| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình phát triển kinh tế biển

Thứ Năm 16/08/2012 , 10:56 (GMT+7)

Nếu như trước đây, mô hình khai hoang của vùng biển Kim Sơn là quai đê-cói-lúa thì bây giờ là quai đê-nuôi trồng thuỷ sản.

Thu hoạch tôm sú ở Kim Sơn
Ninh Bình có duy nhất 1 huyện ven biển là huyện Kim Sơn với chiều dài bờ biển gần 15 km. Vùng này được quan Doanh điền sứ triều Nguyễn là Nguyễn Công Trứ lập nên cách đây 2 thế kỷ. Biển Ninh Bình là biển lùi, mỗi năm bãi bồi lấn ra biển từ 80-100 m, cứ 15-20 năm lại quai đê lấn biển một lần.

Nếu như trước đây, mô hình khai hoang của vùng biển Kim Sơn là quai đê-cói-lúa thì bây giờ là quai đê-nuôi trồng thuỷ sản. Kinh tế biển Ninh Bình gồm hai yếu tố hợp thành là nuôi trồng và khai thác. Nói đến nghề khai thác hải sản, kỹ sư Trần Đức Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình cho biết, khai thác hải sản trên biển vốn là nghề truyền thống của tỉnh. Thời bao cấp, HTX ngư nghiệp Hải Tiến từng là lá cờ đầu của ngành khai thác hải sản.

Nhưng bây giờ, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất 1 đôi tàu đánh bắt xa bờ và 114 tàu đánh bắt gần bờ với công suất từ 40-60 CV, nằm rải rác khắp các xã và hoàn toàn không có đội ngũ khai thác chuyên nghiệp. Việc khai thác chủ yếu của những hộ có phương tiện được đan xen với nuôi trồng và SX nông nghiệp.

Hằng năm, sóng yên biển lặng hay ngư trường dồi dào thì ra khơi, còn ngược lại thì quay về neo thuyền, ra bãi nuôi trồng hoặc làm ruộng. Sản lượng khai thác hằng năm cả ở vùng nước mặn lẫn vùng nước lợ chỉ đạt trên dưới 3.000 tấn hải sản. Lý do khiến người dân bỏ biển hay chỉ bám biển cầm chừng thì nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là dân nghèo, thiếu vốn nên không có điều kiện đầu tư sắm phương tiện lớn, hiện đại.

Những ngư trường gần bờ thì ngày càng cạn kiệt nguồn hải sản. Hơn thế nữa, khai thác là nghề đầy rủi ro nhưng lợi nhuận lại không cao như nhiều nghề khác. Vì vậy không ít chủ tàu sau một thời gian đi biển, tích luỹ được ít nhiều là bỏ nghề khai thác, đầu tư SXKD những ngành nghề khác có lãi cao mà ít rủi ro hơn.

Nhưng nếu như nghề khai thác của Ninh Bình hiện vẫn đang thiếu và yếu, thì trái lại, nghề NTTS ven biển lại có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Với khoảng 4.000 ha mặt nước tiềm năng ven biển (bao gồm vùng bãi ngang 2.000 ha và vùng cồn nổi 2.000 ha), Ninh Bình đã tận dụng được thế mạnh đó và có những chính sách thích hợp để phát triển nghề NTTS.

Những thành quả trên dẫu còn rất khiêm tốn so với những tỉnh liền kề như Thanh Hoá, Nam Định, nhưng vẫn rất đáng được ghi nhận, bởi Ninh Bình vẫn là một tỉnh nghèo.

Nếu năm 2007, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ven biển của Ninh Bình mới đạt 2.450 tấn (tôm sú 1.050 tấn, cua biển 1.000 tấn, tôm rảo 280 tấn và ngao 120 tấn), thì chỉ 4 năm sau, năm 2011, với diện tích 1.937 ha nuôi trồng tại các bãi ngang, 800 ha tại cồn nổi, tổng sản lượng thuỷ sản đã đạt tới 10.094 tấn, riêng ngao đạt khoảng 8.000 tấn. Ngao ở đây ngon có tiếng, được thị trường rất ưa chuộng.

Ninh Bình cũng đã chủ động được một phần giống cho nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Cụ thể năm 2011 đã SX được 80 vạn cua bột giống, 40 vạn cá bống bớp giống và 41,5 triệu ngao bột. Những số liệu trên tuy vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu nuôi trồng của tỉnh, nhưng điều quan trọng là chủ nhân của những trại giống đã làm chủ được quy trình và kỹ thuật SX giống, để có thể đầu tư phát triển cơ sở của mình vững chắc hơn cho những năm sau...

Năm 2012 này, mục tiêu của Ninh Bình là phấn đấu NTTS ven biển trên diện tích 2.550 ha, với sản lượng đạt 10.850 tấn và sản lượng khai thác thuỷ sản (cả khai thác trên biển và khai thác nội địa) đạt 4.500 tấn. Để đạt được những mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp rất thiết thực trong các lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, NTTS, khuyến ngư, đào tạo và chuyển giao công nghệ...

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất