| Hotline: 0983.970.780

Những người mang họ Bác Hồ

Thứ Tư 01/09/2010 , 09:21 (GMT+7)

Đất nước Việt nam có 54 dân tộc anh em chung sống với nhau qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong đó có hai dân tộc sống ở rẽo cao tỉnh Quảng Trị - những người Vân Kiều, Pa Cô - được vinh dự mang họ Hồ - họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Đất nước Việt nam có 54 dân tộc anh em chung sống với nhau qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong đó có hai dân tộc sống ở rẽo cao tỉnh Quảng Trị- những người Vân Kiều, Pa Cô- được vinh dự mang họ Hồ- họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi năm đến ngày Quốc khánh 2/9 cũng là ngày Bác từ trần,  câu chuyện về người Vân Kiều, Pa Cô, mang họ Bác khiến nhiều người xúc động.

Ân tình, thủy chung

Bên chén rượu mừng ngày Quốc khánh 2/9, ông Hồ Gô, nguyên Trưởng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị, kể: “Không phải đến năm 1957 người Vân Kiều, Pa Cô mới được mang họ Hồ. Ở cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946, khi lên danh sách cử tri của dân tộc vùng rẽo cao Quảng Trị, cán bộ của Bác Hồ đến hỏi tên, họ của người Vân Kiều, Pa Cô. Mọi người chỉ cho biết tên của mình và nói với cán bộ: Tất cả người Vân Kiều, Pa Cô đều là con cháu Bác Hồ”.   

Nhưng ước vọng thiết tha đó của bà con mãi đến tháng 7/1957 mới thực hiện được. Dạo đó Bác Hồ vào tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị thăm đồng bào, chiến sĩ. Thay mặt cho hàng vạn người Vân Kiều, Pa Cô, ông Hồ Ray lúc đó  phụ trách công tác dân tộc ở Quảng Trị cùng ông Hồ Khăm- chủ tịch xã Vĩnh Hà đến gặp Bác để xin cho người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ của người.  

Nước sạch đã về với bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô ở giữa Trường Sơn

 

Tin vui nhanh chóng loan xa, khắp các bản làng người Vân Kiều, Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn tụ tập lại làm lễ ăn thề, kết nghĩa. Họ đâm trâu, cắt đầu ngón tay cho máu chảy vào ché rượu rồi cùng nhau uống rượu thề với Giàng với trời đất, núi rừng. Từ đây người Vân Kiều, Pa Cô mãi mãi đi theo Bác Hồ. Ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt làm tàn lụi như cây gỗ chết giữa rừng, như con chim lẽ bầy. Người Vân Kiều, Pa Cô không phải không có họ riêng của mình, nhưng muốn được mang họ Hồ của người như một biểu tượng của tấm lòng ân tình, thuỷ chung đối với Bác, với Đảng.

Biết rõ ước vọng đó, Bác đã dành cho người Vân Kiều, Pa Cô những tình cảm thiết tha. Chính Người đã gửi gương soi mặt in hình đất nước và xà phòng thơm và khăn mặt tặng cho bà con người Vân Kiều, Pa Cô. Món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao nghĩa tình.

Yêu Bác, yêu quê hương...  

Bây giờ đa số người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống giữa núi rừng Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Song có một con người khi nhắc đến ai cũng thán phục, đó là anh Hồ Phúc Yên ở xã A Dơi, huyện miền núi Hướng Hoá. Hồ Phúc Yên là người đầu tiên tự bỏ tiền ra làm con đường giao thông dài hơn 15 km nối liền ba xã vùng cao biên giới từ A Túc đến Pa Tầng để ô tô vào đến được với bản làng. Gặp anh giữa đại ngàn Trường Sơn, Hồ Phúc Yên khoe vừa được đi Hà Nội báo cáo thành tích về gương nông dân điển hình có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.  

Vợ chồng Hồ Phúc Yên chăm cây vải thiều trong vườn nhà

Năm 14 tuổi,  Hồ Phúc Yên đã lên đường nhập ngũ thuộc bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Đến năm 1990 về hưu, anh đưa vợ con trở lại xã A Dơi sinh sống. Hồ Phúc Yên vận động bà con muốn thoát khỏi đói nghèo phải làm đường giao thông, nếu không thì người Pa Cô sẽ khó mà có đủ cơm ăn, áo mặc chứ đừng nói đến chuyện làm giàu.

Để có kinh phí, anh phải đi kiếm và thu mua phế liệu chiến tranh còn sót lại rồi mang ra thị trấn Khe Sanh để bán. Đầu năm 1993, công trình giao thông do anh chủ xướng bắt đầu khởi công. Lực lượng tham gia mở đường chỉ có bà con dân bản với phương tiện là xà beng, cuốc, xẻng. Đội quân làm đường được tổ chức theo phiên, đội hẳn hoi, tốp đi đầu nhận nhiệm vụ rà bom, mìn do chính bản thân anh chỉ huy, tiếp theo là đào đất, đắp đường.  

Sau hơn một tháng thi công, 4 km đường đầu tiên chạy từ xã A Túc đến xã A Dơi được hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhưng đến đây, Hồ Phúc Yên chỉ mới thực hiện được một nửa ước mơ của mình.Từ trung tâm xã A Dơi đến xã Pa Tầng dài 11 km vẫn chưa chưa có đường ô tô. Cuộc sống, đi lại của bà con các xã trong ấy đang còn khổ lắm. Hai năm sau, khi đã chuẩn bị thêm tiền bạc nhiều hơn một chút, anh quyết định vận động bà con đứng ra làm tiếp đoạn đường đến xã Pa Tầng.Thế là thêm bốn tháng ăn ở với công trường, lăn lộn với nắng mưa, anh Hồ Phúc Yên đã thi công hoàn chỉnh 11 km đường còn lại.

Từ khi con đường nối ba xã cuối cùng ở biên giới được Hồ Phúc Yên mở ra,ô tô đi lại được dễ dàng, bà con dân tộc không còn di cư tự do nữa, họ bắt đầu trở về và yên tâm làm ăn, buôn bán. Tôi ngỏ ý muốn hỏi kinh phí anh làm đường đến nay hạch toán hết bao nhiêu, anh cười hiền: "Mình nắm trong tay hàng tỷ đồng cũng không vui bằng khi thấy bà con của mình có được đường ô tô đi lại. Đôi vai bà con đã bớt chai đi phần nào, bà con đã tập trung làm trang trại, nương rẫy, không còn phá rừng nữa."

Như ông Bụt giữa rừng 

Nếu như anh Hồ Phúc Yên làm thay đổi bản làng bằng sự thông minh, tạo báo, thì mười năm nay nhiều đứa trẻ mồ côi, tàn tật ở huyện Hướng Hoá được vợ chồng chị Kăn Lịch và anh Ăm Hậu ở xã A Xing, yêu thương, chăm sóc như con đẻ. Quý mến và kính trọng, người  dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở  gọi vợ chồng anh chị là “ông bà Bụt” của trẻ nghèo. 

Nhiều người vẫn chưa quên vào dịp giữa năm 1997, gần bản A Mảy, nơi vợ chồng Kăn Lịch sinh sống có một người đàn ông bất ngờ qua đời, để lại hai con nhỏ Hồ Văn Hinh và Hồ Văn Huy.Thương hai đứa trẻ sớm mồ côi bố mẹ, vợ chồng Kăn Lịch đưa Hinh và Huy về nuôi. Kăn Lịch thường dạy: “Từ nay mẹ vui lắm vì có thêm hai con. Cha mẹ thương con nuôi như con đẻ. Các con chăm ngoan, nghe lời cha mẹ để niềm vui mới to như ngọn núi”. Hai năm sau, Kăn Lịch lại có thêm một đứa con nuôi nữa. Lần ấy, lên rẫy Kăn Lịch gặp một đứa trẻ mắt lồi, răng sún, tai điếc bị mẹ bỏ rơi. 

Chị Kăn Lich với con nuôi Hồ Văn Hùng

Suốt ngày em đi lang thang giữa rừng, tối đâu ngủ đó.“Ban đầu nhìn cháu tội lắm. Áo quần rách nát hôi hám, miệng đang nhai củ mài.Hỏi gì cũng không nói.Tôi đem xuống suối tắm rửa sạch sẽ, ra chợ mua cho bộ áo quần đưa về nhà”.Kăn Lịch nhớ lại.Cậu bé đượcKăn Lịch đặt tên là Hồ Văn Hùng. Bị tàn tật nên Hùng được thương yêu nhất.Miếng gì ngon cũng được mẹ Kăn Lịch để giành cho Hùng.  

Thế rồi, cách đây hai năm, vợ chồng Kăn Lịch lại tiếp tục đón thêm 2 đứa trẻ mồ côi về nuôi ăn học,đó là Hồ Thị Phon và Hồ Thị Ngân. Hỏi đón 5 đứa con về nuôi không sợ khổ à? Kăn Lịch nói: “Trẻ em không nơi nương tựa như con nai mất mẹ. Mình người lớn mà bỏ rơi các cháu là có tội với núi rừng. Phải cưu mang các cháu mồ côi, đừng để các cháu thiếu đi tình yêu thương. Có khoai ăn khoai, có mì ăn mì, mình ăn cái gì các cháu cùng ăn cái đấy”. Nuôi 7 đứa con ăn học (có 2 con đẻ), gia đình Kăn Lịch tuy nghèo nhưng sống đầm ấm, hạnh phúc. 

Hồ Phúc Yên, Kăn Lịch và Ăm Hậu là ba trong số hàng vạn người con tiêu biểu của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô hôm nay . Đường đến ngày mai của nguời Vân Kiều, Pa Cô tuy còn lắm chông gai, song với niềm tin son sắt, người Vân Kiều, Pa Cô sẽ sớm vượt qua được những khó khăn, gian khổ, mãi xứng đáng là những người mang họ Bác Hồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm