| Hotline: 0983.970.780

Những ước mơ của bản Bay

Thứ Tư 06/01/2010 , 11:04 (GMT+7)

Dòng Nặm Tộc từ bao đời nay đã ngăn cách bản Bay với nền văn minh hiện đại. Người dân bản Bay chỉ có những ước mơ giản dị: Một cây cầu, một con đường và ánh sáng điện…

Nằm bên kia dòng Nặm Tộc - người Khơ Mú Nghĩa Sơn gọi là dòng suối nước mắt, từ bao đời nay đã ngăn cách bản Bay với nền văn minh hiện đại. Người dân bản Bay chỉ có những ước mơ giản dị: Một cây cầu, một con đường và ánh sáng điện… Suốt mấy chục năm, qua hôm nay những ước mơ kia mới chạm tới cửa nhà họ…

Ông Vũ Xuân Sáng chẳng cần giấu giếm: Trước khi về thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đảm nhiệm chức Bí thư Thị uỷ, tôi không thể ngờ rằng nơi đây lại có nhiều “vùng trũng” như vậy. Không ít thôn bản còn khó khăn hơn những xã vùng đặc biệt khó khăn, ví như bản Bay đã bao đời nay họ mơ ước có một cây cầu để cho lũ trẻ đến trường không phải bỏ học vào mùa lũ, một con đường để người già không còn phải lội bì bõm qua những bước chân trâu mỗi khi trời mưa xuống… Đã khiến chúng tôi với một quyết tâm cần nhanh chóng xoá bỏ những “vùng trũng” đó… 

Cây cầu, ước mơ của người dân bản Bay

Thị xã Nghĩa Lộ nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, trước kia vốn là thủ phủ của tỉnh Nghĩa Lộ cũ, sau chiến thắng 30/4/1975, ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, tới tháng 10/1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái, chỉ đến tháng 5/1995 thị xã Nghĩa Lộ mới được tái lập, ban đầu chỉ có 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng và Cầu Thia, tới năm 2004 thị xã Nghĩa Lộ được mở rộng, tiếp nhận thêm 3 xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc và Nghĩa An. Mặc dù vậy, thị xã Nghĩa Lộ vẫn là thị xã nhỏ và nghèo nhất nước. Bởi phần lớn người dân sống ở đây là sản xuất nông nghiệp, kinh tế công nghiệp chưa có gì đáng kể, kinh tế thương mại và dịch vụ thì chưa phát triển. Thị xã nằm lọt giữa lòng chảo Mường Lò, đất sản xuất nông nghiệp tính ra mỗi khẩu không được một sào, thành ra sau mùa gặt người dân đi tứ tán khắp nơi kiếm việc làm thuê.

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy 9 thôn bản của thị xã Nghĩa Lộ nằm trong danh sách những thôn bản đặc biệt khó khăn trong đó có bản Đêu 4, của Nghĩa An. Những người dân ở đây trước kia không một tấc đất cắm dùi đã dạt lên phía trên bãi tha ma để ở, từ đó mà thành bản. Là dân nông nghiệp nhưng chả mấy nhà có ruộng, hàng ngày họ đi xuống các thôn bản trên cánh đồng Mường Lò làm thuê. Các bản Nà Vặng, Nậm Đông cũng chẳng khá hơn là mấy, bản Tom, bản Ten thuộc phường Pú Trạng thì khó khăn chẳng kém. Từ lâu thị xã Nghĩa Lộ hình thành chợ lao động, bao gồm chợ chính Mường Lò và 3 điểm chợ: Dốc Đỏ, Bệnh viện và Tông Co. Mỗi ngày chợ lao động ở Mường Lò có khoảng 100 người tới bán sức lao động của mình để kiếm cơm. 

Người dân tham gia làm đường vào bản

Lò Văn Lưa, người thôn Chao Hạ 2 xã Nghĩa Lợi buồn bã: Nhà cháu chỉ có 1.800 mét vuông ruộng, nhưng bán 1.000 mét để lấy tiền đi bệnh viện. Chẳng có việc gì làm nên phải ra đây kiếm việc làm thuê… Lò Văn Lánh lắc đầu: Anh Lưa mà không bán ruộng chữa bệnh thì chết rồi. Vợ bị bệnh na - đô thở khò khò như vịt kêu, con lớn bị bệnh gan không có tiền chữa bệnh, đến lớp tay chân run run, học tới lớp 3 thì bỏ. Chắc bây giờ quên hết chữ rồi, còn hai thằng em đang đi học, nhưng thỉnh thoảng lại nghỉ đi nhặt sắt vụn bán. Ây dà, khó khăn lắm chú à. Vợ chồng cháu có 500 mét vuông ruộng, làm cả 3 vụ nhưng vẫn thiếu ăn. Gặt xong là hết thóc, vì trả nợ vay ăn. Vợ cháu ở nhà làm ruộng, chăn nuôi con lợn con gà, cháu ra đây làm mỗi ngày kiếm được khoảng hai, ba chục ngàn, hôm nào có việc thì ăn cơm ở chợ hết 5-7 ngàn còn lại mang về cho vợ đong gạo cho con, hôm nào không có việc thì về ăn cơm nhà…

Vài hình ảnh về “vùng trũng” của thị xã Nghĩa Lộ mà tôi từng gặp, nhưng có lẽ khá hơn bản Bay chăng? Không biết ai đặt tên cho cái bản bên kia dòng Nặm Tộc của xã Nghĩa Phúc? Chủ tịch xã Nguyễn Mạnh Hùng lắc đầu: Chịu, tôi mới được điều từ phòng kinh tế xuống đây làm chủ tịch được hơn năm nay, nên chưa kịp tìm hiểu được nguồn gốc của bản Bay. Bản nằm khuất trong hẻm đồi với 98 nóc nhà, nơi chỉ có 9,8 ha ruộng nước. Trận lũ năm 2005 dòng Nặm Tộc đã biến hơn 1 ha ruộng thành bãi đá cuội, trận lũ năm ngoái gần ha nữa bị sạt lở không thể khắc phục nổi, thành ra bản Bay chỉ còn khoảng 7 ha ruộng, tính ra mỗi khẩu không quá 200m2, nên khó khăn nhất xã…

Bản Bay đang vào vụ làm đất cấy vụ xuân, tuy nhiên mới chỉ loáng thoáng mấy cặp trâu cày bừa làm mạ, bản vắng ngơ vắng ngắt. Tôi tạt vào nhà ông Hà Văn Hoàng, ông Hoàng vừa đi đắp bờ ruộng về, quần còn xắn tới đầu gối. Ông Hoàng cười bảo: Thanh niên ở đây đi làm ăn xa hết rồi. Ai biết việc gì thì làm, con trai có sức thì đi đào đất, phụ xây, con gái thì đi giúp việc trong các nhà hàng. Bản chỉ còn những người già thôi… Ông Hoàng nhìn ra cánh đồng loang lổ những đám ruộng đã bừa làm mạ nước lấp loáng, cạnh những đám ruộng chưa cày trơ gốc rạ, ông lắc đầu: Nhà tôi chỉ có nghìn ba mét ruộng thôi, nhà có 5 khẩu nên năm nào cũng thiếu ăn. Bản nằm trong hủm này, chẳng có đường đi, cầu chẳng có làm ra hạt thóc, con gà, con lợn bán ra bao giờ cũng thấp hơn bên kia suối hai ba giá. Nhiều khi cần có tiền cho con ăn học, biết là rẻ cũng phải bán, mà người ta cũng chẳng muốn mua cho. Khổ thế! Người dân bản Bay từ lâu ước mơ có cây cầu bắc qua suối Nặm Tộc, có con đường cho trẻ con đi học, có điện thắp sáng…Vậy thôi bác ạ.

Bản Bay như một ốc đảo nằm bên rìa thị xã Nghĩa Lộ, trước kia thuộc huyện Văn Chấn chả nói làm gì, nhưng kể từ năm 2004 đến nay bản Bay thuộc thị xã, đã 5 năm rồi mà bản vẫn không “bay” qua nổi suối Nặm Tộc, con đường ra thị xã phải men theo bờ ruộng, bờ mương. Nhà nào khá giả mua được xe máy thì phải gửi bên kia suối, còn muốn mang về nhà thì phải đi vòng đồi hơn 4 cây số. Cho đến bây giờ cả bản cũng chỉ có khoảng 10 cái xe máy Tàu. Năm 2009 bằng nguồn vốn khắc phục bão lũ bản Bay được xây dựng chiếc cầu treo nối hai bờ của dòng Nặm Tộc, ngày khánh thành tất cả người già trẻ em đều kéo nhau ra cầu. Đối với họ đây là ước mơ lớn nhất đã bao đời nay mới thành hiện thực.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng mỉm cười: Năm nay có ba điều ước của họ đã thành sự thật. Đấy là cây cầu, nhà mẫu giáo và con đường vào bản…Ông Hùng cho hay: Đoạn đường từ cầu vào bản chỉ dài 734 m, tổng dự toán hơn 400 triệu, nếu bảo dân góp tiền xây dựng thì không bao giờ làm được. Nhờ có vốn kích cầu của Chính phủ mới làm được con đường này. Vì mơ ước có một con đường, nên bà con chẳng ngại ngần bỏ đất ruộng, đất đồi, vườn cây, ao cá để hiến đất làm đường. Ví như ông Hoàng đây, đã tự nguyện chặt 7 cây ăn quả, hơn 100 m2 đất ruộng và đất đồi mà không đòi một xu bồi thường…Ông Hoàng gật đầu xác nhận: Không chỉ nhà mình, bản Bay có 10 hộ góp đất, mặc dù mọi nhà chẳng có nhiều ruộng, nếu chẳng làm thế thì con đường vào bản Bay vẫn là đường con hươu, nai đi thôi…

Ông Hoàng ngước nhìn tôi: Bác nhà báo à, ước mơ của người dân bản Bay thì nhiều, có một điều ước mà bản Bay đang mong đợi, đấy là điện thắp sáng. Chẳng biết bao giờ bản Bay mới mới có điện lưới quốc gia, điện này người dân góp tiền tự kéo về, cũng mới có từ năm 2008. Giá hơn 700 đồng một số, hôm nào mưa to, gió lớn điện bị cắt vì sợ chập. Mùa khô mất điện liên tục, nhưng mà có cũng hơn không, còn trước đây cứ nhìn về thị xã thấy điện sáng mà thèm…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất