| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 04/11/2014

Những ý kiến… giật mình

ODA là nguồn vốn vô cùng quan trọng, dùng để đầu tư phát triển nền kinh tế của đất nước. ODA do Chính phủ vay, nhưng người trả nợ là dân.

Còn Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân, có vai trò giám sát toàn bộ các hoạt động, điều hành của Chính phủ, trong đó có việc giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, để sao cho những đồng tiền đó được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Thế nhưng trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII này, ý kiến ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã khiến cả xã hội phải giật mình, khi bà nêu một sự thực, là Quốc hội với cơ quan giám sát tối cao, và người dân, trong tư cách người trả nợ cuối cùng, hoàn toàn đứng ngoài quy trình về ODA.

Người dân hoàn toàn đứng ngoài quy trình về ODA thì đã hẳn. Bởi ai cho họ “đứng trong”? Dân chỉ biết về ODA qua những gì được những cơ quan có trách nhiệm công bố. Mà ở ta, mọi vấn đề được công bố đều có… định hướng, đều khác với thế giới.

 Đến GDP, đến nợ công, nợ xấu… mà cách tính toán của ta cũng còn khác với thế giới nữa là.

Còn Quốc hội thì sao? Theo ĐB Lê Thị Nga thì 20 năm chúng ta vay vốn ODA, Quốc hội chưa hề giám sát. Nếu thế, đây là điều thực sự gây “sốc” cho hàng triệu cử tri.

Thế cho nên làm 1 km đường cao tốc ở ta mới tốn đến 12 triệu USD, mà vừa làm xong đã nứt toác, trong khi ở Mỹ người ta làm một km cũng loại đường ấy chỉ tốn có 4,5 triệu USD; ở Trung Quốc chỉ tốn 5 triệu USD.

Vì thế nên chúng ta mới có công trình văn hóa xây dựng hết những 3.200 tỷ nhưng xây dựng xong rồi thì để cho thuê làm đám cưới. Có làng văn hóa xây dựng hết 3.200 tỷ nhưng xây dựng xong rồi thì để… thả bò.

Thế nên Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng chỉ mới rà soát mấy công trình giao thông trọng điểm mà đã cắt giảm được tới 40.000 tỷ đồng.

Chuyện các vụ án tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến ODA như vụ PMU 18; vụ Huỳnh Ngọc Sỹ; vụ JTC, đều do nước cho ta vay vốn ODA phát hiện. Cho mình vay mà người ta còn biết xót cho việc sử dụng đồng vốn vay của mình.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Tại sao người ta lại lăn xả vào để làm 1 km đường, để xây dựng một cây cầu, nhỏ thôi, là đã có thể trở nên giàu có?”.

Chưa có vị ĐBQH nào trả lời hay dám trả lời câu hỏi đó. Nhưng nhân dân thì trả lời được ngay. Đường sá, cầu cống… phần lớn được xây dựng từ tiền đi vay ODA. Mà tiền đi vay, thì tha hồ lãng phí, tha hồ xà xẻo, tha hồ lại quả phần trăm phần nghìn.

Nợ công đã ở mức 64% GDP, ngấp nghé mức báo động đỏ (vượt quá 65% GDP) rồi. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vào ngày 29/10 vừa qua, Chính phủ đã bảo đảm nguồn ngân sách để trả nợ công là không quá 25% tổng chi ngân sách.

Đã phải dùng đến 70% tổng thu ngân sách để chi thường xuyên. Lại thêm 25% để trả nợ. Thì còn được mấy phần trăm nữa để chi đầu tư phát triển?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm