| Hotline: 0983.970.780

Niềm khát khao thánh thiện thủa ban đầu

Chủ Nhật 27/08/2017 , 09:05 (GMT+7)

Tôi tin rằng, nhiều người như tôi, còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về lớp học khóa 6 Quảng Bá năm ấy. Ấy là mùa hè năm 1973, chúng tôi được triệu tập về học tại Quảng Bá, Hà Nội.

Phải nói cho đầy đủ, đó là Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, khóa 6, do Hội nhà văn Việt nam tổ chức. Phụ trách trường ngày đó, là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, hiệu trưởng; nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Đoàn Giỏi, hiệu phó.

Nhiều gương mặt trẻ từ khắp miền tổ quốc được tụ hợp về. Có người đã là tác giả nổi tiếng, có nhiều người đã từng xuất hiện trên các báo chí, có cả một vài anh chi em mới chập chững bước vào con đường chữ nghĩa. Nổi tiếng nhất, là nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Ma Văn Kháng. Phạm Tiến Duật vừa bước qua vòng hào quang lộng lẫy của giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, với chùm thơ viết về Trường Sơn làm bàng hoàng, ngất ngây bao trái tim bạn đọc. Nhà văn Ma Văn Kháng thì đang dạy học, rồi chuyển sang làm báo, làm thư ký cho một cán bộ cao cấp tỉnh Lào Cai.

Ngày ấy, tuy chưa có tập truyện riêng, nhưng những truyện ngắn viết về miền núi của anh thường xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đã gây vị thế trong giới cầm bút. Lê Minh Khuê, cô gái thanh niên xung phong trẻ, vừa ở chiến trường ra, chị đã có những truyện ngắn “Cao điểm mùa hạ”, “Ngôi sao xa xôi” làm xôn xao giới viết trẻ. Có người từ Tây Bắc về, như Nguyễn Tri Tâm, có người là con của dân tộc Pa-dí chỉ còn hai nghìn người, như Pờ Sáo Mìn. Hải Phòng, Quảng Ninh về, có Vũ Châu Phối, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Sơn Hà, Võ Thanh An. Tuyên Quang xuôi, có Gia Dũng, Đoàn Thị Ký. Thanh Hóa ra, có Nguyễn Ngọc Liễn, Văn Đắc, Hà Thị Cẩm Anh. Nghệ An có Quốc Anh, Nguyễn Xuân Phầu. Quảng Bình có Hoàng Vũ Thuật, Lê Thị Mây, Văn Lợi. Ở Nam Định có Hoàng Trung Thủy, Vũ Ngọc Phác. Thái Bình có Tường Lan. Bắc Ninh, có Trần Anh Trang. Bên công an, có Tôn Ái Nhân. Bên quân đội, có Tô Hoàng, Dương Duy Ngữ...

Ngoài ra, nhà văn Lê Lựu còn dẫn mấy anh em từ Trường Sơn ra, cùng dự thính lớp học, như Phạm Hoa, Lê Thị Hẹn. Trẻ nhất lớp, là Chu Hồng Hải. Hải vốn là thợ đốt than đầu máy xe lửa chở quặng trên gang thép Thái Nguyên. Khi về học, anh mới tròn hai mươi tuổi. Ấy nhưng anh đã có cuốn sách riêng “Cuộc phưu lưu của chó con và mèo con” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Nguyễn Thái Vận, Thúy Bắc, Chử Văn long và tôi, tiếng là ở Hà Nội, nhưng cũng nội trú. Phần vì đỡ phải đi lại, phần vì muốn được tụ bạ cùng anh em, để đêm đêm đàm đạo, bù khú văn chương anh em trong lớp.

Cho đến bây giờ, trên mảnh đất Quảng Bá đã mọc lên Khu Bảo tàng văn học bề thế, nhưng ấn tượng Quảng Bá ngày đó, với tôi đẹp hơn rất nhiều. Trường học tuy chỉ là khu nhà xây một tầng, nhưng rất thơ mộng, thanh bình và trang nghiêm. Nhứng khóm hoa hồng nở bên giảng đường. Những con gió tươi mát từ Hồ Tây mờ sương tràn về. Khóm trúc Tương Phi với những thân trúc in vệt xanh dọc, nổi bật trên dóng trúc vàng, tượng trưng dòng nước mắt của người chinh phụ nhớ người chồng ngoài trận mạc. Khóm trúc quanh năm xanh tốt. Hỏi ra mới biết, nhà văn Nguyễn Tuân vì yêu cốt cách của trúc, nên đã trồng khóm trúc Tương Phi đó tự khi nào. Vườn trường còn rất nhiều gốc đào. Mùa xuân năm ấy, 1974, cả vườn đào nở hoa rất đẹp. Nhờ có những cây đào vườn trường, chúng tôi hiểu thêm vẻ đẹp của đào Nhật Tân, Quảng Bá.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Sanh độ ấy còn sung sức. Thầy có tác phong rất sư phạm. Tôi không rõ, thời trai trẻ, thi sĩ của nhóm “Xuân thu nhã tập” đã viết những câu thơ bí hiểm đầy tượng hình Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà trong tâm thế háo hức nào, chứ hình tượng nghiêm túc của thầy hiệu trưởng mỗi khi lên lớp, cho chúng tôi hiểu thêm, muốn làm nhà văn nhà thơ bay bổng bao nhiêu, thì trước tiên, phải làm anh học trò nghiêm túc. Thầy hiệu trưởng thường tự hào, bảo rằng, trên thế giới (phe xã hội chủ nghĩa) chỉ có ba trường viết văn. Một là trường Gooc-ky ở Liên Xô. Hai là trường Bec-se ở Đức. Ba là trường viết văn Quảng Bá. Hầu hết, những nhà văn kiệt xuất ở Liên Xô, ở Cộng hòa Liên bang Đức, đã từng theo học hai trường này. Còn ở nước ta, những người theo học trường Quảng Bá, chả biết rồi ai sẽ là những nhà văn kiệt xuất trong nước và thế giới đây?

Phải nói những ngày học ở Quảng Bá, chúng tôi có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc, được nghe những nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu, những nhà sử học, triết học, nhạc sĩ, họa sĩ danh tiếng đến giảng giải. Đặc biệt, được nghe các nhà văn nhà thơ tiêu biểu của nền văn học nước nhà, đến truyền đạt kinh nghiệm sáng tác. Nhà thơ Xuân Diệu với mái tóc bồng bềnh, thỉnh thoảng lại ngúc ngoắc cái đầu khi giảng giải về các nhà thơ cổ điển. Nhà thơ Huy Cận, khi ấy là thứ trưởng, nhưng sinh hoạt lại rất xuề xòa.

Tôi cứ ngạc nhiên mãi, sao ông lại viết được những câu thơ Củi một cành khô lạc mấy dòng gợi cảm vậy. Nhà thơ Chế Lan Viên nom thì có vẻ nghiêm, vậy mà hễ khi ông đọc thơ, thì khuôn mặt ông lại dào dạt cảm xúc. Nhà văn Nguyễn Tuân thường xách chiếc bị cói đến giảng. Trong bị cói, có những cuốn sách tiếng Pháp rất quý và có cả bộ ấm chén pha trà gốm da chu nhỏ xíu. Nhà văn Nguyên Hồng thường khệ nệ ôm chiếc cặp da cũ sờn, trong cặp chứa đầy bản thảo viết dở.

Tôi hình dung, bão táp luôn nổi trong mỗi trang văn của ông. Nhà văn Nguyễn Công Hoan dáng vẻ nghiêm túc như một ông giáo, nhưng lại rất thân thiện. Nhà thơ Hoàng Trung Thông khuôn mặt thường đỏ bừng như mặt Quan Công, nhưng khi giảng bài, thì ông lại rất hiền. Nhà văn Tô Hoài nói năng rủ rỉ, mà thật là cuốn hút. Nhà văn Nguyễn Đình Thi lịch thiệp, với giọng đọc thơ trầm, hớp hồn cả lớp học. Tôi còn nhớ, có buổi nhà thơ Tố Hữu cũng đến lớp chúng tôi. Ông người thấp đậm, nhưng bước đi chắc khỏe. Tôi cũng lạ, là con người ông có thể giảng giải, diễn thuyết sang sảng ở hội nghị này hội nghị kia, vậy mà khi ông đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ về Huế thì lại mềm lòng làm sao.

Lớp học ngày ấy, tuy không có việc kiểm tra sách vở như nhà trường phổ thông, nhưng hầu như ai cũng có thói quen ghi chép bài vở rất cẩn thận. Nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi tiếng, thành ra anh rất hay được cơ quan báo chí, đài phát thanh đến phỏng vấn, hỏi chuyện. Anh thường vắng mặt ở lớp học. Khi ngồi học, anh không ngồi cố định một chỗ, thường tiết này ngồi bàn đầu, tiết sau lại chuồn xuống ngồi bàn cuối. Chỉ có nhà văn Ma Văn Kháng là chỉn chu, ngồi học trong lớp như một anh viên chức. Anh thường cúi mặt xuống cuốn vở học trò, ghi ghi chép chép. Cả lớp phải kêu lên rằng anh ghi chép bài giảng quá cẩn thận. Một bữa, ngồi gần bàn của anh, tính học trò tò mò, tôi đưa mắt nhìn trộm trang vở anh đang viết. Thì ra, trời ơi, không phải anh ghi chép bài giảng, mà anh đang say sưa viết truyện ngắn của mình. Tôi bất ngờ và thán phục quá!

Một người nom rất vui và luôn tỏ ra yêu đời khi học, là Gia Dũng. Khi ấy, anh đã có bài thơ phổ nhạc nhiều người lính từng hát trên đường hành quân có chú nai vàng giương đôi tai ngơ ngác. Học xong, anh trở về Tuyên Quang, làm phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh. Một người tưởng thong dong đi vào con đường chữ nghĩa như anh, vậy mà lại đâm vất vả. Một bữa, thấy một người vận quần áo ga bộ đội, đội mũ cối có chóp giấy vàng, đi dép râu đến nhà tìm tôi. Sau phút ngỡ ngàng, tôi càng ngỡ ngàng hơn khi nhận ra, đó là nhà thơ Gia Dũng. Sao anh đổi thay nhanh vậy. Chàng trai luôn có nụ cười tươi tới mức phớt đời thưở nào, nay là một ông lão chậm chạp, tóc hoa râm. Có điều khi nói đến thơ ca, là bỗng như trở lại chàng trai trẻ thưở nào. Gia Dũng bỏ chức tước, bỏ cửa nhà vợ con điền viên trên Tuyên, về Hà Nội ở trọ, quyết theo đuổi mộng chữ nghĩa và dồn hết những đồng tiền cuối cùng của mình cho việc in ấn các tuyển thơ. Anh tự nhận mình là người cửu vạn thơ. Nom mấy chục ấn phẩm thơ do anh làm ra, trang trọng và bề thế, tôi có phần kính nể, cho dù có người khen và chê hết lời vì sự đam mê này của anh.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, kể từ khi chúng tôi rời trường Quảng Bá. Mấy chục học viên lại tung ra bốn phương trời. Người sống người chết, có người bỏ cuộc, nhưng hầu hết là vẫn hăm hở đeo đuổi con đường văn chương. Thầy hiệu trưởng cũng thôi không làm công tác quản lý, mà trở về sứ mệnh nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh khả kính. Hai thầy hiệu phó, nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Đoàn Giỏi cũng đã trở về cát bụi. Quy luật tự nhiên, rồi ai cũng phải về cát bụi, vậy mà khóa 6 chúng tôi sao lắm người phải thiệt phận sớm thế. Anh em tổng kết, trong số hơn ba chục anh em cùng học, đã chục người ra đi rồi. Đa phần, chịu bệnh hiểm nghèo. Nếu số phận không bắt họ đi sớm, chắc hẳn họ còn đóng góp cho đời nhiều trang thơ trang văn nặng trĩu nỗi niềm của họ. Số anh em còn lại, hầu hết vẫn sống chết với nghiệp viết của mình. Sớm muộn, đều trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Có nhiều người đảm đương trọng trách của Hội nhà văn trung ương và địa phương. Nhiều người có tác phẩm văn học xuất sắc, được giải văn chương trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có hai người được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, là nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Ma Văn Kháng.

Một buổi, tình cờ mấy anh em cùng khóa chúng tôi gặp nhau trên mảnh đất Quảng Bá, nơi Trường viết văn từng mở thưở nào. Cảnh quan đã thay đổi. Bảo tàng văn học khang trang và bề thế. Sao tôi chợt nhớ về khóm trúc nhà văn Nguyễn Tuân trồng thưở nào ở góc sân trường. Khóm trúc không còn nữa, nhưng vẫn ám ảnh tôi về cốt cách người cầm bút, như lời khuyên của bao bậc cổ nhân. Tôi thêm nhớ về những khát vọng đầu đời thưở cầm bút. Dù phải qua bao chặng đường thác ghềnh, có lúc như tuột dốc với chính mình, niềm khao khát vươn tới vòm trời cao sang lồng lộng của văn chương, vẫn luôn ám ảnh và thôi thúc tôi. Vẫn nguyên niềm khát khao đắm say, thánh thiện thưở ban đầu.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất