| Hotline: 0983.970.780

Những người làm đẹp làng quê

Thứ Hai 19/05/2014 , 09:41 (GMT+7)

50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen. Mỗi người một suy nghĩ, một cách làm để góp phần tô đẹp quê hương.

Dành tiền dưỡng già làm đường

79 tuổi, cụ Đinh Thị Nụ (thôn Thuần Phú, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vượt quãng đường xa hàng trăm cây số lên Hà Nội để nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng, vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM. 

16-17-09_nh-c-nhn-tieu-bieu-1
Cụ Đinh Thị Nụ

Cụ Nụ chia sẻ: Năm 1968, chồng tôi đi bộ đội và hi sinh trên chiến trường, để lại 5 đứa con thơ dại. Đứa út khi ấy còn chưa cai sữa. Những năm tháng bao cấp đói kém, tôi chạy hết chợ Rác, chợ Vị Xuyên, Khánh Mỹ, Chợ Riềm, chợ Mẹo gánh lúa đem về giã, giần, sàng để hôm sau đem bán lấy tiền nuôi con.

Khi đó, Nhà nước hỗ trợ mỗi đứa con tôi 11 đồng. Nhờ số tiền ấy mà tôi mua được cây bút chì, cuốn vở cho con đến trường học chữ. Thằng Huynh (anh cả - PV) thông minh học giỏi, được DN bên Hungary mời sang làm việc, mỗi tháng gửi về cho mẹ một ít tiền.

Người già ăn uống chẳng đáng bao nhiêu, số tiền không tiêu đến, tôi dành dụm để sau này đau yếu con cái đỡ phải thêm gánh nặng.

Con đường ngõ xóm từ nhà tôi ra đường trục thôn dài hơn hơn 200 m bao năm nay mưa đến là nhầy nhụa.

Bà con phải xắn quần lên tận gối lội qua. Năm 2012, giữa lúc cả nước tưng bừng khí thế xây dựng NTM, ngày nào loa phát thanh xã cũng vận động, tuyên truyền nhân dân chung sức, đồng lòng đóng góp công, góp của để xây dựng quê hương.

Tôi bàn với các con dành toàn bộ số tiền 280 triệu đồng để mua cát, sỏi, xi măng… rồi vận động bà con trong ngõ đổ bê tông.

Xóm làng sạch đẹp, người dân phấn khởi, tôi cũng thấy mình sống có ý nghĩa cho xã hội. Có người trong xóm còn bảo: “Tiền dưỡng già của bà đã đổ vào con đường này để chúng cháu đi lại thuận tiện. Vậy thì chúng cháu sẽ cùng nhau chăm bà những lúc bà cần”.

Hiến 10.000 m2 đất xây nghĩa trang

Từ hòn đảo xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió, anh Hoàng Minh Tuấn, 42 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đem đến một câu chuyện rất cảm động.

Được thừa hưởng mảnh đất đồi rộng 5 ha (có sổ đỏ) mà ông cha khai hoang phục hoá, gia đình anh Tuấn sống dựa vào nghề rừng và khai thác cá biển trên chiếc thuyền gỗ nhỏ. Quan Lạn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ với những bãi cát trắng và biển xanh đêm ngày vỗ nhịp.

16-17-09_nh-c-nhn-tieu-bieu-2
Anh Hoàng Minh Tuấn

Tốc độ phát triển ngành du lịch tăng phi mã, giá đất theo đó cũng tăng cao vút. Hai năm trở lại đây, dân trên đảo được chứng kiến cảnh tàu thuyền cập bến tấp nập chở cát, sỏi, xi măng… từ đất liền để xây dựng NTM. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí nhức nhối nhất mà Đảng bộ và nhân dân xã khó có thể hoàn thành được đó là quy hoạch nghĩa trang.

Dân chài lưới vốn nặng nghĩa tình, gia đình có người qua đời được chôn cất gần nhà để tiện hương khói. Lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn đã vận động nhiều hộ dân hiến đất để quy hoạch nghĩa trang tập trung nhưng ai cũng lắc đầu.

Anh Tuấn nghĩ: Mảnh đất này ông cha ta đã đổ bao xương máu mới giữ được. Mình may mắn được sở hữu mảnh đất rộng, thôi thì cắt bớt 1 ha để nhân dân trong xã có nơi mai táng người chết. Cứ để mồ mả nhấp nhô như mụn nhọt trên mặt thì cũng khó chịu.

Anh về bàn với vợ con nhưng mặt ai cũng buồn thiu thỉu, thuyết phục cả tuần mới nhận được cái gật đầu. Khi tôi hỏi về giá trị của khu đất ấy, anh trả lời rằng: “Khi đã hiến rồi thì còn đong đếm tiền nong làm gì nữa. Nay mai con tôi, người thân của tôi cũng yên nghỉ ở đó chứ đâu”.

Cán bộ người Mông dân vận khéo

Mặc bộ trang phục truyền thống của đàn ông Mông, kèm đó là lối nói chuyện thật như đếm của người vùng cao, anh cán bộ xã Giàng Seo Cáu (thôn Nậm Thố, xã Thải Giàng Phố, Bắc Hà, Lào Cai) khiến chúng tôi chú ý đặc biệt.

16-17-09_nh-c-nhn-tieu-bieu-3
Anh Giàng Seo Cáu 

Nậm Thố quê anh là một thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện 30a với 63 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nằm ở chân núi, khe suối, muốn đi đến trung tâm xã phải vượt hơn 8 km đường đất. Ngày nắng đi xe máy cũng đã cực khổ chứ đừng nói đến chuyện ra khỏi thôn vào ngày mưa.

Anh Cáu chia sẻ: "Khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ xi măng, cát, sỏi cho bà con làm đường, có người bảo: “Nhà nước phải bỏ tiền ra thì mới làm, nếu không tao đi lên nương trồng ngô còn có tiền uống rượu, vác đá, mở đường mệt lắm, lại chẳng có gì ăn”. 

Mình phải xách chai rượu đến từng nhà để vận động. Đầu tiên mình hỏi nó là đường đi lại khổ không? Nó bảo khổ. Vậy muốn thoát khổ thì phải cùng nhau làm đường. Có đường thì mình mang hàng hóa ra chợ bán cũng dễ, mua muối, mua dầu chở thuận tiện, đau yếu đi bệnh viện đỡ khổ và thôn xóm sạch sẽ. Nghe lọt tai thì ai cũng đồng tình làm”.

Người vợ liệt sĩ Đinh Thị Nụ ở quê lúa Thái Bình; anh nông dân Hoàng Minh Tuấn ở xã đảo Quan Lạn nơi đầu sóng ngọn gió; anh cán bộ người Mông Giàng Seo Cáu ở một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà (Lào Cai), họ chỉ là 3 trong số rất nhiều “bông hoa đẹp” ở nông thôn. Nhờ có những con người như họ, phong trào xây dựng NTM được tiếp lực và ngày càng trở nên ý nghĩa.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm