| Hotline: 0983.970.780

Những thửa ruộng lớn ở Cổ Đô

Thứ Sáu 01/02/2013 , 10:34 (GMT+7)

Là xã điểm XD NTM của huyện Ba Vì (Hà Nội), sau hai năm triển khai thực hiện, đến nay xã Cổ Đô đã đạt được 13/19 tiêu chí NTM.

Về thăm cánh đồng của xã Cổ Đô hôm nay, được ngắm nhìn những thửa ruộng bằng phẳng, rộng lớn, nghe tiếng máy cày đập xình xịch vang tai; ô tô lăn bánh trên con đường bê tông giữa cánh đồng, chúng tôi đã hiểu thêm một phần ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng NTM.

Là xã điểm XD NTM của huyện Ba Vì (Hà Nội), sau hai năm triển khai thực hiện, đến nay xã Cổ Đô đã đạt được 13/19 tiêu chí NTM. Hai tiêu chí gần đạt chuẩn là giao thông và tỉ lệ hộ nghèo. Đó là tín hiệu đáng mừng, nguồn động viên để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí tiếp theo.

Nằm ở ven châu thổ sông Hồng, xã Cổ Đô hiện có  8.068 người. Tổng điện tích tự nhiên khoảng 861 ha, trong đó đất nông nghiệp là 410 ha. Trước khi triển khai XD NTM, tình hình kinh tế xã hội và sơ sở hạ tầng của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều cánh đồng chưa có hệ thống tưới tiêu, đường liên xã vẫn còn nhiều đoạn chưa được xây dựng. 76,3% lao động địa phương vẫn dựa vào SXNN trong khi ruộng đất lại manh mún và phân tán, kìm hãm sự phát triển của kinh tế.

Bởi vậy, “muốn XD NTM, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp thì trước hết phải hoàn hiện hệ thống cơ sở hạ tầng và thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa. Đất phải quy về một mối. Mỗi hộ gia đình chỉ còn từ 1-2 thửa đất để tập trung SX”, ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô, cho biết.


Việc đưa cơ giới hóa vào SXNN ở Cổ Đô rất dễ dàng

Tuy dồn diền đổi thửa không phải là một tiêu chí của XD NTM nhưng với một xã thuần nông như Cổ Đô, đây là một việc làm vô cùng quan trọng và lắm gian truân. Khó thực hiện là bởi nó liên quan trực tiếp đến “nguồn sống” của người nông dân. Một khi lợi ích cá nhân không được đáp ứng thì dễ sinh tư tưởng phản đối.

Ngay từ những ngày đầu tiên triển khai thực hiện, BCĐ đã tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “sinh không tăng, tử không giảm” (bảo toàn 100% diện tích diện tích đất được chia như cũ); công khai, minh bạch trong mọi hoạt động; mở rộng dân chủ bằng cách tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân được quyền bàn bạc, đề xuất ý kiến và thống nhất thực hiện…

Ông Thủy cũng cho biết: Do địa hình của xã mấp mô gồm vùng trũng, vùng gò đồi và vùng đất vàn. Vì thế, để phát huy tối đa “tính tốt” của từng loại đất, chính quyền xã đã xây dựng quy hoạch chi tiết thành các vùng: vùng lúa chất lượng cao, vùng rau sạch, vùng nuôi trồng thủy sản… cho từng thôn. Nhờ vậy, nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, xã Cổ Đô đã dồn đổi được 200/410 ha đất nông nghiệp.

Trong đó, HTX thôn Kiều Mộc đã hoàn thành 100% kế hoạch. Ba HTXNN còn lại là Cổ Đô, Vu Chu, Viên Châu đang gấp rút triển khai để tổ chức cho nhân dân gắp phiếu nhận ruộng. Tổng chiều dài đường trục chính nội đồng là 38 km, trong đó có 27 km đã được đổ bê tông, rộng trung bình từ 3,5 đến 4,5 m, còn lại là đường cấp phối đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu SX và dân sinh.

Trước khi thực hiện xây dựng NTM, xã đã được kiên cố hóa 14,7 km kênh mương, đến nay đã cứng hóa thêm được 16,47 km, đưa tổng số km mương tưới được kiên cố hóa lên 31,17 km. Đất đai của mỗi hộ gia đình chỉ còn tập trung trong 1- 2 thửa ruộng, vì thế nhiều hộ dân còn thuê máy ủi, máy múc về san phẳng ruộng, xây bờ gạch xung quanh kiên cố để SX lâu dài. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Đô, nhận định: "Đây là cơ sở quyết định cho việc hình thành những trang trại lớn, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở xã”.

Ông Nguyễn Văn Chiến (62 tuổi, ở thôn Kiều Mộc) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có tổng cộng 1730 m2 đất nhưng bị chia ra làm 7 thửa ruộng. Thời gian đi bộ thăm hết ruộng đã đã cả tiếng đồng hồ rồi. Không có người trông coi nên vào vụ mùa hay bị mất trộm, nhiều khi cây thiếu nước hoặc ngập úng chết cũng chẳng biết. Nhưng bây giờ đất quy về một thửa ngay gần nhà, chả phải đi đâu sất. Ra đồng là tất cả đất đai dưới chân mình!”.

Còn ông Nguyễn Văn Nhuận (54 tuổi, đã 4 năm làm nghề lái máy cày) lại hồ hởi: “Trước đây vì đường đi khó khăn và diện tích ruộng nhỏ hẹp nên tôi chỉ lái máy cày cỡ nhỏ. Từ khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, tôi bán máy nhỏ mua máy to về chạy. Mỗi ngày cày 50 - 60 mẫu ruộng là chuyện bình thường. Hiện tại tiền dầu, nhân công đã tăng lên nhưng tôi vẫn lấy của bà con 150 ngàn đồng/sào như năm trước”.

Thực tế đã chứng minh, việc XD NTM kết hợp với đẩy mạnh đồn điền đổi thửa ở xã Cổ Đô đã đem lại những kết quả rất tích cực.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất