| Hotline: 0983.970.780

Những người sống vì... người khác

Thứ Năm 29/01/2015 , 10:00 (GMT+7)

Họ là những giáo viên đã về hưu nhưng không chịu an phận tuổi già. Họ đến gõ cửa từng nhà kêu gọi hỗ trợ cho những gia cảnh éo le; mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo…

Đấy là cô giáo Lê Thị Thanh Nga và Phạm Thị Ngọc Thúy ở tỉnh Quảng Nam.

Dạy chữ miễn phí

Đã 5 năm liền, vào những ngày hè, khác với khung cảnh vắng vẻ của nhiều ngôi trường, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn tiếng trẻ em vui đùa, học bài. Cứ đều đặn tuần 3 buổi, đám học sinh con nhà nghèo đến lớp. Học không phải đóng tiền.

Lớp học trên do cô Lê Thị Thanh Nga (64 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Phước Hòa) đứng ra tổ chức.

Tại lớp học, học sinh học tập, vui chơi hết sức nghiêm túc không kém gì những tiết học bình thường. Nhờ có mô hình này, nhiều năm nay học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, chưa bao giờ biết đến tiết học thêm hè, nay được cô Nga vận động, thuyết phục đến trường bằng những buổi học miễn phí.

Hỏi về những việc làm, cô Nga kể: Sau khi nghỉ hưu, cô tham gia vào công tác Mặt trận, Hội phụ nữ, Ban tình thương của phường…

Đã từ lâu, cô chứng kiến rất nhiều đứa trẻ con nhà nghèo, nhiều phụ huynh sống bằng nghề đi làm thuê, làm mướn. Ngày hè, bọn chúng không được đi học, cha mẹ đi làm suốt ngày nên không được sự quản lý chặt chẽ, ăn chơi lêu lổng, lại thiếu hiểu biết pháp luật, dễ sa vào tệ nạn xã hội.

Những hình ảnh đó cứ ám ảnh cô trong từng giấc ngủ, để rồi đặt câu hỏi: Mình có kiến thức, giờ không còn giảng dạy cũng phí! Và ý tưởng mở lớp học thêm hè miễn phí cho các trò nghèo lóe lên trong đầu người giáo viên tuổi đã xế chiều này.

Nghĩ là làm ngay, năm 2009, cô đến Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai gặp lãnh đạo trình bày ý nguyện, mong nhà trường tạo điều kiện cho mượn phòng để mở lớp học.

Sau khi nghe xong ý nguyện, lãnh đạo nhà trường liền gật đầu ủng hộ. Việc ban đầu rất thuận lợi, cô Nga thở phào nhẹ nhõm, nhưng lấy đâu ra tiền để mua nước uống, phấn, khăn lau và sách vở cho các em? Cô lại đến các hộ gia đình gõ cửa xin giúp đỡ, biết được việc làm của cô nên một số người không từ chối.

14-34-24_nh-2
Cuối khóa học, các em học sinh giỏi được nhận phần thưởng

Rồi cô đến gặp tổ trưởng dân phố, xin danh sách các em thuộc diện nghèo để vận động đến học. Còn giáo viên giảng dạy thì số giáo viên về hưu trên địa bàn ai cũng ủng hộ cô, họ sẵn sàng dạy không công.

Và đều đặn, từ đó đến nay, lớp học hè được duy trì, mỗi khóa học có hơn 100 học sinh, từ lớp 2 đến lớp 8. Qua những lớp học, có nhiều em yếu kém đã trở thành học sinh giỏi.

Đặc biệt nhất, bọn trẻ đến trường không những học được kiến thức mà còn học đạo đức làm người. Có nhiều em tính cách “ngang như cua” nhưng được thầy cô tận tình theo sát, giải thích, nên từ bỏ dần thói lêu lổng, chăm ngoan học giỏi.

Cô Nga cho biết: Một hai năm đầu thực hiện mô hình, khó khăn nhất là vấn đề giáo viên. Tuy nhiên, sau này, khi mô hình thực hiện hiệu quả, mang ý nghĩa xã hội cao nên nhiều giáo viên nghỉ hưu đã tự nguyện đến với lớp học. Năm vừa qua, có 15 giáo viên là hội viên Hội Cựu giáo chức tham gia giảng dạy.

Luôn lo cho người

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy (59 tuổi, ở phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ) bằng uy tín của mình đã quyên góp được tiền tỷ cho những gia cảnh khó khăn.

Bao nhiêu trường hợp được giúp đỡ, cô chẳng nhớ, người ít thì vài trăm ngàn, người nhiều vài chục triệu. Mỗi năm có đến hàng trăm người.

Tôi tình cờ gặp cô Thúy trong một lần đi viết bài cho chuyên mục “Những mảnh đời bất hạnh” trên Báo NNVN. Hôm tôi đến gia đình Lê Minh Hưng, ở phường An Xuân, TP Tam Kỳ, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cũng là lúc cô đến tìm hiểu. 

14-34-24_nh-3
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy (bên trái) trong một lần trao tiền từ thiện

Trên tay, cô cầm máy ảnh và cuốn sổ ghi chép cẩn thận. Khi mọi việc đâu vào đấy, cô Thúy tâm sự: Cô đến lấy thông tin, hình ảnh này để đưa lên mạng xã hội facebook, kêu gọi tài trợ, bằng những việc làm này, cô đã giúp được nhiều gia đình có hoàn cảnh thương tâm.

Cô Thúy nguyên là giáo viên trường THCS Chu Văn An, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Đến năm 2009 cô nghỉ hưu, cuối năm 2014, cô rời Duy Xuyên về sống với con cháu ở TP Tam Kỳ.

Mặc dù mới “chân ướt chân ráo” nhưng cô đã “lao” vào tìm kiếm các hoàn cảnh khó khăn để kịp thời kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, giúp đỡ cải thiện tình hình.

Công việc từ thiện của cô đã bắt đầu từ mấy chục năm nay. Ngày đang còn giáo viên, cô Thúy luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ các đối tượng học sinh nghèo với nhiều hình thức, cả về vật chất lẫn tinh thần để các em cố gắng vươn lên đạt nhiều kết quả tốt trong học tập.

Như trường hợp em Nguyễn Ngọc Sang, đậu vào Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, cũng là lúc Sang rơi vào bế tắc của cuộc đời.

Vừa qua tỉnh Quảng Nam sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô Thúy, cô Nga được tặng bằng khen thành tích xuất sắc. Đấy là những phần thưởng xứng đáng mà các cô đem lại trong cuộc sống.

Hết cha rồi đến mẹ bị bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình vốn nghèo khó nay lại càng túng quẫn hơn. Khi biết tin như vậy, cô Thúy đã đến động viên, an ủi và hỗ trợ Sang một số tiền để em nhập học.

Chiếc xe máy hiệu Honda – tài sản duy nhất, gắn bó lâu năm với mình nhưng cô Thúy cũng chẳng do dự khi tặng luôn cho Sang, để em có phương tiện đi lại, làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, cô tích cực tìm kiếm những nhà hảo tâm, trao cho Sang học bổng mỗi tháng mấy trăm nghìn đồng.

Trường hợp của vợ chồng chị Ngô Thị Thuận (38 tuổi, trú thôn Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn) bị tai nạn giao thông. Chồng chị Thuận là anh Thái Thanh Thành qua đời, còn chị Thuận bị dập nát chân trái phải cắt bỏ.

Chị Thuận xuất viện về nhà nhưng vết thương còn đau nhức liên tục, cô Thúy đã tìm đến một phòng khám tư nhân xin chữa bệnh miễn phí cho chị Thuận và được các bác sĩ đồng ý điều trị cho đến khi vết thương lành hẳn.

Cô Thúy lại trăn trở với hoàn cảnh của 4 đứa con còn tuổi ăn học của chị Thuận. Chúng sẽ ra sao khi cha chết, mẹ tàn phế? Cô lặn lội đi tìm những tấm lòng nhân ái để giúp chị Thuận có việc làm phù hợp với sức khỏe, nuôi 4 đứa con ăn học.

14-34-24_nh-4
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy (bên phải) trong một tìm hiểu hoàn cảnh nghèo khó kêu gọi mọi người giúp đỡ

Cơ sở Thêu xuất khẩu ở TP Tam Kỳ đã nhận lời đến dạy thêu và đưa hàng đến tận nhà giúp chị Thuận làm việc. Một tổ chức từ thiện cũng nhận tài trợ học bổng cho em Thái Thị Hoài Thương, con thứ hai của chị Thuận (hiện đang học lớp 8) mỗi năm 200 USD đến hết đại học.

Giai đoạn từ năm 2010-2013, khi làm Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Nam Phước, cô Thúy đã đi vận động các tổ chức, cá nhân để làm công tác khuyến học, giúp đỡ học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong học tập với số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng. Riêng huyện Duy Xuyên mỗi năm hỗ trợ 600 triệu đồng và rất nhiều em học sinh được nhận học bổng.

“Công việc từ thiện giúp tôi cười nhiều hơn mỗi ngày. Dù đóng góp của mình còn ít ỏi nhưng đó là những cố gắng hết sức có thể của tôi. Nhưng đi làm từ thiện không phải dễ, nếu muốn các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ thì bản thân người trực tiếp đứng ra tổ chức phải thành tâm, minh bạch, các hoàn cảnh khó khăn phải đúng sự thật”, cô Thúy bộc bạch.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm