| Hotline: 0983.970.780

Nhường cơm sẻ áo

Thứ Hai 21/10/2013 , 11:06 (GMT+7)

Buổi sáng sớm, tôi nghe tiếng gõ cửa. Ra đã thấy bà Hồng xách một túi ni lông: “Nhà cũng chẳng có chi, từ bữa đầu tháng tui cứ dành dụm bơ gạo mỗi ngày. Chừ được chừng ni, nhờ chú có đi ra ngoài Quảng Sơn thì mang ra đưa hộ cho bà con, nhà mô đó cũng được..."

Buổi sáng sớm, tôi nghe tiếng gõ cửa. Ra đã thấy bà xách một túi ni lông: “Nhà cũng chẳng có chi, từ bữa đầu tháng tui cứ dành dụm bơ gạo mỗi ngày. Chừ được chừng ni, nhờ chú có đi ra ngoài Quảng Sơn thì mang ra đưa hộ cho bà con, nhà mô đó cũng được. Mong bà con mình ngoài nớ đặng sớm qua cơn bĩ cực”.

Đó là bà Lê Thị Hồng (70 tuổi), bán rau quả ở chợ Bắc Lý (TP Đồng Hới). Hàng ngày bà hái rau trồng quanh vườn, mua thêm rau của mấy nhà hàng xóm, bó lại cẩn thận mang ra chợ bán. Tiền lãi cũng được hai ba chục bạc mỗi ngày. Nhà tôi ở gần chợ và vợ thường mua rau của bà nên bà biết.

Hết lòng vì người dân vùng bão lũ

Bài báo trên NNVN: “Đau thắt Quảng Sơn” số thứ Sáu (18/10) vừa đến tay bạn đọc thì tôi đã có điện thoại. Ông Trần Văn Thỏ - Tổng Giám đốc Cty CP Xây dựng và Tư vấn Bình Lợi (có trụ sở tại 54 Lý Thường Kiệt, TP Đồng Hới, Quảng Bình) thông báo đơn vị đã chuẩn bị để thực hiện hỗ trợ ngay cho bà con vùng bị thiệt hại nặng.

Mặc dù, trong cơn bão số 10, đơn vị cũng bị thiệt hại khá nặng. Vì để hỗ trợ cho người dân trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn, Nhà máy Tinh bột sắn XK Sông Dinh (thuộc Cty CP Xây dựng và Tư vấn Bình Lợi) đã xuất tiền mua trên 1.500 tấn sắn cho bà con vùng bị ngập. Sau bão, hệ thống điện lưới bị hư hại, nhà máy bị mất điện nên dừng sản xuất gần 2 tuần lễ. Số sắn nguyên liệu mua cho nông dân bị hư hỏng gần hết. Con số thiệt hại cũng ngót nghét gần 3 tỷ đồng.


BĐBP cứu trợ cho người dân khi lũ chưa rút

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thỏ cho hay: “Qua Báo NNVN, biết được nhân dân xã Quảng Sơn và một số nơi khác bị thiệt hại lớn về người và tài sản do bão lũ gây ra. Mặc dù Cty đang gặp khó khăn, nhưng trước mất mát quá lớn của bà con, chúng tôi xin được chia sẻ một phần nhỏ mong bà con sớm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống”. Theo ông Thỏ, DN có lỗ thêm một chút hay bớt lợi nhuận đi một chút cũng là điều nên làm bây giờ để chia sẻ với bà con đang trong khó khăn, hoạn nạn.

Dù trời vẫn đang mưa nặng hạt, đường còn ngập và lầy bùn đất, lãnh đạo Cty đã đến tận các gia đình ở thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch) để thăm hỏi và trao hỗ trợ 3 gia đình có người bị chết (mỗi suất 5 triệu đồng); gia đình có người bị thương (22 người), nhà bị sập (24 nhà), mỗi suất 1 triệu đồng; 345 nhà bị tốc mái (mỗi suất 300 ngàn đồng), với tổng số tiền 164,5 triệu đồng.

Trước đó, Cty cũng đã thăm hỏi và hỗ trợ cho người dân trồng sắn nguyên liệu bị thiệt hại do bão lũ gây ra ở huyện Bố Trạch với tổng số tiền 150 triệu đồng. Ông Mai Xuân Kiên - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn nói trong xúc động: “Cty Bình Lợi là DN đầu tiên trực tiếp đến thăm hỏi và chia sẻ những mất mát đau thương của người dân chúng tôi. Đây cũng là sự động viên kịp thời để bà con sớm gượng dậy sau cơn đau”.


Kịp thời đến với đồng bào bị thiệt hại

Dù ở đâu trên mảnh đất Quảng Bình, người dân dù bị cơn bão lũ chà qua xát lại cũng đau đáu hướng về nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Ở xóm nhỏ Thạch Bắc (huyện Quảng Ninh) bà con vừa mới sửa sang lại nhà cửa, chặt dọn cây cối đổ gãy trong bão số 10 xong. Hay tin bà con Quảng Sơn bị thiệt hại nặng cũng chung tay chia sẻ.

Chị Mai Thị Vân - tổ trưởng tổ phụ nữ hội ý với chị em trong tổ dùng toàn bộ số tiền lãi ở số vốn ít ỏi do chị em góp trong năm qua để ủng hộ chị em vùng lũ. “Chị em cũng đồng ý phát động phong trào tiết kiệm mỗi ngày mỗi bơ gạo để giúp người vùng lũ. Ngày thành lập Hội 20/10 hàng năm cũng có sinh hoạt chung và liên hoan nhỏ. Nay chị em chỉ sinh hoạt thôi, để dành phần kinh phí liên hoan góp cho việc hỗ trợ”.


Hỗ trợ gạo đến vùng lũ

Ngay trong khi lũ chưa rút hẳn, nước trên con sông Rào Nan còn cuồn cuộn chảy xiết thì cũng là lúc những người lính biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tiếp cận được với thôn Hà Thôn (xã Quảng Sơn) bị cô lập trong lũ. Nhà bà Mai Thị Quy (77 tuổi) bị lốc xoáy san phẳng toàn bộ ngôi nhà gỗ ba gian. Điều hết sức kỳ diệu là bà cháu bà đã thoát chết trong gang tấc khi toàn bộ ngôi nhà đổ ập xuống sau cơn bão xoáy. Đứa cháu ngoại đang học lớp 10 của bà bị gỗ và gạch ngói đè lên bị thương nặng và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Trạch.

Riêng bà Quy bị vùi trong đống đổ nát, nhưng rất may không bị thương. Những người lính biên phòng đã giúp bà dọn dẹp và tìm kiếm những tài sản còn sót lại. Nhận những thùng mì ăn liền do các anh BĐBP hỗ trợ, bà Quy xúc động không nói nên lời. Đứng giữa hai người mang quân phục xanh, bà như thấy được an ủi phần nào.

Những ngày này, nhiều cá nhân, tổ chức đã đến với nhân dân Quảng Sơn, nhân dân Quảng Bình. Chị Nguyễn Thanh Ngân (chủ một DN nhỏ ở TP Đồng Hới) đã kêu gọi bạn bè làm kinh doanh, buôn bán ở các chợ, kẻ ít người nhiều, hỗ trợ bằng việc mua xoong nồi, vật dụng gia đình, gạo, muối... Chị tâm sự: “Trên ti vi, qua báo chí thấy bà con bị thiệt hại nhiều quá. Cả cuộc đời chắt bóp mới làm được ngôi nhà, mua được cái tủ thì bị bão lũ làm tan nát hết.


Chị em tiểu thương các chợ quyên góp tiền ủng hộ

Khoảng hai hôm nữa, khi gom được xe hàng là tôi mang lên ngay cho bà con vùng bị thiệt hại”. Mệ Hồng bán ở chợ Bắc Lý cũng nói: “Tui có nói thêm được mấy chị em ở ngoài chợ rồi. Nhà mô cũng tiết kiệm bơ gạo hay có quần áo giặt giũ cho sạch để đưa giúp các cháu, con ngoài vùng lũ nặng”.

Tôi vẫn nhớ như in anh Lục lái xe tải nhỏ phục vụ chở hàng hóa cho khách. Khi tôi nhận gần nửa tấn hàng của bạn bè gửi qua đường bưu điện để hỗ trợ bà con vùng lũ, anh Lục nhận chở và tự mình bốc vác. Lúc nhận tiền công, anh Lục nắm lấy tay tôi, dúi nắm tiền trở lại rồi nói nhè nhẹ: Thôi, hàng ni là của mọi người góp hỗ trợ bà con vùng lũ. Tôi chẳng có giúp được chi thì anh cho được góp chút công chuyên chở số hàng này.

Ông Mai Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình: “Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp thăm hỏi các gia đình bị nạn và nắm tình hình thiệt hại chung. Trước thiệt hại quá lớn của bà con, Hội Nông dân đã kêu gọi và phát động phong trào chung tay vì bà con vùng lũ trong hội viên.

Qua phong trào này, hội viên hãy nhường cơm sẻ áo, ủng hộ ngày công hay cây, con giống cho bà con vùng bị thiệt hại nặng với phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lần thứ 6, Quảng Ninh được đánh giá cải cách hành chính tốt nhất Việt Nam

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).