| Hotline: 0983.970.780

Những người 'nhiều con' nhất hành tinh

Thứ Ba 16/05/2017 , 14:10 (GMT+7)

Hiếm ở đâu lực lượng kiểm lâm lại đặc biệt như ở Côn Đảo khi cùng lúc họ kiêm nhiều nhiệm vụ. Trong đó, ngoài chuyện “ngược đời” là thay vì lên giữ rừng thì họ lại lênh đênh ngoài biển khơi. 

Và đặc biệt hơn cả là có những chàng trai chưa từng có người yêu nhưng lại rất “rành” chuyện… đỡ đẻ và chăm sóc "bà đẻ".
 

Kiểm lâm bơi giữa biển khơi

Những ngày ở Côn Đảo, tôi may mắn được ông Lê Hữu Hoà, cán bộ kiểm lâm, người đã có hơn 30 năm gắn bó với đảo, thuộc Côn Đảo như lòng bàn tay, làm hướng dẫn. Nhân có chuyến tàu tiếp tế từ đảo Côn Sơn (đảo chính) ra các hòn đảo nhỏ, tôi xin “quá giang” ra hòn Bảy Cạnh, “vương quốc” của rùa biển.

Sau hơn nửa tiếng dập dềnh trên sóng, tàu cập điểm đầu tiên là Phân Trạm kiểm lâm Bãi Dương, thuộc quản lý của Trạm Bảy Cạnh. Khi tàu vừa hạ neo, mọi người tập trung bốc hàng và chỉ nháy mắt chuyến canô hàng đầu tiên được chất đầy. Việc chuyển hàng diễn ra khẩn trương, vì như lời ông Nguyễn Duy Thành, người có hơn 20 năm kinh nghiệm điều khiển canô tiếp tế thì: "Phải khẩn trương, vì càng chậm, hải triều rút xuống thấp, đến các điểm đảo khác, tàu không vào gần được, anh em vận chuyển vất vả lắm. Có khi ca nô phải chạy cả cây số mới ra đến chỗ tàu neo đậu”.

16-14-27_nh-3
16-14-27_nh-4
16-14-27_nh-5
Công việc của kiểm lâm không chỉ có giữ rừng giữ biển, mà còn là những “bà đỡ” mát tay cho hàng ngàn con rùa mỗi năm vào “vượt cạn”

Năm nay đã gần 60 tuổi, với hơn 30 năm sống trên đảo, ông Hoà là một trong số những cuốn “từ điển sống” ở đảo. Ông cho biết: “Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý gần 6.000ha rừng trên đảo chính và các đảo nhỏ,14.000ha mặt nước trên biển, 20.500 ha vùng đệm. Hệ sinh thái cực kỳ phong phú với hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm đang sống, nhiều loài được xếp vào sách đỏ... đặc biệt nhất phải kể đến là rùa biển. Bình quân mỗi năm có khoảng 350 con rùa mẹ lên bờ đẻ, chiếm trên 80% số rùa biển lên đẻ trên toàn quốc. Lực lượng kiểm lâm trên đảo hiện có 70 người, nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc cực lớn, nên lúc nào anh em cũng căng mình lên làm”.

Khoảng 5 giờ chiều, khi ánh nắng bắt đầu chuyển màu, sóng sánh dát vàng lên mặt biển, tôi chợt thấy tay chân ngứa như bị hàng chục con muỗi bu vào cắn. Lúc này, anh Trần Quang Thêm, Trạm trưởng Trạm Bảy Cạnh mới để ý thấy tôi mặc áo thun ngắn tay, anh cười như biết lỗi: “Tôi quên không nhắc anh, ở đây mấy con bù mắt nhiều lắm. Chiều lại là phải mặc quần áo kín, nếu không ngày mai không nhìn ra cánh tay mình nữa đâu”. Tôi để ý kỹ mới nhận ra những con côn trùng nhỏ như đầu kim, đang dính chặt trên tay tôi.

Khi ánh trăng treo lơ lửng trên đỉnh rừng, lấp lánh trên mặt biển, các anh kiểm lâm mới mở máy phát điện để xem thời sự trên ti vi. “Tiêu chuẩn mỗi đêm chỉ được phát điện khoảng 1 tiếng, khi hết thời sự trên ti vi là tắt. Chạy thêm phải bỏ tiền túi mua xăng”, chàng kiểm lâm viên Ao Hoàng Sáng ghé tai tôi nói nhỏ.

Đêm trên đảo, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, bên tai là tiếng gió rít qua tán cây rừng, là tiếng sóng biển ì oạp vỗ bờ đá. Đang miên man suy nghĩ, bất chợt tôi nghe tiếng ông Hoà thoảng bên tai: “Không ngủ được phải không? Ai mới ra cũng vậy. Nhưng chỉ chừng tuần là quen. Tụi tôi giờ mà vào đất liền cũng sẽ sẽ khó ngủ vì thiếu những âm thanh này”.
 

Chưa vợ, nhưng có cả... 'đàn con'

Hơn 5 giờ sáng, khi tôi choàng tỉnh thì xung quanh đã vắng lặng, ánh nắng vàng rực chiếu thẳng qua khung cửa vào tận nơi tôi nằm. Ngoài sân, ông Hoà đang ngồi nhâm nhi ly trà, mắt dõi nhìn ra nơi những gợn sóng lăn tăn nô đùa trong ánh ban mai. Thấy tôi, ông bảo: “Đêm qua lúc chú ngủ, anh em đi tuần, giờ vẫn chưa về, tôi định đi theo mà anh em bảo sẽ về muộn, nên thôi”.

Ngừng một lát, ông tiếp: “Anh em ở hòn Bảy Cạnh vất vả hơn các hòn khác, vì đây là nơi rùa vào đẻ nhiều nhất. Hòn này có hơn 550 ha rừng, trong đó có 10ha rừng ngập mặn. Đây là "rốn" của rùa. Bình quân mỗi năm có khoảng gần 400 tổ rùa, cho ra đời khoảng 30 ngàn rùa con mỗi mùa sinh sản. Do đặc tính của rùa chỉ vào bờ đẻ trứng vào ban đêm nên vào mùa rùa đẻ, phải huy động toàn bộ anh em, làm cật lực thâu đêm mới di dời hết những tổ trứng rùa về nơi an toàn", giọng ông Hoà chìm trong tiếng sóng, gió biển.

Ngoài ra, theo ông Hoà, hòn Bảy Cạnh còn là nơi tập trung khá đông ghe thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu, lực lượng kiểm lâm phải giám sát, nhắc nhở họ không được cạy ốc đá, bắt hải sâm, hay làm gãy các rạn san hô, chú ý phòng cháy rừng, sau khi sinh hoạt xong, phải làm vệ sinh, không xả rác bừa bãi. “Anh em không chỉ giữ rừng mà còn bảo vệ sự đa dạng của các loài sinh vật biển”, ông Hoà nói.

Ở các hòn trên Côn Đảo, lâu lâu mới có đoàn khách du lịch ghé thăm, phần lớn thời gian còn lại, các kiểm lâm viên chỉ có rừng, biển và rùa làm bạn. Chính vì thế, đường tình duyên của các anh khá truân chuyên. Ông Hoà nói: “Chú thấy đấy, anh em kiểm lâm ai cũng đẹp trai, phong độ, tôi ngày xưa cũng vậy (cười), mà ế nhiều quá. Khoảng 1/3 số anh cỡ 30-40 tuổi mà chưa từng có mảnh tình nào vắt vai.

16-14-27_nh-2
Chàng kiểm lâm trẻ trên hòn Bảy Cạnh

Còn thế hệ 9X mới ra, tương lai sẽ bổ sung cho danh sách “trai tân ế vợ” dài thêm. Hồi trước mấy cậu “ế” này cũng tìm nhiều cách để kiếm người yêu, trong đó có chuyện viết thư “kết bạn bốn phương” trên báo, đài, nhưng chẳng ăn thua. Riết rồi chán, bỏ. Có anh cũng xin nghỉ ít ngày vào đất liền tìm vợ, nhưng được vài hôm thấy lò dò ra, hỏi sao, hắn bảo: “Về vài hôm, chưa kịp gặp cô nào làm quen, đã thấy cồn cào nhớ đảo, nhớ biển, nhớ âm thanh ì oạp của sóng... nên bỏ ra đảo. Nghe chẳng khác gì thi sĩ”.

Theo quy định, các kiểm lâm viên một tháng được nghỉ 5 ngày. Tuy nhiên, vào mùa rùa sinh sản, gần như không một ai nghỉ đúng số ngày quy định. Thậm chí, nhiều người cả tháng không nghỉ ngày nào. Hoặc vào mùa biển động, tàu không ra được là anh em phải ở lại luôn. "Đây là thời gian buồn nhất. Ban ngày đội mưa đi tuần cả chục km đường rừng, tối về lại đối mặt với cô đơn. Lúc này, bao nỗi trỗi dậy... ấy vậy mà vào đất liền vài hôm lại muốn quay ra ngay”, anh Thêm tâm sự.

Trên đường về đảo lớn trên chiếc ghe cá của nhóm ngư dân Tiền Giang, ông Hoà cười, nói: “Anh em vẫn nói vui, vợ thì không có mà suốt ngày đi đỡ đẻ cho rùa, nên nhận đàn rùa con làm con mình vậy. Nên, tính ra anh em kiểm lâm Côn Đảo là những người nhiều con nhất thế giới”.

Ngay sau đó, ông cất giọng ngâm nga: "Ai ra Côn Đảo mà coi/ Ở đây có chuyện mắc cười/ Hải quân trèo lên núi ở/ Kiểm lâm bơi giữa biển khơi". Hát xong, ông quay sang tôi, hỏi: “Chú thấy ngộ không?”, rồi cười giòn tan, át cả tiếng sóng biển.

Không thể nói hết những thiếu thốn, thiệt thòi của lực lượng kiểm lâm ở Côn Đảo, nhưng các anh vẫn lạc quan, vẫn yêu đời. Không chỉ thế, mỗi ngày trôi qua, tình yêu của các anh dành cho đảo lại đầy lên thêm, khoả lấp hết mọi khó khăn. Tôi thán phục họ.

“Quả thật là anh em kiểm lâm Côn Đảo đang gánh vác một khối lượng công việc khá lớn, nhiệm vụ cũng khá nặng nề. Chưa kể anh em cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nhất là các bạn trẻ chưa lập gia đình. Nhiều anh phải sống cảnh “lẻ bóng” khi tuổi đã xế chiều. May mắn là dù trong hòn cảnh nào, anh em cũng hoàn thành nhiệm vụ và chưa xảy ra chuyện gì đáng tiếc”, anh Nguyễn Văn Trà, Hạt phó Hạt kiểm lâm Côn Đảo.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm