| Hotline: 0983.970.780

Những người thích “khổ” vì dân: Ông trưởng thôn… lạ đời

Thứ Tư 06/08/2014 , 13:10 (GMT+7)

Người ta làm trưởng thôn để nhận tiền trợ cấp của Nhà nước, đằng này ông Liêm làm trưởng thôn để lấy tiền nhà giúp đỡ mọi người. Ông làm cán bộ để đem tiền nhà "rải" ra đường làng, ngõ xóm; "rải" vào nhà trẻ và giúp đỡ người nghèo.

Nom kiểu ăn vận tuềnh toàng, chân xỏ dép tổ ong, quần ống cao ống thấp, da sạm đen vì cháy nắng của ông Đinh Văn Liêm (trưởng thôn Tân Hưng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, Hà Nam), chẳng ai nghĩ đó là người sáng lập và điều hành Cty CP Khoáng sản Lộc Hà làm ăn phát đạt, mỗi năm nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Căn nhà nhỏ mà vợ chồng ông Liêm đang sống xây năm 1980. Tường đã phủ rêu mốc, tường tróc lở vương cát xuống nền nhà. Mỗi ngày bà Vĩ, vợ ông, phải cầm chổi quét mấy lần mới sạch.

Ông Liêm bảo: Người nào lần đầu đến đây cũng trợn tròn mắt. Họ không ngờ ông chủ của hơn 200 công nhân khai thác đá lại “túng bấn” như thế. Thú thực, tiền xây một căn nhà mới khang trang tôi chẳng thiếu, nhưng nghĩ mình già cả rồi, cùng lắm sống được mươi, mười lăm năm nữa là “xuống lỗ”. Mấy đứa con tôi đều thành đạt, nhà cửa đủ đầy, chẳng thà để tiền ấy làm những việc có ý nghĩa xã hội hơn.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hai thôn Tân Lập và Nam Công (cùng xã Thanh Tân) được thành lập mới. Đời sống nhân dân thiếu thốn đủ bề. Thấy nhiều nông dân suốt ngày đi mò cua bắt ốc, đến xì dầu cũng phải pha loãng để chấm rau ăn cho đỡ nhạt mồm nhạt miệng, ông Liêm thấy nhói lòng.

Tổ khai thác đá Đức Tân (sau này chuyển đổi thành Cty CP Khoáng sản Lộc Hà) của ông hoạt động chưa lâu, lợi nhuận chẳng đáng là bao nhưng khi có bất cứ hộ nào muốn kiến thiết nhà ở kiên cố, chỉ cần thông báo là ông ủng hộ 100% vật liệu xây dựng.

Xóm nào muốn rải cấp phối đường làng, ông huy động công nông chở đất đá đến tận nơi tặng. Ân nghĩa đó người làng Tân Lập, Nam Công vẫn ghi lòng tạc dạ đến bây giờ.

Sau khi giao lại Cty cho người con trai thứ hai Đinh Văn Hà làm giám đốc điều hành, ông Liêm vẫn chẳng chịu nghỉ dưỡng già. Thấy đường làng Tân Hưng xuống cấp trầm trọng, dân đi lại gặp mưa phải xắn quần quá gối, trời nắng bụi bay mờ mắt; ruộng đồng chia năm xẻ bảy; mương máng thuỷ lợi nát bươm. Năm 2012, ông Liêm quyết định ứng cử trưởng thôn để cùng bà con làm đẹp làng quê.

Để tôi làm trước cho bà con coi

Ông Liêm nhậm chức trưởng thôn vào tháng 5/2012, đúng thời điểm gieo cấy vụ mùa. Cả thôn có 117 mẫu ruộng nhưng chỉ có 2 máy cày nhỏ. Chủ máy được thể làm bừa. Họ “vặt” của nông dân 100.000 đồng/sào ruộng cao, 50.000 đồng/sào ruộng thấp.

Giá dịch vụ cao thì cố nhịn được nhưng làm bừa làm ẩu, cày dối đến nỗi gốc rạ còn không bật lên thì tức không chịu nổi, dần dà tạo thành bức xúc trong quần chúng.

Ông Liêm quyết định mua một chiếc máy cày lớn trị giá 200 triệu đồng, giao cho người cháu ruột vận hành để phục vụ khâu làm đất trong thôn.

“Tôi quán triệt thằng Chư phải cày bừa đất thật nhuyễn, bao giờ chủ ruộng kiểm tra thấy hài lòng mới nhận tiền. Đồng cao cũng như đồng thấp, chỉ lấy tối đa 47.000 đồng/sào, cấm lấy hơn. Thấy thế bà con rất phấn khởi”, trưởng thôn Tân Hưng chia sẻ.

15-40-22_nh-3
Ông Liêm mua máy cày làm đất giá rẻ cho bà con 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân Phạm Văn Biên cho biết: “Hồi ứng cử làm trưởng thôn, ông Liêm tuyên bố sẽ không để nhân dân nợ Nhà nước hoặc Nhà nước nợ nhân dân. Tôi tưởng ông ấy nói thế để lấy lòng quần chúng nhưng hoá ra là thật. Các khoản thu của thôn, xã nhận không thiếu một đồng. Hỏi ra mới biết những hộ gia đình nào khó khăn quá, ông Liêm đã nộp thay. Người ta làm trưởng thôn để nhận tiền trợ cấp của Nhà nước, đằng này ông ấy làm trưởng thôn để lấy tiền nhà giúp đỡ mọi người”.

Muốn đưa cơ giới hoá vào SX thì trước tiên phải dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang nội đồng. Đa phần dân chúng nhiệt tình ủng hộ, nhưng một số người có ruộng gần đường lớn kịch liệt phản đối. Tại buổi họp thôn, ông T. ở xóm B lớn tiếng: “DĐĐT là việc tự nguyện, chính quyền không được ép buộc. Ai thấy lợi cứ đổi cho nhau, nhà tôi cày cấy quen thửa đất ấy rồi, không cần dồn làm gì cho mệt”.

Ông Liêm phân tích: Nhà anh có 5 sào ruộng nhưng xẻ thành 8 thửa. Trong đó chỉ có 3 thửa ở gần đường lớn, 5 thửa khác phải lội bùn ngùm ngụp, vác lúa hàng trăm mét mới tới đường xe cải tiến, rồi lại kéo xe về nhà như trâu, khổ chưa? Thà rằng anh DĐĐT và hiến một ít đất làm giao nội đồng, chẳng phải toàn bộ ruộng của anh đều gần đường là gì.

"Phe đối lập" vừa mới tranh luận gay gắt bỗng nhiên im bặt.

Những lá thư cảm ơn

Biết tin Nhà nước hỗ trợ xi măng để nhân dân làm đường xây dựng NTM, ông Liêm tận dụng mối quan hệ với các DN trên địa bàn để huy động 100% đá, cát và thuyết phục người dân góp công để cứng hoá bê tông đường làng ngõ xóm.

Bà Vĩ chia sẻ: “Ông ấy đi triền miên từ sáng tới tối, chỉ đảo về nhà giờ cơm. Tuyến đường nào đang thi công, ông ấy đích thân giám sát chặt hơn cả cai thầu. Đến cái máy bơm nước giếng của gia đình cũng tháo ra, chở đến điểm thi công để hút nước trộn bê tông, vợ con con phải dùng gầu kéo nước”.

15-40-22_nh-2
Tuyến đường xóm B (thôn Tân Hưng) được ông Liêm hỗ trợ đá sỏi, nay đã được bê tông

Đến nay, hầu hết các đường ngõ xóm A, xóm B, xóm C đã được cứng hóa với tổng chiều dài 2.800 m. Chỉ 2 năm làm trưởng thôn, nhưng ông Liêm đã nhận được nhiều lá thư cảm ơn của nhân dân các xóm. Đó là sự ghi nhận đầy ý nghĩa đối với những đóng góp của người trưởng thôn già tận tụy với quê hương.

Làm cán bộ thôn, mỗi tháng ông Liêm nhận được hơn 500.000 đồng phụ cấp. Số tiền ấy ông không tiêu mà gom góp lại làm cho các cháu mầm non một sân bê tông rộng 100 m2 trong khuôn viên trường; ủng hộ 1 cái quạt cây, 2 chiếc ti vi để các cháu xem hoạt hình giờ ra chơi. Ngoài ra, ông trích phụ cấp ủng hộ 10 hộ nghèo, gửi cho Mặt trận thôn quản lý; thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách.

Trận bão 8/2013, một đoạn đê sông Đáy ở thôn Tân Hưng bị sụt lở nghiêm trọng. Cán bộ đê điều về khắc phục sự cố, bấy giờ mới cử người đi mua tre làm cọc. Sợ để lâu sẽ xảy ra vỡ đê, ông Liêm bảo: “Nhà tôi có hai bụi tre to, các anh cần bao nhiêu cứ chặt bằng đủ thì thôi, để dành tiền mua ấy bồi dưỡng cho những người phục vụ chống bão”.

Giá như mỗi xóm, thôn của nước ta có một “ông Liêm trưởng thôn”, thì hay biết mấy.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất