng chị làm trong ngành công an, được nghỉ mấy ngày trước Tết và đi trực từ mùng 1 đến hết kỳ nghỉ khiến chị phải đánh vật với hai đứa con. Cả Tết, chị chẳng đi được đâu ngoài về nhà bố mẹ đẻ mùng 1. Chồng chị tranh thủ mấy phút trong giờ trực, về đưa vợ con đến nhà ngoại, lúc kết thúc buổi trực thì đón ba mẹ con về nhà. Bố mẹ chồng và họ hàng bên nội ở dưới quê, cách chỗ ở của vợ chồng chị hơn 60 km, Tết này chị không về, chỉ có chồng chị mang quà Tết về biếu từ hôm 28 tháng chạp.

Mọi năm, chồng chị Hương cũng phải đi trực nhưng vì có mỗi cậu con trai nên chị có thể đèo con đi đây đó, đến nhà cô bác họ hàng, sang nhà mấy cô bạn thân hay đến những khu vui chơi ngắm cảnh. Nhưng năm nay, có thêm bé nữa nên chị đành ôm con ngồi nhà. "Trong khi nhà người ta, Tết thì đông vui, còn nhà mình Tết, buồn hơn ngày thường. Lấy chồng công an, sợ nhất những ngày Tết", chị Hương than thở.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.