| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui trên cánh đồng mẫu lớn

Thứ Sáu 04/10/2013 , 10:17 (GMT+7)

Những ngày này nông dân khắp vùng Tây Bắc xứ Nghệ đang bước vào vụ thu hoạch lúa vụ mùa.

Những ngày này nông dân khắp vùng Tây Bắc xứ Nghệ đang bước vào vụ thu hoạch lúa vụ mùa. Đây đó, có nơi đang lo buồn vì đồng ruộng bị bão lũ làm thất bát. Tuy nhiên khi tôi đến xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn để tham dự hội thảo đầu bờ về cánh đồng mẫu lớn (CĐML) thấy đỗi bất ngờ.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn bước lên từ đám ruộng, rạng rỡ: "Chúng tôi rất phấn khởi vì năng suất, chất lượng lúa ở đây đạt cao nhất huyện. Để đạt được kết quả này, trước đó lãnh đạo huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa".

Nói dồn điền đổi thửa là để đưa cơ giới vào đồng ruộng, là để đưa giống lúa mới có năng suất chất lượng cao vào thay thế cho từng mảnh ruộng manh mún trước đây. Thế nhưng, ông Sơn ví von: "Khi tuyên truyền chủ trương này thì tư tưởng dân ai cũng thống nhất liền một khối, y như bao bì tải đựng đầy khoai tây. Vậy mà khi bắt tay vào thực thi nhiệm vụ thì tư tưởng họ lại giống như bì khoai đã đổ ra sân, lăn lóc mỗi nơi mỗi củ.


Hội thảo mô hình CĐML tại xã Nghĩa Khánh 

Người ta bảo nghe cán bộ nói thì thấy đúng và hay lắm, nhưng kết quả thì chưa chắc. Lại có người nói ruộng nhà tôi thà một sào mà tốt còn hơn nay phải đổi cho họ hai, ba sào ở vùng đất xấu… Nói như vậy để biết việc dồn điền đổi thửa ở xã Nghĩa Khánh là một điển hình cho các xã trong toàn huyện noi theo".

Trạm trưởng Trạm BVTV Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Viết Trung cho hay: Ngay sau khi Nghĩa Khánh thực hiện xong dồn điền đổi thửa, đơn vị chúng tôi đã được huyện giao nhiệm vụ đưa giống, phân bón, thuốc BVTV và hướng dẫn cho nông dân canh tác trên CĐML 30 ha này.

Trước hết nói về giống, sau quá trình lựa chọn, Trạm quyết định lấy nguồn Arize XL 9417. Đây là giống lúa lai ba dòng do Cty Bayer (Ấn Độ) chọn tạo, kiểm soát rất nghiêm ngặt về độ thuần và chất lượng. Lúa lai Arize XL 9417 đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho các tỉnh phía Bắc SX vào ngày 8/10/2010.

Nguồn phân bón, Trạm dùng siêu lân N:P (18:46) có hàm lượng dinh dưỡng cao, dùng bón lót, có tác dụng hạ phèn nhanh, chống ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn. Bộ rễ phát triển nhiều, tăng cường nẩy chồi, phục hồi nhanh, giúp cây hút mạnh chất dinh dưỡng, đâm chồi phát triển mạnh. Chống rét, nghẹt rễ, vàng lá sinh lý cho cây.

Phân bón siêu lân còn có tác dụng giữ cho bộ lá gốc xanh bền lâu, phân hóa mầm hoa, trổ hoa nhiều đồng loạt giúp cho cây cứng cáp không đổ ngã và tăng sức đề kháng với sâu bệnh, kể cả trong thời tiết bất thuận.

Ngoài phân siêu lân, Trạm còn chọn lựa phân đạm xanh. Đây là giống phân sinh học thế hệ mới do Nga và Hoa Kỳ phối hợp SX. Bón 1 kg đạm xanh bằng 2 kg đạm trắng, có tác dụng giữ độ ẩm cho đất, giảm lượng nước tưới từ 30-50%, làm tăng 300% vi sinh vật có ích trong đất, tăng khả năng đề kháng và rút ngắn thời gian sinh trưởng cho cây.

Phân đạm xanh không bị chảy nước và vón cục trong trời gian 3 năm. Nó tăng cường khả năng nảy mầm, tăng năng suất cây trồng lên 10-20%. Đặc biệt khi dùng đạm xanh bón cho lúa đã giảm được 80% chi phí thuốc BVTV và không gây độc hại cho người, động vật.

Trạm trưởng Trạm BVTV Nghĩa Đàn báo cáo trước hội thảo: Để có kết quả khách quan, khi cùng 212 hộ nông dân thực hiện mô hình CĐML, Trạm đã xây dựng mô hình đối chứng bằng nguồn giống Nhị ưu 838 (canh tác theo phương thức truyền thống). 

Quá trình chăm sóc (tính cho 1 sào 500 m2) giống lúa trên CĐML, bón lót 5 tạ phân chuồng, 10 kg NP (18:46). Khi lúa đẻ nhánh bón 4 kg đạm xanh, 3 kg kali, 0,5 kg vi lượng, thúc đòng bón 3 kg kali. Đồng đối chứng bón lót 5 tạ phân chuồng, 25 kg NPK (8:10:3), 3 kg urê. Kỳ lúa đẻ nhánh bón 3 kg kali, 6 kg urê. Thúc đòng bón 3 kg kali, 1 kg urê.

Kết quả cả 2 đồng lúa có thời gian sinh trưởng như nhau (125 ngày). Về khả năng chống chịu sâu bệnh cho thấy CĐML và đối chứng đều bị nhiễm nhẹ sâu cuốn lá và đục thân. Nhưng bệnh khô vằn, bạc lá thì đồng đối chứng bị nhiễm trung bình, trong khi đó CĐML thì chỉ bị nhiễm nhẹ.

Qua kiểm tra thấy rõ chi phí cho 1 ha trên CĐML hết 25,41 triệu đồng, nhưng đã thu được 56 tạ lúa, lãi ròng 8,19 triệu. Trong khi đó chi phí cho 1 ha trên cánh đồng đối chứng hết 26,38 triệu, thu được 45 tạ lúa, lãi ròng chỉ thu được 620 nghìn đồng.

Như vậy năng suất 1 ha trên CĐML đã cho thu được cao hơn cánh đồng đối chứng 11 tạ, tiền lãi cũng cao hơn 7,47 triệu đồng. Đấy là giá lúa trên cả 2 cánh đồng mà Trạm đang tính 6.000 đ/kg. Thực tế tại địa phương lúa của giống XL 9417 đã xuất bán được 6.500- 7.000 đ/kg, vì có chất lượng hạt gạo thơm ngon và dẻo hơn nhiều so với hạt gạo của lúa Nhị ưu 838 (chỉ bán được cao nhất là 6.000 đ/kg).

Phó Chủ tịch xã Nghĩa Khánh, ông Phạm Văn Đức cùng ông Phạm Cộng Hòa, xóm trưởng xóm Trung Khánh thay mặt nông dân toàn xã đã bày tỏ lòng phấn khởi: Việc huyện chọn lựa Nghĩa Khánh làm điểm xây dựng CĐML đã mang đến kết quả rất tốt đẹp. Từ đó làm cho nông dân thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm...

Ông Vi Văn Định, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn:

Xây dựng CĐML là thực hiện các giải pháp khoa học đồng bộ, áp dụng trên đồng ruộng để thúc đẩy năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao, tạo nên vùng SX hàng hóa tập trung. Cốt lõi của vấn đề là để nâng cao đời sống của nông dân. Đây là một tiêu chí rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Bởi vậy thời gian tới huyện sẽ nhân rộng mô hình đến tận rừng xã, không những ở cây lúa mà còn thực hiện ở cây mía, ngô, đậu, lạc, rau màu… Về diện tích, nếu xã nào không đạt được CĐML 30 ha trở lên thì làm từ những cánh đồng liền vùng, liền thửa từ 10 ha trở lên…

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.