| Hotline: 0983.970.780

Những nỗi đau dai dẳng

Thứ Ba 10/08/2010 , 08:55 (GMT+7)

Giờ đây trên vùng quê Tân Kiều thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã có bao sự đổi thay, tuy nhiên hậu quả của chiến tranh vẫn còn hằn lại trên thân thể những con người bất hạnh.

Đã 19 tuổi mà Nguyễn Minh Luân không khác gì một đứa trẻ

Tân Kiều là xã vùng sâu thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng chứng kiến biết bao người ngã xuống để giành lại độc lập hôm nay. Giờ đây trên vùng quê này đã có bao sự đổi thay, tuy nhiên hậu quả của chiến tranh vẫn còn hằn lại trên thân thể những con người bất hạnh.

Năm 1974, ông Nguyễn Văn Hòa tham gia kháng chiến. Hòa bình trở lại, ông trở về quê lập gia đình và sinh sống tại ấp 4 xã Tân Kiều. Với 10 công ruộng của cha mẹ để lại, cuộc sống gia đình ông cũng tạm ổn. Rồi hai đứa con trai đầu lần lượt ra đời khỏe mạnh nhưng đến đứa thứ ba là Nguyễn Minh Luân (SN 1991), cuộc sống của gia đình ông bắt đầu rơi vào tình cảnh thiếu trước hụt sau. Từ lúc lọt lòng Luân đã bị dị tật hở hàm ếch và bị suy dinh dưỡng nặng, cơ thể ngày càng teo tóp vì bệnh tật liên miên. Bao nhiêu tiền bạc làm ra vợ chồng ông Hòa đều đổ vào tiền thuốc thang cho con, có khi một tháng ròng Luân phải nằm điều trị ở bệnh viện. Năm 4 tuổi, sau khi được mổ thẩm mỹ tại bệnh viện huyện Tháp Mười, Luân đỡ hơn so với trước, em đã bắt đầu biết nói bi bô.

Nhưng rồi năm lên 6 tuổi, vào buổi sáng từ ngoài ruộng về, nghe Luân kêu “con nóng trong mình quá, chắc con chết quá cha ơi”, ông Hòa vội ôm con ra bệnh xá huyện. Tại đây, Luân lên cơn co giật dữ dội, tay chân co quắp, mắt trợn ngược và không còn biết gì. Hơn 20 ngày hôn mê, tỉnh lại em chỉ ú ớ không thành tiếng, rồi lăn lộn trong đau đớn. Đi hết bệnh viện này rồi bệnh viện khác, tiền vay cũ chưa trả lại vay mới người ta không cho, ông Hòa phải cầm cố 10 công ruộng – tài sản duy nhất của gia đình được hơn 3 cây vàng để có tiền lo cho con, nhưng tiền hết mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Luân vẫn cứ còm cõi, khóc suốt ngày, cuối cùng ông đành bế con về nhà trong tuyệt vọng. Ông đâu biết rằng Luân đã mắc phải di chứng từ ông do nhiễm chất độc da cam khi còn tham gia chiến đấu, riêng bản thân ông cũng bị hành hạ mỗi khi trở trời, đầu đau nhức.

Đã 19 tuổi mà trông Luân như một đứa trẻ lên 5 chỉ nặng 7 kg, nằm liệt một chỗ chỉ biết cười, biết khóc.

Cùng xã với ông Hòa có ông Lê Văn Điệt (79 tuổi) là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ, trong 9 người con của ông thì có đến 5 người bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ do bị nhiễm chất độc da cam.

Cháu Ngọc Tâm - cháu ngoại ông Điệt, từ lúc sinh ra đã bị câm điếc, cơ thể bị liệt hoàn hoàn

Ông Điệt là bộ đội địa phương, tham gia chiến đấu từ năm 1959. Lúc ấy chiến trường rất ác liệt. Còn nhớ, có hôm về đến nhà nhìn từ trước đến sau hè phủ một màu trắng xóa. Cứ nghĩ chỉ vậy rồi thôi, đâu biết sự ảnh hưởng của nó ghê gớm như vậy. Kết quả là 5 người con của ông Điệt phải chịu ảnh hưởng của thứ chất độc chết người ấy: bị câm điếc và ngây ngô như người bị dại. Đau đớn hơn là đứa cháu ngoại - con chị Huệ (người con thứ 7 của ông) cũng bị dị tật câm điếc do ảnh hưởng từ mẹ, toàn thân mềm nhũn, hai chân bị teo lại chỉ nằm một chỗ. Anh con trai thứ 5 của ông tên là Mến thì mắc thêm chứng bệnh tâm thần, cứ mỗi lần lên cơn là vác dao rượt ông chạy khắp xóm.

“Có nhiều lúc không vừa lòng với nhau chuyện gì thì chúng lại cãi nhau chí chóe, nói cãi chứ cũng ú ớ không thành tiếng. Chúng lớn từng tuổi này rồi mà tôi phải suốt ngày canh chừng từng đứa như giữ trẻ vậy. Cuộc sống vất vả khó khăn tôi không sợ, chỉ sợ rằng lỡ một mai khi tôi mất đi chẳng biết ai lo cho tụi nó”, ông Điệt tâm sự. Ngoài vài công ruộng, gia đình ông Điệt chủ yếu dựa vào trợ cấp hàng tháng để sinh sống. Tuy không đến nỗi cơ cực nhưng ông lúc nào cũng thấy xót xa cho những đứa con bất hạnh của mình. Nhìn những người con của ông Điệt có người nếu lập gia đình thì cũng đã có cháu nội, cháu ngoại để bồng bế, mặt mày cứ ngơ ngác thất thần, miệng ú ớ chẳng thành lời, khi gặp người lạ thì lấm lét núp phía sau nhà, ai trông thấy cũng không khỏi chạnh lòng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ấy vậy mà ông Điệt chẳng được giây phút thảnh thơi. Người cựu binh già một thời cầm súng chiến đấu ngoan cường, từng vào sống ra chết không hề biết sợ là gì thì bây giờ cứ nặng một nỗi lo: “Khi tôi mất liệu có ai lo cho chúng?”.

Câu hỏi của ông Điệt khiến chúng tôi bị ám ảnh và nó trở thành một nỗi đau dai dẳng bởi hiện nay trên cả nước có gần 5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc mầu da cam.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.