| Hotline: 0983.970.780

Những tỉ phú làng chài

Thứ Sáu 18/01/2013 , 10:35 (GMT+7)

Theo chỉ dẫn trưởng thôn Trần Đình Ngọt chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân Trần Vẹm, một “tỉ phú” của làng chài Đông Hải.

Nằm nép mình bên đầm Cầu Hai, thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) là một làng chài xưa kia vốn nghèo xơ xác. Những năm trở lại đây, nhờ được vay vốn, hỗ trợ đoàn kết nhau bám biển, từ buổi đầu lập thân với đôi bàn tay trắng, ngư dân ở đây giờ đã có của ăn của để, có người còn sở hữu cả đội tàu tiền tỉ.

Vững vàng bám biển

Theo chỉ dẫn trưởng thôn Trần Đình Ngọt chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân Trần Vẹm, một “tỉ phú” của làng chài Đông Hải. Nhìn vào “cơ ngơi” đồ sộ của ông khó ai đoán được người ngư dân này từng bị mẹ vợ từ chối gả con gái chỉ vì nghề đi biển.

Bên tách trà đang còn nóng hổi, ông Vẹm kể lại những ngày chỉ biết ăn cơm độn toàn bã sắn: “Đúng là cái nghiệp biển không sao dứt nổi. Khi mới đi hỏi vợ, nghe giới thiệu con trai làng chài, gia đình nhà gái không cho cưới vì sợ con mình “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”. Lúc đó, tui ngán lắm nên cũng hứa đại, thôi thì cưới xong con bỏ nghề. Nói bỏ rứa thôi chứ ai mà dám bỏ, bởi mình sống bên biển quanh năm nhờ con tôm con cá, chừ không đi biển thì lấy gì để nuôi con?”.


Sau mùa đi biển, đôi tàu cá gia đình ông Vẹm quay về neo đậu bên đầm Cầu Hai

Những câu chuyện đậm chất “ngư dân” của ông cho thấy cả gần nửa cuộc đời cơ cực, để có cơ nghiệp như ngày hôm nay thật đáng nể phục. Năm 20 tuổi, ông Vẹm lấy vợ và ra ở riêng. Thời gian đầu cuộc sống khó khăn, lắm lúc ông phải theo bạn chài vào làm thuê cho các chủ tàu ở Quy Nhơn, Đà Nẵng.

Có lần đang đánh cá ở khu vực thềm lục địa bất ngờ có một cơn lốc ập đến cuốn trôi cả đoàn người xuống biển, may mắn lần đó ông Vẹm đã được tàu bạn cứu sống. Sau lần thoát chết, ông Vẹm quyết định quay về quê hương. Đó cũng là thời điểm tỉnh TT- Huế đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển.

Qua gần 40 năm gắn với ngư nghiệp, đầu năm 2005 ông Vẹm quyết định gác mái chèo, đảm nhận trọng trách làm “quân sư” cho các con. Toàn bộ tài sản gồm 4 chiếc tàu trên 250 CV và 3 chiếc từ 100 đến 120 CV trị giá trên 7 tỉ đồng ông đã “chuyển nhượng” cho 5 người con trai và 2 người con rể để tiếp tục sự nghiệp bám biển. Phát huy thành quả của cha, năm nào tàu của những người con ông Vẹm cũng đều lãi lớn. Mỗi vụ cá đội tàu của cha con ông Vẹm trừ mọi chi phí cũng lài ròng từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng.

“Cái chính là nhờ biển cho mình, còn lại phải chịu khó làm ăn. Biết tính toán, biết đầu tư đúng lúc, đúng chỗ. Nhờ cách làm đó mà mấy đứa con tôi đứa nào cũng khấm khá”, ông Vẹm nói.

Bên cạnh đội tàu gia đình ông Vẹm, thôn Đông Hải còn nổi tiếng với các “đại gia” đánh bắt xa bờ như ông Trần Vinh, Trần Phước, Trần Soạn, Trần Lượng... đó là những người đang sở hữu những chiếc tàu cá bạc tỉ.


Ông Vẹm (người mặc áo sẫm), một trong những tỉ phú của làng chài Đông Hải

Ngư dân Trần Lượng (63 tuổi), người có thâm niên 40 năm đi biển cho biết, để có được tàu cá có công suất 200CV như hiện nay gia đình ông trải qua nhiều tháng ngày đói khổ. Cái chính là tự bản thân phải biết yêu biển và nuôi dưỡng khát vọng làm giàu. Từ ngày mua mới 2 chiếc tàu trên 200CV cuộc sống gia đình ông Lượng khấm khá hơn trước.

Trong số 9 người con của ông đã có 4 đứa đã cất được nhà 2 đến 3 tầng, còn 3 cậu con trai nhỏ, ông vừa đầu tư 2 tỉ để sắm tàu cho con cùng các bạn chài ra biển. Với ông Lượng “ngày nào mà không ra biển nó nhức cái tay, cái chân không chịu được. Ra khơi rồi tự nhiên thấy con người mình trở nên minh mẫn, sảng khoái”.

Sáng kiến “đi chùm”

Ở thôn Đông Hải, xã Lộc Trì bà con quanh năm sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Từ đứa trẻ thơ cho đến những cụ già đều biết chèo thuyền đi đánh bắt cá. Lúc mới ra đây lập nghiệp chỉ có lác đác vài hộ dân, bà con chỉ có thói quen đánh bắt ven đầm Cầu Hai. Cuộc sống đói nghèo không đủ tiền để cho con đến trường. Mười năm trở lại đây bà con đã thay đổi tư duy, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư tàu có công suất lớn bám biển dài ngày. Nhiều gia đình trong thôn đã khấm khá. Đặc biệt, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

“Bà con mấy chục năm nay quen với nghề rồi, sinh ra rồi lớn lên trên đầm phá, nghề ni đã “thấm” vô máu rồi, không làm ngư thì cũng chẳng kiếm mô ra gạo mà ăn”, ngư phủ Trần Phước bộc bạch.

Toàn thôn Đông Hải có 35 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 160- 450CV. Để có đủ số lượng bạn chài cùng bám biển dài ngày, ngoài lực lượng thanh niên quê Lộc Trì làm chủ lực, các chủ tàu Đông Hải phải thuê các bạn chài từ địa phương khác đến bởi đội tàu này đã giải quyết hơn 300 lao động trong thôn. Tất cả cùng đồng tâm hiệp lực nuôi hy vọng bám biển làm giàu.

Khác với cách làm của nhiều tàu cá tỉnh bạn, ngư dân Đông Hải giàu lên là nhờ các chủ tàu vừa bám biển dài ngày, vừa phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Hằng tháng cứ 18 âm lịch này đến ngày 10 âm lịch sau mỗi tàu vào đất liền ra từ 10 đến 12 chuyến vận chuyển nhiên liệu, xăng dầu, thức ăn, nước đá để cung ứng cho các đại lý nhà buôn, chủ cá ở các bến.

“Bây giờ làm ăn khó khăn, không ai dám mạo hiểm bỏ ra tiền tỉ để sắm tàu đi biển. Vì vậy các chủ tàu ở Đông Hải chia ra thành 2 đội SX luân phiên vừa đánh cá vừa chạy vào đất liền để vận chuyển xăng, đá... Ngó rứa chứ ra biển hàng ngàn chuyện xảy ra. Các anh em bạn chài cứ mạnh ai nấy làm thì mỗi chuyến bám biển sợ không hoàn đủ vốn”, ngư dân Trần Lượng phân tích.

Một yếu tố dẫn đến thành công từ nghề biển ở thôn Đông Hải và toàn xã Lộc Trì đó là các chủ tàu đã chủ động đầu tư những chiếc máy tầm ngư, máy bộ đàm và nhất là sáng kiến “đi chùm”. Ban đêm, tàu có công suất lớn khi phát hiện có nhiều đàn cá đến ăn; qua máy ICOM, bộ đàm các trưởng tàu có công suất lớn thông báo cho vài ba tàu nhỏ cùng tổ đến chong đèn sáng vây lưới bắt cá. Số cá vây chung sẽ được chia theo thỏa thuận của các chủ tàu.


Nhờ bám biển nhiều gia đình ngư dân ở thôn Đông Hải, xã Lộc Trì đã cất được những ngôi nhà khang trang

Ngoài số lượng tàu đánh bắt cá xa bờ hiện có ở Đông Hải còn có khoảng 150 tàu cá lớn nhỏ là con em của xã Lộc Trì đánh trú ngụ ở các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Đà Nẵng. Miệt mài với biển, mỗi năm những người con đánh bắt ở các ngư trường xa này chỉ về quê 1 đến 2 lần.

Đặc biệt, khi tàu bạn gặp rủi ro trên biển thì các tàu khác sẽ có trách nhiệm lai dắt vào bờ. Tàu nào trong tổ không lai dắt phải nộp 300- 400 nghìn đồng để làm “phí trợ giúp ngư dân” cho tàu khác mua dầu kéo vào. Tàu nào trong chuyến ra khơi đó trúng đậm, tùy lòng hảo tâm hỗ trợ cho tàu gặp nạn từ 1 đến 2 triệu đồng để bù vào chi phí tiền dá, dầu.

 Điển hình như vụ tàu ông Trần Thái bị chìm ngoài biển vào tháng 9/2012 vừa qua. Do tàu chở cá quá trọng tải, khi tàu có hiện tượng chìm, qua bộ đàm, các tàu thông báo nhau, vào bờ chở đá ra, néo dây vào hai tàu bạn, kéo tàu ông Thái vào bờ. Nhờ thế, ngoài bị thiệt hại số cá ra, 6 thuyền viên và tàu ông Thái vẫn an toàn.

Từ lúc nghĩ ra phương án “đi chùm”, ngư dân Đông Hải đã hỗ trợ nhau trên biển có hiệu quả. Như ngư phủ Trần Soạn tâm sự: “Được giúp đỡ các bạn chài lối xóm cùng thoát nghèo là hạnh phúc của mỗi chủ tàu. Ngoài việc phát triển kinh tế biển, bản thân chủ tàu phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn biển đảo quê hương”.

Ông Cát Trọng Như, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Trì, cho hay: “Trên địa bàn hiện có 35 tàu, công suất từ 160-450CV đang hoạt động xa bờ, giải quyết lao động địa phương hơn 300 người. Năm 2012, sản lượng khai thác và làm dịch vụ vận chuyển hơn 3.500 tấn. Tuy nhiên, trước xu thế ngư dân nhiều nơi khác đóng những con tàu lên 500- 600 CV, bà con cũng trăn trở để hoán đổi tàu công suất lớn để được vươn khơi xa hơn”.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.