| Hotline: 0983.970.780

Những vướng mắc trên Hành lang kinh tế Đông - Tây

Thứ Năm 14/04/2011 , 08:41 (GMT+7)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, EWEC hàng ngày đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc, trở ngại từ hoạt động thực tiễn, nhất là về phía Việt Nam.

Có chiều dài 1.450 km, đi qua 4 nước Myanma, Thái Lan, Lào và Việt Nam, Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC) ra đời từ năm 1998 không ngoài mục đích khai thác tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng Mê công để phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, EWEC hàng ngày đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc, trở ngại từ hoạt động thực tiễn, nhất là về phía Việt Nam. UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả đạt được trên hàng lang này cũng như đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc nhằm không ngừng mang lại hình ảnh đẹp cho Việt Nam. 

Hạ tầng cứng, mềm còn nhiều vướng mắc

Tại Việt Nam, tỉnh Quảng Trị được xem là địa phương đầu cầu trong sự hội nhập, phát triển trên EWEC. Phải nói rằng, nhờ sự cố gắng quan tâm của Chính phủ các nước trên EWEC mà hành lang này đã có nhiều cải thiện đáng kể trên cả hai mặt hạ tầng cứng và hạ tầng mềm: giao thông, viễn thông, năng lượng...cũng như các chính sách nhằm tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho sự lưu thông của người và hàng hóa.  

Song riêng về phía Việt Nam, còn có rất nhiều điều khiến đối tượng tham gia trên hành lang này buồn phiền. Còn nhớ, ngày 11/6/2009, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ GT-VT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ thông xe tay lái nghịch thực hiện Hiệp định GMS-CBTA trên tuyến EWEC. Lẽ ra, sau ngày 11/6 đó, các phương tiện được cấp phép vận tải đường bộ GMS của Việt Nam, Lào, Thái Lan được qua lại 3 nước trên EWEC mà không cần chuyển tải.  

Hàng lang kinh tế Đông-Tây (biểu hiện bằng đường ngay màu đỏ) từ Myanma qua Thái lan, Lào về VN. Riêng đoạn VN còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để phát triển

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay lượng xe có tay lái nghịch qua lại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo rất ít, chỉ có vài chiếc xe vận tải hàng hóa của Thái Lan về Việt Nam. Còn xe Việt Nam chưa chiếc nào được vào Thái Lan. Nguyên nhân chính do chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 một cách rõ ràng (xe ô tô dẫn đường), người có nhu cầu phải đi xin Giấy phép vận chuyển GMS tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và do chi phí cao, mất thời gian.  

Còn thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” rất nhiêu khê. Từ ngày 30/6/2005, Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Hải quan cửa khẩu Densavanh (Lào) đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” nhằm tạo bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính. Đây là cặp cửa khẩu đầu tiên trong các nước tiểu vùng sông Mê Công tiến hành thử nghiệm cơ chế trên.   

Nhưng thực tế "một cửa, một điểm dừng" đã gặp không ít vướng mắc. Cơ chế này chỉ mới áp dụng cho hàng hóa, còn con người, kiểm dịch y tế, động thực vật đều phải kiểm tra cả hai bên. Trớ trêu là trong lúc người, hàng, phương tiện luôn đi cùng với nhau. Đây là một cải cách nửa vời, làm nản lòng không biết bao doanh nghiệp. 

Về thời gian làm việc ở cửa khẩu thì du khách, doanh nhiệp không ít lần bức xúc. Tại cửa khẩu phía Lào, Thái giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 22h30 tối. Song tại cửa khẩu phía Việt Nam giờ làm việc từ 7h sáng đến 19h30 tối là nghỉ. Sự không thống nhất này khiến việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản tươi, du lịch gặp nhiều khó khăn.  

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, hiện nay cả hai cửa khẩu Lao Bảo và Densavan có nhiều loại lệ phí: lệ phí thủ tục hải quan, lệ phí kiểm dịch thực vật, lệ phí kiểm dịch động vật, lệ phí y tế…và mức thu lệ phí không lớn nhưng có nhiều cơ quan thu nên phải viết biên lai nhiều lần, gây mất nhiều thời gian làm thủ tục và chưa công khai mức thu các loại phí tại các cửa khẩu. Tiếc thay, đó là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho một số doanh nghiệp Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan phải lên cảng Băng Cốc của Thái Lan để xuất, nhập hàng hóa đi các nước Đông Bắc Á, kể cả một số hàng hóa xuất nhập khẩu về miền Bắc và miền Trung Việt Nam.  

Tuy nhiên, ở đây có vấn đề giá cước vận tải tàu biển đi từ cảng Đà Nẵng qua các nước Đông Bắc Á, dù quảng đường ngắn hơn chỉ bằng 1/3 so với hàng hóa đi từ cảng Laemchabang, Thái Lan, nhưng cước phí vận tải hàng hóa ở Việt Nam thường đắt hơn 30-40%. 

Cùng với hạ tầng mềm còn nhiều điểm nhiêu khê thì hạ tầng cứng cũng không kém. Ngoài cơ sở vật chất dọc dường chưa được xây dựng đồng đều thì khi đi trên tuyến này, nhiều lái xe than phiền: Quốc lộ 9 đoạn từ thị trấn Khe sanh về huyện Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị, đường còn hẹp và cong queo nhưng dải phân cách mềm không hợp lý. Các xe tải, xe chở khách du lịch và nhất là xe chở container không thể không đè vạch do đường hẹp khi qua các khúc quanh. Dọc đường 9, quốc lộ 1 A phía Việt Nam có quá nhiều trạm kiểm soát , mỗi tỉnh thường có 1-2 trạm kiểm soát cơ động của Cảnh sát giao thông và còn phải qua cổng B của Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo và 2 trạm thu phí đường bộ nữa nên cảm giác gây ách tắc, mất thời gian quá nhiều trong qua trình lưu thông.  

Cần cơ chế “trưởng cửa khẩu”

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị với tư cách là tỉnh đầu cầu phía Việt Nam trên EWEC đã và đang tìm cách giải quyết những vướng mắc. Trả lời NNVN về những thủ tục rườm rà tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị- Lê Hữu Thăng- chủ trì buổi gặp gỡ báo chí, thừa nhận:  “Có đến 4 cơ quan cùng hoạt động chung tại Nhà ga cửa khẩu quốc tế Lao Bảo: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch động thực vật, Y tế. Tuy nhiên, 4 cơ quan này thực hiện nhiệm vụ riêng theo chức năng.Để đưa cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thành một cửa khẩu hiện đại, sạch đẹp, được quản lý hiệu quả, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành liên quan cho thí điểm xây dựng mô hình “Trưởng cửa khẩu” để điều hòa, quản lý chung hoạt động tại Nhà ga cửa khẩu. Trưởng cửa khẩu sẽ do UBND tỉnh bổ nhiệm theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ”. 

Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo làm thủ tục cho khách du lịch xuất cảnh

Về giờ giấc làm việc của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, theo Phó Chủ tịch Lê Hữu Thăng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nên điều chỉnh giờ hoạt động tại Cửa khẩu phía Việt Nam để thống nhất với giờ làm việc của các cửa khẩu phía Thái Lan, Lào (Từ 07h00 sáng đến 22h30 tối) và bỏ Barie phía Việt Nam trước khi vào cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Bộ Công an chỉ đạo thông thoáng hơn đối với các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến EWEC. 

UBND tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, Ngành TW của Việt Nam sớm thống nhất hướng dẫn các ngành, các lực lượng làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo giải quyết cho phương tiện vận tải chở người và hàng hoá, đặc biệt là phương tiện tay lái nghịch được qua lại một cách dễ dàng, thông suốt theo tinh thần của Hiệp định và Nghị định 80/2009/NĐ-CP ngày 1/10/2009 của Chính phủ về xe dẫn đường. 

Việc cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS  và Giấy phép liên vận Việt Lào của Bộ  GT-VT cho phương tiện của tổ chức, cá nhân cũng được tỉnh Quảng Trị kiến nghị  Bộ GT-VT thành lập Tổ đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hoặc thí điểm ủy quyền Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị được cấp giấy phép cho xe tay lái nghịch lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để rút ngắn thời gian cấp phép theo tinh thần Hiệp định. Đồng thời, thí điểm ủy quyền Sở GT-VT Quảng Trị được cấp Transit cho phương tiện mang biển số đăng ký của các tỉnh thành khác qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục giao thông trên tuyến EWEC. 

Một phần rất quan trọng là  Bộ Tài chính nên cho công khai hóa về phí và lệ phí của các ngành tại cửa khẩu, nghiên cứu cải tiến việc thu phí, lệ phí bằng cách phát hành vé lệ phí (ticket) theo mệnh giá tương ứng với mức thu và giao cho 1 ngành thực hiện, có thể là Kho bạc Nhà nước hoặc Hải quan cửa khẩu.  

Để thu hút hàng hoá, nhất là hàng nông sản từ vùng đông bắc Thái Lan, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục có chính sách giảm phí trọng tải, phí luồng lạch xuống thấp hơn nữa ( hiện nay phí từ 30% - 50% )cho các cảng duyên hải miền Trung Việt Nam để khuyến khích các hãng tàu và các nhà xuất nhập khẩu đưa tàu và hàng hóa qua cảng, đặc biệt là đối với các loại tàu container chuyên tuyến. Theo ông Lê Hữu Thăng: “Nếu được giảm 2 loại phí trên, các hãng tàu sẽ có điều kiện giảm cước vận tải biển, kích thích các nhà XNK sẽ đưa hàng qua các cảng miền Trung. Nhiều tàu, nhiều hàng, cước vận chuyển sẽ giảm, chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn để sử dụng cơ sở hạ tầng của EWEC hiệu quả hơn....” 

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.