| Hotline: 0983.970.780

Những người khai phá Đồng Rui

Thứ Năm 17/10/2013 , 08:43 (GMT+7)

Biết tôi muốn tìm hiểu về những người dân di cư lên các huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh xây dựng kinh tế mới năm 1978, một người bạn mách nước: Phải lên Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Biết tôi muốn tìm hiểu về những người dân di cư lên các huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh xây dựng kinh tế mới năm 1978, một người bạn mách nước: Phải lên Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Ở đó có rất nhiều người quê gốc Hải Phòng đang sinh sống. Họ là những người đóng góp công lao to lớn trong việc xây dựng một hòn đảo hoang sơ trở nên giàu đẹp như ngày hôm nay. 

>> Cuộc sống mới trên thương cảng cổ
>> Hang Tỉnh uỷ
>> Về Bãi cọc Bạch Đằng nghe kể chuyện đánh giặc

Nhìn trên bản đồ, xã Đồng Rui giống như một hòn đảo cô đơn, bị cô lập bởi hệ thống sông Voi Lớn, Voi Bé và những tán rừng ngập mặn xanh um tùm. Tôi cứ tưởng muốn đặt chân đến vùng đất ấy thì phải chịu cảnh lụy đò.

Nhưng thực tế, đã có một con đường bê tông rộng 3 m nối liền QL 18 đến trung tâm xã. Đón tiếp chúng tôi là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Rui Nguyễn Quốc Trưởng. Ông là người quê gốc Hải Phòng, lên đây cùng gia đình trong cuộc vận động di dân xây dựng kinh tế mới năm 1978 nên rất hào hứng kể chuyện về quá khứ.


Một góc xã đảo Đồng Rui hôm nay

"Thời ấy, ở Tiên Lãng đất chật, người đông. Bố mẹ tôi làm xã viên của HTX mỗi ngày công chỉ được 3 - 4 lạng thóc/người. Cuộc sống túng đói, cơ hàn lắm. Nhiều khi cả nhà phải ăn sắn thay cơm, vừa đặt bát đũa xuống mâm mà vẫn đói như sắp sửa tới bữa tiếp theo. Không chỉ riêng gia đình nhà tôi, cả làng, cả xã, cả huyện đều chung hoàn cảnh như vậy”, ông Trưởng kể.

Thế nên, khi chính quyền địa phương tuyên truyền về cuộc vận động di dân lên vùng Tiên Yên, Quảng Ninh để phát triển sản xuất, nhiều hộ kéo nhau lên UBND đăng ký xin được đi. Ngày 21/6/1978 âm lịch (tức ngày 25/7/1978 dương lịch - PV), mỗi gia đình cử một người đại diện đi tiền trạm để xây dựng một số cơ sở vật chất thiết yếu, nhận nơi ở và thành lập HTX…

Ông Phạm Văn Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Rui, là 1 trong 30 người của xã Tiến Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được vinh dự lên tiền trạm vào năm 1978 nhớ lại: “Hồi ấy, nhân dân Hải Phòng được vận động lên xây dựng kinh tế mới ở Quảng Ninh. Trong đó huyện Tiên Lãng lên vùng Tiên Yên (các gia đình ở xã Tiến Thắng, Tiến Minh, Trấn Hưng, Hồng Thắng, Minh Quang đến xã đảo Đồng Rui. Các xã khác di chuyển đến xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Tiên Lãng, thị trấn Tiên Yên bây giờ…)”.


Ông Phạm Văn Thắng kể chuyện di dân từ Hải Phòng lên xã đảo Đồng Rui xây dựng kinh tế mới năm 1978

Những tháng ngày gian khó

“Từ 5 giờ sáng, chiếc xe khách công vụ của huyện Tiên Lãng đón chúng tôi tại UBND xã. Vượt qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu với đầy rẫy những ổ voi, ổ gà, đến cuối giờ chiều, chúng tôi đã đặt chân đến bến đò Ba Chẽ. Nhìn hòn đảo hoang sơ bị cô lập bởi vạt rừng sú ngập mặn rậm rạp, sông nước mênh mông, một vài người đã nảy sinh tâm lý lo lắng, không yên tâm vào cuộc sống ở vùng đất mới. Tuy nhiên, được sự động viên của đồng chí trưởng đoàn, không ai có ý định bỏ về”.

Bấy giờ, bộ khung chính quyền Đồng Rui rất sơ sài, nhiều chức danh của Đảng uỷ, HĐND, UBND phải tăng cường cán bộ từ tỉnh và huyện về. Dân số của xã thuộc loại “siêu thấp” với khoảng 20 hộ gia đình. Trên đảo không hề có đường lớn mà chỉ có đường mòn, hai bên cỏ dại mọc cao ngang đầu, rắn rết nhiều vô kể, đồng ruộng hoang tàn xơ xác.

Những khó khăn chồng chất khó khăn, trong đó nơi ăn, chốn ở vô cùng thiếu thốn. Bên cạnh đó, tập quán canh tác cũng là một trở ngại lớn. Bởi từ trước đến nay, nhân dân huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng chỉ quen trồng lúa nước, còn ở đây chủ yếu là đất cát pha nên phải chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng rau màu.


Trang trại đa hệ của ông Lê Đạo Toàn, thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm

Đứng trước những thách thức đó, đội ngũ tiền trạm chia nhau vác dao chặt tre, cắt cỏ tranh lợp nhà. Chính quyền xã Đồng Rui đã thành lập HTX nông nghiệp Tiên Hải, chia làm 9 đội sản xuất khai hoang vườn rậm, cải tạo đất sản xuất. Một tháng sau đó, toàn bộ gia đình của các thành viên lên tiền trạm được xe công vụ chở đến Đồng Rui sống và trở thành xã viên HTX. Rất nhiều gia đình mặc dù trước đó không đăng ký di dân cũng tự thuê xe, vận chuyển đồ đạc đến xã đảo.

Ông Thắng kể: “Trong thời gian 6 tháng đầu, Nhà nước đã hỗ trợ mỗi người 13 kg gạo và mì bột. Vì thế, không ai phải chịu cảnh đói. Tuy nhiên, hết 6 tháng được nhận trợ cấp gạo, nhiều hộ gia đình lại trở về cảnh sống túng thiếu. HTX khi ấy còn non trẻ, cơ sở vật chất sơ sài, năng lực sản xuất không đáp ứng được nhu cuộc sống của xã viên.

Nhiều hộ đông người phải độn gạo lẫn khoai, sắn theo tỉ lệ: 1 gạo 5 khoai, sắn. Khoảng ¼ số hộ bỏ về quê cũ sống. Những người ở lại tích cực khai hoang, tranh thủ sự trợ giúp về giống cây trồng của Nhà nước để gieo cấy, làm màu; đẩy mạnh chăn nuôi… Hai năm sau đó, cuộc sống dần được cải thiện.

Làm giàu đất mới

Đến cuối năm 1989, HTX Tiên Hải giải thể, đất đai được chia lại theo nhân khẩu, kinh tế hộ gia đình có điều kiện bung nở, sản lượng lương thực đã đủ ăn và có tích lũy. Nhân dân đóng tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; mở rộng gia trại…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Trưởng, vấn đề giao thương, trao đổi hàng hóa của xã đảo với đất liền rất khó khăn, vì thế, hoạt động kinh tế vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp. Không có chợ đã đành, địa bàn thì biệt lập, cách xa các trung tâm; không có đường nối với đất liền. Người dân đi lại sông nước xa xôi khó khăn, làm ra sản phẩm thủy sản và nông sản bán với giá rẻ mạt; chi phí vận chuyển tăng vọt... “Ngày xưa, mẹ tôi đi bán mấy mớ rau, vài cân (kg) khoai tây, cà chua cũng phải gánh bộ từ đây đi Tiên Yên hơn 20 km”, ông Trưởng tâm sự.

Không chấp nhận cảnh sống bị cô lập, từ năm 1993, Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Rui đã huy động tổng lực phương tiện và con người để hiện thực hóa một “đại công trình”, đó là lấp sông Voi Bé, tạo đường nối xã đảo với QL 18.

“Vào mùa cạn và khi thủy triều rút, mỗi gia đình đều phải cắt cử người đào đất rồi chuyển lên xe bò đổ xuống sông. Có những thời điểm, số người lao động trên công trường lên tới 600 người. Thấy được quyết tâm của nhân dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã ủng hộ và hỗ trợ đắc lực để xây dựng con đường”, Bí thư Trưởng nói.

Năm 1995, tuyến đường đất dài 1,5 km nối liền đảo Đồng Rui với đất liền được khánh thành. Đây là tiền đề quan trọng để nhân dân trên đảo đẩy mạnh phát triển dịch vụ mua bán, vận tải. Nhà nhà đua nhau làm giàu, những ngôi nhà cao tầng không ngừng mọc lên; đường sá, các cơ sở văn hóa, giáo dục, trạm y tế… được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Diện mạo của xã đảo Đồng Rui đổi thay từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1 con số. Năm 2012, Đồng Rui vinh dự được xếp vào xã loại 1 của huyện Tiên Yên.

Ông Nguyễn Quốc Trưởng cho biết: Ở xã Đồng Rui, 85% dân số là người quê gốc Hải Phòng. Nhiều hộ gia đình lên đây xây dựng kinh tế mới từ năm 1978 nay đã trở thành tỷ phú nhờ mở rộng trang trại đa hệ vừa nuôi vịt đẻ, vừa nuôi cá, tôm sú, kết hợp với chăn nuôi lợn.

Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lưu Đình Nhị ở thôn Trung, Lê Đạo Toàn ở thôn Thượng, Phạm Hữu Cương ở thôn Hạ… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm