| Hotline: 0983.970.780

Những tập tục xông nhà vào ngày đầu năm mới

Thứ Năm 03/02/2011 , 10:06 (GMT+7)

Người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc Giao thừa sẽ là người mang lại sự may mắn cho gia đình trong năm mới.

Người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc Giao thừa sẽ là người mang lại sự may mắn cho gia đình trong năm mới.

Kén người “tốt vía”


Theo tục lệ của người Việt Nam
, người đến thăm gia đình đầu tiên trong năm mới gọi là người xông nhà hay xông đất, đạp đất. Con cháu phải ở trong nhà chờ người đến xông nhà rồi mới được đi chúc Tết bà con, bạn bè. Ông bà ta tin rằng người khách đầu tiên bước vào nhà mình sáng ngày mùng một Tết sẽ đem đến điều may mắn hay rủi ro cho gia đình suốt năm đó nên họ thường chọn người khách xông nhà rất kỹ.

Người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó. Chủ nhà thường chọn trong số các bạn bè, họ hàng của mình một người “tốt vía” xông nhà để năm mới được tốt đẹp, mọi điều suôn sẻ, thuận lợi. Đó là những người gia cảnh song toàn, con cháu đầy đàn, có tính cách vui vẻ, gia đình hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước,” mời đến xông nhà.

Người Nam Bộ còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi… mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn, phát tài phát lộc.

Thời điểm xông nhà, có thể diễn ra trong vòng 3 ngày Tết, nhưng chủ yếu là ngày mùng một Tết, tính từ ngay sau thời khắc Giao thừa. Người xông nhà chúc Tết thường lưu lại nhà  gia chủ trong khoảng 10-15 phút. Tùy nhà tùy người mà có lời chúc riêng.

Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc: “Bách niên giai lão” (sống lâu trăm tuổi), “tăng phúc tăng thọ;” nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt,” “làm ăn phát đạt,” “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái;” nếu gặp người làm việc Nhà nước thì chúc: “thăng quan tiến chức” hoặc  “lên chức lên lương,” gặp trẻ em thì mừng các bé “mau ăn chóng lớn,” “học hành đỗ đạt.”… Lời chúc tụng này thường kèm theo bao đỏ để mừng tuổi và lì xì cho trẻ em, bạn bè, đồng nghiệp.

Cũng có năm gia chủ không chọn được ai hay không muốn nhờ vả ai xông đất vì lý do an toàn, sợ người lạ mang đến những điều không tốt cho gia đình thì họ tự xông nhà mình. Chủ nhà rời khỏi nhà trước thời khắc Giao thừa, lúc còn năm cũ, đi lễ chùa xin lộc đầu năm và trở về sau nửa đêm để là người đầu tiên đặt chân vào sân nhà.

Trong trường hợp này, người trong gia đình sẽ chuẩn bị đón tiếp người này như khách quý đến xông nhà, đem sự an vui, thịnh vượng đến cho những người thân của mình. Bánh mứt sẽ được dọn ra, trà thơm được rót, mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm trong không khí đầm ấm và tràn trề hy vọng mới.

Người Việt thường tránh xông nhà người khác ngày mùng một Tết nếu trong gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm qua. Các gia đình người Việt cũng rất kỵ những người có phẩm chất đạo đức không tốt, lười biếng xông nhà.

Phong tục xông nhà ở các nước


Tại Vương quốc Anh
, vào đêm 31/12, người xông nhà sẽ bước qua bậu cửa, mang vào nhà sự may mắn trong năm mới, cùng các vật dụng không thể thiếu: Một cục than, một ổ bánh mỳ và một chai rượu.

Khi bước vào nhà, người xông nhà bỏ cục than vào lò sưởi, đặt ổ bánh mỳ lên bàn và rót một cốc rượu cho chủ nhà. Người xông nhà phải vào bằng cửa trước và ra bằng cửa sau.

Khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, mỗi người viết ba điều ước lên một tờ giấy, rồi đốt tờ giấy đó, lấy tro hòa vào ly champaign và uống cạn. Họ tin rằng làm như vậy, ít nhất một trong ba điều ước trên sẽ trở thành hiện thực.


Người dân Trung Quốc
cũng coi than là bùa hộ mệnh, vật đem lại may mắn. Người ta đặt một viên than giấu vào giấy đỏ đặt ở ngưỡng cửa với ước vọng mang lại may mắn và hạnh phúc cho cả năm.

Riêng ở vùng núi Tây Tạng, tục xông nhà phải bắt đầu vào lúc giao thừa. Họ kiêng không dùng người nhà để xông nhà mà phải là người không thân thích với gia chủ. Và cũng như người Anh, phải là thanh niên trai tráng chưa vợ, nhanh nhẹn, hoạt bát và không được xông quá năm nhà, vì như vậy là lộc sẽ bị san sẻ. Người xông nhà có tuổi giống gia chủ được coi là tốt nhất.

Khi bước vào nhà, người này phải mang theo ba thứ: một bó hoa tươi, một cành lộc và một loại quả. Khi ra về, anh ta được gia chủ tiễn và phải đi giật lùi. Những người trong nhà thì không được đi đâu trước 8 giờ sáng hôm sau.

Với người Hy Lạp, ngoài việc cầu chúc cho nhau những điều tốt lành vào những ngày đầu năm, họ còn có phong tục kể cho trẻ em nghe những câu chuyện về lòng nhân ái của Thánh Basil - người đã mang đến cho các em những món quà nhỏ còn gọi là bánh Thánh Basil. Sau khi nghe kể chuyện, các em sẽ được ăn bánh Thánh. Trong đĩa bánh Thánh, bao giờ cũng có một chiếc bên trong giấu một đồng xu nhỏ. Ai ăn được chiếc bánh này sẽ là người may mắn.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất