| Hotline: 0983.970.780

Những phát minh xuất sắc nhất năm 2009

Thứ Sáu 01/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Như thông lệ, năm 2009 vừa qua Tuần báo Time (Mỹ) đã bình chọn và công bố danh sách 50 phát minh xuất sắc nhất của năm bao trùm lên nhiều lĩnh vực từ y tế, nông nghiệp đến vũ trụ, thiên văn...

1/ Vườn thẳng đứng

Trong thời buổi quỹ đất canh tác cũng như sinh hoạt của nhân loại đang ngày một thu hẹp do làn sóng đô thị hóa diễn ra khắp nơi thì việc tận dụng không gian thẳng đứng để trồng rau xanh là một công trình hết sức có ý nghĩa. Mô hình này không những đảm bảo nhu cầu rau xanh, an toàn cho nhiều hộ gia đình mà còn tiết kiệm được tối đa lượng nước tưới, không thể thất thoát. Bản quyền của phát minh này thuộc về Cty Valcent, có trụ sở tại bang Texas (Mỹ). Đây hẳn là một tin vui đối với nhiều hộ gia đình ở khu vực đô thị.

2/ Sản xuất thịt nhân tạo

“Chỉ 50 năm nữa thôi, con người sẽ không cần phải nuôi cả con gà chỉ để ăn phần ức và cánh bằng cách nuôi cấy từng bộ phận riêng rẽ có kích cỡ, trọng lượng theo ý muốn”. Khi nhà văn người Mỹ Winston Churchill viết ra những từ này năm 1932, “thịt trong ống nghiệm” được xem là ý tưởng chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Nhưng hiện một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đang tiến gần tới việc nuôi cấy tế bào gốc của heo và phát triển thịt heo trong ống nghiệm. Dự án này là sáng kiến của doanh nhân người Hà Lan Willem van Eelen, người từng suýt chết đói trên đất Nhật. Theo ông Eelen thì phát minh thịt nhân tạo này sẽ góp phần giải quyết nạn đói trên thế giới trong tương lai.

3/ Chiết tách mủ bồ công anh

Trước thực trạng bệnh nấm mốc gia tăng mạnh và tàn phá các cánh rừng cao su ở nhiều quốc gia trong thời gian qua, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học phân tử Fraunhofer (Đức) đã tìm ra sản phẩm thay thế mủ cao su từ cây bồ công anh hoang dại. Mặc dù các khâu khai thác và chế biến nhựa loại cây này rất khó một khi gặp không khí tuy nhiên các nhà khoa học đã có giải pháp chuyển hóa thành công bằng phương pháp enzyme. Và tin vui là sản lượng mủ của loài cây hoang dại phổ biến này rất cao.

4/ Vacxin điều trị AIDS

Điều kỳ diệu này đã trở thành hiện thực sau hơn 20 năm virus gây bệnh AIDS được khoa học xác định. Các nhà nghiên cứu đã bào chế được thuốc chủng ngừa đầu tiên phòng chống lây nhiễm HIV. Kết quả thử nghiệm kéo dài 6 năm qua cho thấy, loại vacxin này giảm được tới 31% nguy cơ lây nhiễm ở những người được tiêm ngừa so với những người dùng giả dược. Mặc dù hiệu quả phòng ngừa còn khiêm tốn nhưng thành tựu này đã mở ra hy vọng về một loại vacxin phòng chống AIDS hữu hiệu trong tương lai. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tìm hiểu cách thức hạn chế lây nhiễm của vacxin bởi thực tế nó không tác động tới lượng HIV trong máu của bệnh nhân tình nguyện. Vacxin này hiện vẫn chưa được cấp phép lưu hành do vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

5/ Cải thiện khâu đóng gói hàng hóa

Công trình của ông Johannes Schneider có thể không được coi là phát minh mới mẻ hay sành điệu trong số các giải thưởng được tôn vinh trong năm 2009 nhưng nếu xét về tính thực dụng thì khó có thể gạt bỏ. Nhà khoa học kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của trường đại học Mainz (Đức) đã phát triển một thuật toán và phá kỷ lục cho việc bố trí, sắp xếp được nhiều đồ vật, hành lý nhất trong một không gian cụ thể. Thuật toán này cũng giúp các doanh nghiệp cải thiện khả năng nhận biết lỗi hàng hóa ngay từ khâu đầu tiên không đạt chuẩn và loại ra khỏi hệ thống xuất hàng. Phát minh này đặc biệt tiện ích đối với các đơn vị đóng gói và vận tải biển.

6/ Bóng đèn trị giá 10 triệu USD

Các hóa đơn tiền điện tại các gia đình trong tương lai sẽ được giảm đáng kể một khi ứng dụng thay thế loại bóng đèn của Công ty Philips Electronics. Đơn vị này đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên đăng ký tham gia giải thưởng L Prize trị giá 10 triệu USD của Bộ Năng lượng Mỹ. Sản phẩm dự thi của hãng này là một bóng đèn LED thay thế các bóng đèn 60W hiện đang chiếm 50% thị trường đèn chiếu sáng ở Mỹ. Nếu thay thế toàn bộ các đèn đó bằng đèn của Philips, mỗi năm nước Mỹ có thể tiết kiệm đủ năng lượng để chiếu sáng cho 17,4 triệu hộ gia đình. Đèn của Philips có độ sáng tương đương nhưng công suất chỉ 50W và tuổi thọ 25.000 giờ, cao gấp 25 lần loại đèn đang sử dụng.

7/ Mắt điện tử

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ MIT (Mỹ) phát triển một vi mạch có thể giúp người khiếm thị lấy lại một phần thị lực, đó là mắt điện tử. Mặc dù loại thiết bị này không giúp người khiếm thị nhìn thấy như bình thường nhưng đã cho phép họ nhận ra những khuôn mặt cũng như định vị được các vị trí trong một căn phòng mà không cần sự giúp đỡ. Vi mạch được bọc trong titanium để tránh không bị nước làm hỏng và sẽ được cấy thẳng vào nhãn cầu người bệnh. Kế đến là người bệnh sẽ được đeo một mắt kính có gắn một máy quay siêu nhỏ chuyển hình ảnh vào vi mạch và đưa lên não. Dự định sản phẩm này sẽ được lắp cho người dùng trong vài năm tới.

8/ Khớp gối giá 20 USD

Dự kiến trong những năm tới sẽ có hàng chục ngàn người ở các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi từ phát minh siêu rẻ này của nhóm sinh viên kỹ thuật ở Đại học Standford (Mỹ). Trước đây những người khuyết tật bị mất phần khớp gối không có lựa chọn nào khác thường phải mua một thiết bị thay thế bằng titanium trị giá lên tới 10.000 USD nhưng đôi khi hoạt động không hiệu quả. Với mẫu khớp gối nhân tạo có giá khoảng 20 USD và còn có thể bắt chước hầu hết các chuyển động tự nhiên. Được biết loại khớp gối này được làm từ nhựa và túi nilông tái chế đã được thử nghiệm thành công ở 300 người tại Ấn Độ.

9/ Quạt không cánh

Kể từ khi hãng Shulyer Skaats Wheeler giới thiệu quạt điện 127 năm trước, không có mấy cải tiến đối với vật dụng mà gần như gia đình nào cũng có. Tuy nhiên, ông James Dyson (Mỹ) đã nghiên cứu chế tạo loại quạt không cánh. Không khí được hút ra từ các lỗ thông khí ở đáy quạt và được đẩy ra ngoài bởi những cánh quạt giấu trong khuôn quạt hình tròn. Vì không có cánh, chiếc quạt Air Multiplier này an toàn, tiện lợi hơn do không gây tiếng ồn và vẫn có thể làm mát như bình thường.

10/ Lụa dệt từ tơ nhện

Tơ nhện là loại vật liệu có độ bền còn lớn hơn thép, nhưng lại mềm dẻo hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những nỗ lực nghiên cứu dệt tơ nhện thành vải vẫn thất bại cho đến năm 2009, khi chuyên gia về công nghệ dệt người Anh Simon Peers và nhà thiết kế thời trang người Mỹ Nicholas Godley trình làng một tấm vải dệt từ tơ nhện dài 3,4m ở Madagascar. Mỗi ngày 70 công nhân phải thu nhặt hàng nghìn lưới nhện màu vàng của loài nhện đặc trưng tại hòn đảo lớn nhất châu Phi. Sau đó họ cẩn thận cuộn chúng vào các ống chỉ và dệt tay từng ống một. Toàn bộ công việc kéo dài bốn năm, tiêu tốn nửa triệu USD và 1 triệu... con nhện.

11/ Bức tường sống

Chuyên gia thực vật người Pháp Patrick Blanc đã cấy các loại dây leo lên tường các tòa nhà văn phòng, khu mua sắm, bảo tàng để tạo nên những bức tường xanh sống động. Công trình mới nhất của ông là khách sạn Athenaeum với 260 loại dây leo khác nhau phủ kín tòa nhà tám tầng ở London (Anh) và được tưới bằng công nghệ tự động. Phát minh này là một minh chứng sống động cho thấy, không phải loại cây nào cũng cần đất mới sống được.

12/ Đàn violin sinh học

Giáo sư Francis Schwarze thuộc Trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm chất liệu liên bang Thụy Sĩ đã sử dụng 2 loại nấm để biến đổi gỗ vân sam và gỗ sung dâu Thụy Sĩ sao cho gần giống với loại gỗ mà Stradivari đã sử dụng năm 1711 có giá 2 triệu USD. Sau đó, ông hợp tác với một nhà chế tạo đàn violin cho ra đời loại nhạc cụ giống như kiệt tác của Stradivari. Người nghe được yêu cầu nhận biết tiếng nhạc của đàn Stradivarius. Kết quả: 113 người đã chọn đàn violin của Schwarze trong khi đàn violin chính hiệu chỉ nhận được 39 phiếu bầu.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.