| Hotline: 0983.970.780

Những ông chồng nô lệ ở Hong Kong

Thứ Hai 22/05/2017 , 19:45 (GMT+7)

Đàn ông Ấn Độ và Pakistan kết hôn qua mai mối rồi bị lừa tới Hong Kong, nơi họ phải làm việc cho nhà vợ như nô lệ nhưng không dám trình báo.

nhung-ong-chong-no-le-o-hong-kong
Những người đàn ông Nam Á bị lừa tới Hong Kong qua hôn nhân mai mối. Ảnh: SCMP

Shahid Sandhu rời Pakistan tới Hong Kong lấy vợ qua mai mối 4 năm trước. Từ đó đến nay, anh bị vợ, anh em nhà vợ và bố mẹ vợ kiểm soát từng hành động, theo SCMP.

6 ngày một tuần, Sandhu làm quần quật ở một công trường xây dựng còn đến tối và ngày nghỉ, anh như thằng hầu trong nhà. Họ lấy hết tiền anh kiếm được, không cho Sandhu ăn no, luôn chì chiết, thậm chí còn đe dọa giết anh.

Sandhu biết những việc gia đình vợ làm là sai trái và bất hợp pháp, anh kiệt sức vì bị lạm dụng, trầm cảm, thường gặp ác mộng nhưng lại sợ hãi và xấu hổ không dám nói ra.

Chuyện của Sandhu như thể truyện cổ tích nhưng thực tế nó đang xảy ra tại một trong những thành phố văn minh nhất thế giới: Hong Kong. Sandhu cũng không phải người duy nhất lâm vào hoàn cảnh này.

Luật sư và nhân viên các tổ chức phi chính phủ chuyên làm việc với cộng đồng người Nam Á tại Hong Kong cho biết Sandhu chỉ là một trong số hàng chục vụ đàn ông bị lừa kết hôn rồi bị đưa tới Hong Kong làm nô lệ cho gia đình nhà gái.

Người bị lừa thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, được hứa hẹn có thể kiếm đủ tiền gửi về quê giúp đỡ người nhà. Một khi tới Hong Kong, họ bị cô lập, sợ bị trả thù và quá xấu hổ nên không dám trình báo. Họ được gọi là "chú rể nô lệ".
 

Kỳ vọng

Đối với Sandhu, 34 tuổi, cơn ác mộng ở Hong Kong khác xa so với tưởng tượng khi anh được người mai mối kết hôn với một phụ nữ Pakistan sinh ra ở Hong Kong. Họ nói rằng nhà cô gái rất giàu có, sẽ giúp đỡ Sandhu - người có bằng đại học thương mại đang làm việc tại ngân hàng Pakistan với đồng lương còm cõi, phát triển công việc tại Hong Kong để kiếm tiền gửi về cho bố mẹ, những người nông dân nghèo khó. Anh và vợ làm thủ tục kết hôn ở Pakistan, vài tháng sau, Sandhu sang Hong Kong theo diện visa vợ chồng.

Niềm vui sau đám cưới lập tức biến mất. Luật sư và nhà vợ Sandhu lấy luôn hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của anh để "giữ cho an toàn" - hành vi phạm luật, rồi thông báo rằng anh phải làm việc ở công trường để kiếm tiền nuôi vợ và gia đình vợ. Tối đến và ngày nghỉ, anh phải làm việc nhà. Mỗi khi phàn nàn, Sandhu sẽ bị nhục mạ và đánh đập.

"Nhà vợ luôn bắt nạt tôi. Mặc dù tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng họ luôn gọi tôi là thằng mù chữ, người rừng. Có một lần tôi cãi lại, họ lập tức xông vào đánh tôi. Cuối cùng, tôi đành phải đầu hàng số phận", Sandhu nói.

Qua một đồng nghiệp, anh xin được số của Richard Aziz Butt, chuyên gia về nhập cư làm việc trong cộng đồng người Nam Á.

"Tôi cần thoát khỏi tình cảnh này", Sandhu nói với Butt. Tuy nhiên, anh lại không sẵn lòng trình báo cảnh sát. Giống nhiều chú rể nô lệ khác, Sandhu xấu hổ, sợ bị trục xuất, bị nhà vợ trả thù.

"Tôi gọi anh ta là một chàng rể nô lệ", Butt nói. "Anh ấy kết hôn qua mai mối rồi bị đưa tới đây làm việc như một cái máy kiếm tiền cho gia đình vợ. Đây đều là những yếu tố mang tính nô lệ. Nạn nhân bị giám sát 24h. Họ không dám nói với cảnh sát cho dù bị bạo hành".

"Họ tới từ những quốc gia trọng nam khinh nữ. Vì thế, nếu nói ra đang bị đối xử như nô lệ, họ sẽ bị cười nhạo và gọi là thằng hèn, vô dụng, bất tài. Do đó họ không dám kể cho bất kỳ ai".

nhung-ong-chong-no-le-o-hong-kong-1
Họ bị bắt làm việc quần quật suốt ngày tại các công trường. Ảnh: SCMP

Butt đã gặp hơn 100 người đàn ông Nam Á bị buôn bán tới Hong Kong qua con đường hôn nhân từ năm 1997 tới nay. Thị thực nhập cảnh thường được gia đình nhà gái trực tiếp lo liệu mà không thông qua văn phòng tư vấn hoặc luật sư để tránh bị chính quyền để ý.

"Tôi cho rằng 20% số này là chú rể nô lệ. Họ bị đưa tới Hong Kong để làm việc cho nhà vợ", Butt nói. Hầu hết nạn nhân là người ở vùng Punjab thuộc Pakistan và Ấn Độ, một số tới từ những quốc gia Nam Á khác như Bangladesh hay Nepal.
 

Không cô đơn

Babu Bishu từng làm ma cô buôn người, nay quay đầu giúp đỡ những người bị lừa kết hôn tới Hong Kong. Ông làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Chungking Mansions, một tòa cao ốc thương mại ở Tsim Sha Tsui, khu vực nổi tiếng với đồ ăn giá rẻ, địa điểm ký kết những giao dịch mờ ám và là nơi người Nam Á hay tụ tập.

Bishu đã giúp đỡ ba người Ấn Độ bị lừa kết hôn và cưỡng ép làm việc trong các nhà hàng và hiệu may ở Hong Kong. Nhiều năm qua, ông đã gặp gỡ hơn 200 người Nam Á khốn khổ, cả phụ nữ và đàn ông "là những người nghèo di cư tới Hong Kong qua hôn nhân mai mối" bị lừa tới đây lao động. Thậm chí một số trường hợp, phụ nữ còn bị chồng và bố chồng cưỡng bức, ép làm việc trong nhà chứa.

Nurul Qoiriah, trưởng văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Hong Kong cho biết những kẻ buôn người sử dụng nhiều thủ đoạn ngăn nạn nhân trình báo hoặc tìm kiếm giúp đỡ như đe dạo trả thù người nhà, ép nợ và cô lập người bị hại.

Một tuần trước, Sandhu đói lả người sau 18 tiếng làm việc và định lấy một chút thức ăn. Cậu em vợ, người chỉ cho Sandhu đủ tiền xăng xe, đã vô cùng tức giận và đánh đập Sandhu vì không nghe lời.

Lương của Sandhu ở công trường được trả vào tài khoản ngân hàng nhưng vợ và em vợ nắm toàn quyền kiểm soát. Họ lấy đi tất cả tiền của anh.

"Họ chỉ đưa tôi đủ tiền xăng xe vào thẻ vé tháng. Ngày nào cô ta cũng lấy điện thoại kiểm tra xem trong thẻ của tôi còn bao nhiêu tiền, tôi đã tiêu tiền ở chỗ nào", Sandhu nói. Nhà vợ đe dọa giết Sandhu nếu anh bỏ trốn.

nhung-ong-chong-no-le-o-hong-kong-2
Một người đàn ông Nam Á trên đường phố Hong Kong. Ảnh: SCMP

Karamjit Singh, 28 tuổi, người Ấn Độ, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự Sandhu. Anh được giới thiệu cho một phụ nữ Ấn Độ sinh ra ở Hong Kong. Gia đình cô ta dụ dỗ Singh, người không có tiền học hết cấp ba, con một trong gia đình nghèo khó sống với người cha già góa vợ, về cuộc sống giàu có tại Hong Kong.

"Nhà vợ kiểm soát Karmanjit. Những người như thế thường tìm tới chú rể không có gia thế, là con một trong gia đình nghèo để dễ bề cô lập", Butt nói.

Singh tổ chức đám cưới linh đình tại một ngôi đền Sikh ở Ấn Độ năm 2012. Một năm sau, anh được cấp thị thực vợ chồng tới Hong Kong.

Anh vợ và bố vợ bảo rằng Singh phải đi làm việc ở công trường vào ban ngày còn làm bảo vệ buổi tối. "Họ lấy giày cao gót của phụ nữ đánh cậu ấy nhằm mục đích sỉ nhục lòng tự trọng của Singh", Butt nói.

Bố vợ giữ thẻ ngân hàng có lương của Singh, còn vợ sẽ phát tiền cho anh mỗi ngày. Singh hối hận vì đã cưới vợ. Vợ anh là người dịu dàng, không có tiếng nói trong nhà, cũng không thể ngăn cản bố và anh.

"Tôi không trốn được. Tôi muốn rời khỏi gia đình vợ", Singh nói. Anh tìm đến Butt xin giúp đỡ vài tháng trước nhưng từ chối đến cảnh sát trình báo.
 

Nguy cơ

Việc buôn bán người làm nô lệ có yếu tố gia đình và hôn nhân chưa được chính thức điều tra trên toàn cầu, còn Sở di trú Hong Kong cũng chưa có hồ sơ ghi nhận các vụ báo cáo tình trạng bóc lột và buôn bán người thông qua thị thực kết hôn.

Tuy nhiên, số liệu về các cuộc hôn nhân cưỡng ép có yếu tố tội phạm khi nạn nhân bị kiểm soát đã được ghi nhận tại một số nước như Anh và Australia - nơi coi hôn nhân cưỡng ép là tội phạm. Năm ngoái, Văn phòng Hôn nhân Cưỡng ép của Anh phát hiện từ năm 2005 tới nay, 20% trong số 1.145 vụ có nạn nhân là nam giới, đến từ 90 quốc gia, trong đó 40% tới từ Pakistan, tiếp theo là Bangladesh với 8% và Ấn Độ với 6%.

Hongy Wong, chủ tịch Ủy ban Chống Buôn người thuộc Liên đoàn nữ luật sư Hong Kong cho biết Hong Kong không có luật cụ thể về hôn nhân cưỡng ép hay hôn nhân nô lệ nhưng có một số yếu tố liên quan trong Luật Hôn nhân (quy định độ tuổi kết hôn), Luật Tội phạm (cấm quan hệ tình dục với người chưa đủ tuổi).

"Chúng ta cần cập nhập và siết chặt khuôn khổ luật để đối phó với mọi hình thức buôn người. Tôi hy vọng sẽ có một đạo luật bao gồm mọi yếu tố nhưng để làm được điều đó cần có thời gian nghiên cứu, vận động và thông qua", Wong nói. "Bên mai mối hôn nhân cưỡng bức" cũng có thể xếp vào dạng vi phạm luật nhập cư và cấu thành tội có thể bị phạt tù 14 năm hoặc phạt hành chính 150.000 đôla Hong Kong (19.300 USD). Kẻ tiếp tay cũng có thể chịu cùng mức phạt.

"Tôi tin rằng việc buôn bán người qua hôn nhân không chỉ xảy ra với nam giới mà còn với nữ giới. Họ không dám nói vì khác biệt văn hóa, cảm thấy đó là điều cấm kỵ", Qoiriah nhận định. "Khi quay về quê hương, họ cảm thấy sẽ gặp rắc rốc, chịu nhiều áp lực xã hội nếu dám bỏ trốn khỏi kiểu hôn nhân bóc lột này".

Bà cho biết văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế tại Indonesia đã giúp đỡ phục hồi nhân phẩm cho nhiều vụ "cô dâu nô lệ" người Indonesia, người dân tộc thiểu số Trung Quốc bị đưa tới Hong Kong cưỡng bức làm gái mại dâm.

Nhà tâm lý học Dickinson nhận xét những cô dâu và chú rể nô lệ này bị "rối loạn căng thẳng sau chấn thương như trầm cảm, bất an, lo bị trừng phạt". Trong đó, gia đình nhà vợ có thể đe dọa gây tổn thương tới gia đình anh ta ở quê nhà.

"Họ phải đối mặt với sinh tử, ở một số nước, gia đình cô gái có thể giết chết con mình nếu dám bỏ chồng", Dickinson nói.

Đa phần những chú rể nô lệ này bị chấn thương tâm lý, trầm cảm, xấu hổ, sợ hãi. Ảnh: SCMP

Nita, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ cho biết một vài gia đình ở Hong Kong đã học nhau cách buôn chú rể và cô dâu có hoàn cảnh gia đình nghèo khó ở Nam Á.

"Họ không có lương tâm, hành động thuần túy vì tham lam", Nita cáo buộc.

Sandhu kể rằng anh em vợ nhắc đi nhắc lại nhờ có cuộc hôn nhân này mà anh mới đến được Hong Kong.

"Muốn tới Hong Kong, người Pakistan phải chi hàng triệu rup (1 triệu rup khoảng 9.350 USD) để xin visa, còn tôi thì chả mất xu nào, họ bảo thế", anh nói.

Năm ngoái, Sở di trú Hong Kong bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Pakistan và Bangladesh để ngăn chặn nạn buôn người sau khi số lượng ngườ Nam Á di cư không có giấy tờ gia tăng.

Qoiria nhận định rất khó để xác định nạn nhân của bọn buôn người bởi họ thường không ý thức được mình có quyền gì, có thể tìm ai giúp đỡ, thậm chí có người còn lệ thuộc hoàn toàn vào kẻ ngược đãi. Theo bà, các nhà điều tra hoặc thông dịch viên cần phải hiểu về bối cảnh nạn buôn người và rào cản văn hóa để đưa ra những câu thẩm vấn phù hợp.
 

Rào cản văn hóa

Theo Bishu, rất khó để biết được có bao nhiêu chú rể nô lệ bị ảnh hưởng bởi các quan niệm tôn giáo nên không dám khai báo. Một người từng chia sẻ với ông thà trở thành nô lệ còn hơn phải quay lại Ấn Độ chịu sỉ nhục.

Một nạn nhân khác có kế hoạch trốn anh em vợ chạy tới Canada cùng vợ.

"Họ đang trốn tránh. Tất cả đều sống như nô lệ, chịu đau khổ, không được trả lương hoặc trả rất ít", Bishu nói. "Họ cho rằng không thể xin giúp đỡ từ cảnh sát hoặc những người biết nói tiếng mẹ đẻ. Họ không dám đi đâu khiếu nại. Nhiều người thất học".

Butt, người đề nghị giúp đào tạo cảnh sát và cán bộ sở di trú đã giúp một người đàn ông Ấn Độ trình báo cảnh sát.

"Anh ấy khai bị vợ lấy hết tiền và bị đánh. Cảnh sát nói họ không giúp được gì, kiểm tra cơ thể không thấy dấu vết anh ấy bị đánh và đề nghị anh đi khám bác sĩ", Butt nói. "Tuy nhiên, anh ấy quá xấu hổ, không dám đi khám vì sợ bị trả thù. Cảnh sát kết luận đây là vụ tranh chấp trong gia đình".

Tuy nhiên, Butt và người này vẫn kiên trì kháng nghị và cuối cùng được chuyển tới Sở phúc lợi xã hội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do sở thiếu nhân viên người Punjab, cũng thiếu hiểu biết về văn hóa vùng này, nhưng cuối cùng, sau hai tháng, Butt đã giúp anh ta lấy lại hộ chiếu và tìm nơi trú ẩn tại Ấn Độ.
 

Bóng ma nô lệ

Giải pháp xử lý giống vụ người đàn ông trên là cá biệt. Đa số các vụ giống của Kashi, 34 tuổi, người Pakistan, cũng bị đưa tới Hong Kong qua hôn nhân mai mối và những lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp ở đây nhưng cuối cùng bị ép làm việc quần quật.

"Họ đối xử với tôi như nô lệ, không phải con người", Kashi nói.

Khi tới Hong Kong, Kashi bị lấy hộ chiếu, bị theo dõi mọi lúc mọi nơi và không được phép trò chuyện với người ngoài. 

"Tôi bảo rằng tôi sẽ không làm thế thì họ nói tôi buộc phải làm nếu không muốn ăn tát. Nói xong họ cười phá lên", anh nhớ lại.

nhung-ong-chong-no-le-o-hong-kong-4
Những người đàn ông nghèo khó kết hôn qua mai mối bị lừa về cuộc sống tốt đẹp ở Hong Kong sống như nô lệ. Ảnh: SCMP

Kashi bỏ trốn sau 5 năm, khi bị anh vợ dùng dao đâm. Anh bỏ của chạy lấy người, không quen biết ai, cũng không biết tiếng Anh.

"Tôi không có tiền, bạ đâu ngủ đấy", Kasshi nhớ lại. Sau đó, anh ở chung với những người đàn ông Nam Á khác trong một căn phòng chật chội ở Chungking Mansions. 

Butt đưa vụ của Kashi lên sở di trú và cố xin thị thực cho anh ở lại Hong Kong sau khi bỏ vợ nhưng chính quyền cho biết họ không thể giúp được gì vì không có người bảo lãnh.

"Chính sách nhập cư cần phải thay đổi, cho phép nạn nhân bị ngược đãi và ép làm nô lệ được phép xin visa ở lại. Gia đình nhà gái sẽ không bao giờ tới thừa nhận họ đã ngược đãi nạn nhân. Vì vậy, đơn xin visa của họ cuối cùng cũng bị từ chối và họ buộc phải rời khỏi Hong Kong trong vòng 3 - 7 ngày", Butt cho biết.

Butt đã mất liên lạc với Kashi, người có lẽ vẫn đang sống chui lủi không giấy tờ hợp lệ ở Hong Kong. 

"Từ chú rể nô lệ, anh ấy biến thành bóng ma vì vẫn sống nhưng không có giấy tờ hợp lệ", Butt nói. "Họ thường trở thành người nhập cư chui, làm việc trong các công trường xây dựng, nhà hàng và giao nhận".

Các nhà vận động cho rằng nếu có luật chống buôn bán người toàn diện, những nạn nhân này sẽ được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nạn nhân cũng cần phải thay đổi nhận thức và lên tiếng.

"Sở di trú không bao giờ nhìn nhận họ là nô lệ mà cho rằng đó là những con người có máu có thịt và biết tự ra quyết định", Butt nói.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).