| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui Bát Mọt

Thứ Năm 08/11/2012 , 10:04 (GMT+7)

Giờ Bát Mọt khác rồi, nước sạch về tới tận thôn bản. Đời sống người dân vùng biên cũng được nâng lên.

Bát Mọt là xã vùng cao, biên giới của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Từ trung tâm huyện, chúng tôi phải vượt hơn 60 km đường rừng quanh co với những con dốc dựng đứng mới vào được xã.

Ông Lang Đình Long, Phó chủ tịch UBND xã Bát Mọt, cho biết: Cả xã có 9 thôn, 721 hộ với 3.421 nhân khẩu, trong đó có 367 hộ nghèo, chiếm tới 51% số hộ trong toàn xã. Diện tích đất nông nghiệp là 19.552 ha, người dân chủ yếu sống nhờ vào đồng ruộng.

Trước đây, người dân các thôn trong xã rất khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt (NSH). Từ tháng 11 trở đi, người dân thường xuyên thiếu NSH. Cá biệt, một số thôn như: Vin, Đục… không có nước phục vụ cho SXNN nên chỉ gieo cấy được một vụ.

Bây giờ, nói về chuyện nước sạch, ông Long khua tay: “Giờ Bát Mọt khác rồi, nước sạch về tới tận thôn bản. Đời sống người dân vùng biên cũng được nâng lên. Nhiều hộ còn tự bỏ tiền ra xây bể nước sạch để phục vụ sinh hoạt”. Đến thời điểm này, hệ thống nước sạch đã được triển khai ở hầu hết các thôn trên địa bàn, từng bước khắc phục tình trạng thiếu NSH, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, SX của nhân dân.


Người dân Bát Mọt vui vì đã có nước sạch sinh hoạt

Cách trung tâm xã chừng 1,5 km là bản Chiềng. Từ năm 2007, Chương trình MTQG NS-VSMTNT đã xây dựng cho bà con nơi đây 13 bể với tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng. Nghĩ lại ngày mới có nước sạch, bà Lường Thị Chuyên (76 tuổi) vẫn còn nhớ như in cái cảm giác sung sướng. “Cả đời tôi phải sống trong cảnh thiếu thốn về nguồn nước. Phải lấy nước khe, suối từng ngày vào các can, chậu về dùng. Có những hôm trời mưa, nước nguồn chảy về đục ngầu nhưng vẫn phải dùng. Nay có nước sạch rồi, chúng tôi không còn phải lo gì nữa, cũng chẳng phải sợ nguồn nước ô nhiễm bệnh tật”.

Rời bản Chiềng, theo con đường mòn liên thôn, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn chục cây số mới vào được bản Đục. Vừa đi ông Long vừa giới thiệu, bản có 130 hộ, với hơn 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái, tỉ lệ hộ nghèo còn 47%.

Trước đây, toàn bộ dân bản hầu như chỉ sử dụng nguồn nước suối, khe bị ô nhiễm nặng. Riêng suối Thắm Hoa ở độ cao, có lưu lượng nước tương đối ổn định và là nguồn nước ít bị ô nhiễm, song lại ở xa khu dân cư nên nhân dân không có điều kiện dẫn nước về sử dụng. Vì vậy, việc đầu tư một công trình cung cấp NSH hợp vệ sinh cho bản Đục là việc rất cần thiết.

Theo ông Long, công trình cấp NSH tập trung cho bản Đục được đầu tư xây dựng năm 2009, công suất sử dụng 100 lít/người/ngày đêm. Hệ thống công trình bao gồm: Công trình thu nước đầu nguồn; đưa vào bể lắng lọc thô, kết hợp chứa nước khử trùng, sau đó theo đường ống dẫn về 10 bể tiêu thụ nước.

Được biết đây là công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG có tổng giá trị xây dựng là 1 tỉ 300 triệu đồng, trong đó có trên 100 triệu đồng do nhân dân đóng góp bằng công lao động.

“Chúng tôi biết Nhà nước rất quan tâm tới dân bản vùng cao. Để có nước sạch về tới thôn, bản, người dân chúng tôi sẵn sàng đóng góp công lao động phục vụ cho các công trình của Nhà nước. Đói ăn còn có thể vào rừng kiếm củi, nứa… bán lấy tiền đong gạo, chứ không có NSH thì người dân không thể chịu được. Nhất là phải dùng nguồn nước ô nhiễm, nguyên nhân gây nên bệnh tật”, anh Vi Mạnh Lương, người dân ở đây, cho biết.

Đánh giá về Chương trình MTQG NS-VSMTNT, ông Long khẳng định: Các hộ dân được hưởng nguồn nước hợp vệ sinh từ công trình đã giải phóng sức lao động, giảm thời gian lấy nước và giảm thiểu các bệnh đau mắt, sốt rét, bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Mặt khác, có nguồn nước hợp vệ sinh là điều kiện cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao nhận thức của bà con về sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất