| Hotline: 0983.970.780

Những 'nữ phu' trắng đêm đội cả tấn cá từ thuyền lên bờ, không một lời than vãn

Thứ Ba 27/12/2016 , 13:25 (GMT+7)

Trắng đêm chuyển cá từ thuyền lên bờ, thù lao chỉ được trả bằng một mớ cá hoặc dăm ba chục nghìn. 

Đó là công việc mưu sinh hàng chục năm nay của những “nữ phu” ở cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Dù là nghề cực nhọc và bèo bọt nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm.

 

Đội cả chục tấn cá mỗi ngày

Sau chuyến công tác tìm hiểu về hoạt động chi trả tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển vào tháng trước, trong tôi cứ ám ảnh hình ảnh những người phụ nữ “đầu trần chân đất” đội từng khay cá từ dưới tàu lên bờ, người ướt nhẹm, run lên từng hồi vì nước đá ngấm vào người.

Cứ tưởng nghề khuân vác ấy chỉ dành cho đấng mày râu thân hình vạm vỡ nhưng nó lại trở thành kế sinh nhai của những phụ nữ “chân yếu tay mềm” nơi cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim.

16-29-07_1
Những “bóng hồng” xã biển Thạch Kim dầm mình khuân vác cá từ thuyền lên bờ từ mờ sáng hằng ngày
 

Có mặt tại bến cảng khi chưa rõ mặt người, nhiều tốp chị em ngồi co ro chụm đầu vào nhau ngái ngủ. Đó là cách mà những người phụ nữ này thường làm để chắn bớt gió biển giữa tiết trời đông lạnh cắt da cắt thịt.

Họ túm tụm, nhẫn nại chờ những con tàu từ trùng khơi đầy ắp cá trở về để gánh lên bờ. Tôi nhìn vào những đôi mắt đỏ hoe vì mất ngủ, thân hình gầy còm, đôi vai bé nhỏ run lên theo từng đợt gió thốc mà xót xa. Họ bảo đó là nghề - cái nghề đã nuôi sống gia đình họ bao đời nay, dẫu biết rằng nó nặng nhọc, vất vả vô kể.

Hòa lẫn trong tiếng sóng vỗ rì rào, một phụ nữ trạc lục tuần bỗng dưng đứng phắt dậy hô to “tàu cập bến rồi”.

Không ai bảo ai, hàng chục phụ nữ khác tản ra hướng về phía biển. Trong khung cảnh náo nhiệt ấy, bà Phạm Thị Bình, thôn Long Hải, xã Thạch Kim cùng hàng chục người khác tất bật với việc khiêng cá lên bờ. Bà Bình là người có thâm niên bốc vác lâu nhất với 25 năm. Bà bảo rằng: “Ngày nào không được ngửi mùi tanh nồng, không được tắm nước đá ướp hải sản là ngày đó coi như đói”.

Năm nay bà Bình đã qua cái tuổi 60, sức khỏe không còn như xưa, đôi chân cũng chẳng còn thoăn thoắt nữa nhưng hằng ngày bà vẫn dậy từ mờ sáng ra bến khuân cá.

“Chồng tôi dù có lương hưu nhưng cũng chỉ "ba cọc ba đồng", chẳng đủ trả lãi ngân hàng. Tôi làm nghề này mong kiếm con cá con mắm nuôi gia đình qua ngày. Biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn? Thời gian đầu đi làm về, chân tay nhức mỏi, đầu cứ ong ong, mệt không nuốt nổi cơm nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên phải gắn bó”, bà Bình cố giấu những nét mệt mỏi chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu chưa quen nghề, đêm về khắp mình mẩy bà đau nhức, đặc biệt là phần đầu. Để giảm lực, bà Bình phải quấn khăn dày hoặc đội mũ len để vác cá; lâu dần thành quen, bà quyết định gắn bó với cái nghề nặng nhọc này luôn.

16-29-07_2
Những “bóng hồng” xã biển Thạch Kim dầm mình khuân vác cá từ thuyền lên bờ từ mờ sáng hằng ngày
 

“Có khi một ngày tôi phải đội cả chục tấn cá trên đầu đấy. Đội nhiều quá nó lõm mất một khúc rồi. Tối về nằm ngủ đứa nào cũng kêu người mẹ tanh quá, toàn mùi cá. Giờ đi xa thỉnh thoảng chúng nó gọi điện về còn nói đùa là nhớ mùi tanh cá của mẹ”, nụ cười hiền hậu pha chút vị mặn của biển hiện rõ trên khuôn mặt bà Bình .

Theo bà Bình, mỗi lần khiêng cá cho một tàu bà được trả từ 20.000 - 30.000 đồng, có thuyền người ta cho mớ cá rồi mình đem bán hoặc đưa về ăn. Ngày nào thuyền về nhiều bà có thể kiếm được 80.000 - 100.000 đồng, gặp hôm chủ tàu bội thu hoặc chủ thoáng sẽ “bo” thêm một ít nhưng chẳng đáng là bao. Cũng có hôm bà phải về tay không vì tàu thuyền về ít.

Chung cảnh ngộ, quần áo luôn trong tình trạng bạc phếch, ướt sũng, bà Nguyễn Thị Định (SN 1960), trú thôn Xuân Phượng đưa tay lên quệt những giọt nước còn đọng lại trên gương mặt nhăn nheo nói: “Tôi ra bến từ lúc 3h sáng, làm đến khi nào hết việc thì về.

Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng chỉ được trả công vài ba chục ngàn đồng, gặp chủ thoáng và làm thêm việc phân loại cá thì cả ngày cũng chỉ gom góp được chừng 150.000 - 200.000 đồng. Đấy là hôm trời yên biển lặng cá về nhiều chứ gặp hôm bão gió tàu không ra khơi thì ngày đó tay trắng”.

16-29-07_3
Những “bóng hồng” xã biển Thạch Kim dầm mình khuân vác cá từ thuyền lên bờ từ mờ sáng hằng ngày
 

Khi hỏi về chuyện gia đình, bà Định buồn bã kể, trước khi đến với nghề khuân vác cá này, bà từng làm việc tại HTX Kim Tiến. Sau HTX giải tán, bà chuyển sang đi buôn cá tươi, còn chồng làm nghề canh vó cho HTX Hải Đằng.

Thế nhưng, tai họa ập đến khi chồng bà ra đi trong một tai nạn. Lúc đó bà đang mang bầu đứa con thứ 6. Dù suy sụp nhưng nghĩ đến 6 đứa con không nơi nương tựa bà lại gắng gượng đứng dậy, gánh vác thay nhiệm vụ của chồng nuôi các con ăn học thành người.

“Tôi chuyển sang nghề khuân vác cá cho một chủ thuyền gần nhà, có thể chạy tới, chạy lui lo cho các con nhỏ. Thấm thoát cũng gần 25 năm rồi, con cái đã trưởng thành, dù có gia đình riêng nhưng đứa nào cũng còn vất vả lắm. Chúng nó thương mẹ, muốn mẹ nghỉ việc vì sợ tuổi cao, làm việc nặng lại đổ bệnh nhưng nghỉ sao được, công việc dù vất vả, bù lại có đồng ra đồng vào, làm để có cái ăn, còn khoản tiền nợ ngân hàng khi nuôi đứa út sinh viên nữa”, bà Định trầm tư chia sẻ.
 

Được vất vả là… may

Dù là nghề cực nhọc và bèo bọt nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Công việc của những “nữ phu” phụ thuộc cả vào những con tàu vươn khơi. Có những chuyến tàu thất thu đội quân khuân vác còn buồn hơn cả chủ tàu.

16-29-07_4
Dù là nghề nặng nhọc nhưng với các bà, các chị được vất vả là còn... may
 

“Nghề này thu nhập bấp bênh lắm, mình ít học thì phải ráng dùng sức mà làm, được đồng nào hay đồng đó. Ngày thuyền về nhiều, một mình tôi phải “bao trọn” cả 5-6 thuyền. Dù mệt vẫn gắng làm vì không làm họ thuê người khác coi như mất thuyền. Ấy vậy mới nói, làm cái nghề này được vất vả là còn… may”, bà Nguyễn Thị Định tâm sự.

Cũng theo bà Định, vì cái nghề bấp bênh nên họ chưa bao giờ than vãn về chuyện chủ tàu xúc đầy khay quá hay tàu thuyền về dồn dập. Đặc biệt, từ sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, số lượng thuyền nằm bờ nhiều hơn ra khơi nên phần lớn phu vác không còn “được” vất vả nữa. Nhiều người buộc phải tìm thêm nghề phụ để kiếm cái ăn hằng ngày như dán vàng mã, bán hàng ăn sáng…

Cảng cá Cửa Sót hiện có gần 20 “nữ phu” làm nghề khuân vác cá, chủ yếu độ tuổi từ 40-65. Công việc vừa nặng nhọc, lại thường xuyên phải dầm mình dưới biển dù trời nắng đổ lửa hay lạnh cắt da cắt thịt nhưng cứ có tàu thuyền cập cảng là chị em lại í ới gọi nhau ra biển.

Với các bà, các chị, chỉ trừ những khi bệnh nặng mới nghỉ làm, còn cảm cúm qua loa vẫn phải gắng gượng vì nghỉ buổi nào mất tiền buổi ấy. Khi được hỏi về việc nghỉ làm nghề bốc vác, tất cả các “nữ phu” đều chung câu trả lời: “Làm đến khi nào không ai thuê bốc vác nữa thì thôi”.

"Chúng tôi hi vọng sau sự cố môi trường, Trung ương, tỉnh sẽ có chính sách đặc thù riêng hỗ trợ chị em, mà cụ thể là các “nữ phu” chuyển đổi nghề, giảm bớt áp lực để họ bảo đảm sức khỏe, thu nhập lúc về già", chị Phan Thị Mai, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Kim chia sẻ.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất