| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: "Sơ tán" gia súc

Thứ Sáu 27/03/2015 , 06:13 (GMT+7)

Nắng hạn kéo dài trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận khiến nguồn thức ăn tự nhiên cho gia súc ngày càng khan hiếm. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng cỏ và di chuyển đàn gia súc đến nơi an toàn.

Đang chăn cừu trên cánh đồng bị bỏ hoang từ năm ngoái đến nay, ông Kiều Ngọc Khải, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam thở dài ngao ngán: “Ruộng đồng không có giọt nước làm sao cỏ mọc. Thả cừu khắp cánh đồng để nó kiếm được gì thì ăn, chứ còn cỏ đâu.

 Chăn từ sáng tới chiều nhưng đàn cừu vẫn đói. May mà gia đình chủ động trồng 1,5 sào cỏ voi cắt cho chúng ăn thêm nên đàn cừu cầm cự qua đợt này”.

Ông Khải còn cho biết, ngoài việc chăn nuôi đàn cừu 15 con, gia đình ông còn nuôi thêm 7 con bò. Mỗi ngày lượng thức ăn cho chúng là rất lớn, vì vậy nếu không trồng cỏ thì gia súc sẽ chết đói.

Gia đình ông Đạt Trung Thành, người cùng thôn cũng trồng 3 sào cỏ để nuôi đàn cừu 30 con và 5 con bò. Ông Thành cho biết, cỏ voi rất dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn khoảng 2 tháng, tái sinh nhanh.

Hơn nữa chu kỳ kinh tế của cỏ voi là từ 3 - 4 năm, nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng cao trong nhiều năm liền. Thời tiết dự báo còn nắng hạn kéo dài, nếu không chủ động nguồn thức ăn thì chăn nuôi khó mà vượt qua.

Ông Thiên Sanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết, toàn xã có 25.000 con gia súc, trong đó hơn 18.000 dê, cừu. Nhờ lường trước những khó khăn có thể xảy ra do hạn hán kéo dài, người chăn nuôi đã chủ động tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ làm thức ăn cho gia súc.

09-26-51_ong-kieu-ngoc-khi-x-phuoc-nm-trong-co-de-chu-dong-thuc-n-cho-gi-suc
Ông Kiều Ngọc Khải, xã Phước Nam trồng cỏ để chủ động thức ăn cho gia súc

Theo ông Phan Quang Thựu, toàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 250.000 con gia súc gồm dê, cừu, trâu, bò. Nhận thức của người dân trong việc ứng phó hạn hán để bảo vệ đàn gia súc được nâng cao hơn.
Ngoài những chính sách hỗ trợ của chính quyền, thì người dân đã tự đào ao chủ động nguồn nước uống, tích trữ rơm rạ, trồng cỏ làm thức ăn, tiêm phòng đầy đủ. Vì vậy đến thời điểm này vẫn chưa có thiệt hại lớn.

Họ còn chuyển diện tích lúa ở vùng không chủ động nước tưới sang trồng ngô, cỏ, đậu, rau màu…

Tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, ông Văn Thanh Trúc, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, để đối phó hạn hán kéo dài, địa phương đã vận động người dân trồng thêm 25 ha cỏ và 24 ha màu để bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc.

Xã khuyến cáo các hộ chăn nuôi quy mô lớn di chuyển đàn gia súc tại 3 điểm chủ động nguồn nước uống như khu vực hồ Bầu Zôn, Mu Lâm và tràn Mương Sa.

Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, hiện tình hình hạn hán rất gay gắt. Một số địa phương đã phải di chuyển đàn gia súc đến nơi có chủ động nguồn thức ăn và nước uống.

Tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái các chủ trang trại đã di chuyển đàn gia súc xuống quanh khu vực hồ Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) và dọc các tuyến kênh Bắc nơi còn nguồn nước và thức ăn; xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) cũng đã di chuyển đàn dê, cừu xuống khu vực sông Lưu và dọc tuyến kênh Nam.

"Để đảm bảo đàn gia súc trong mùa khô hạn, ngoài việc tuyên truyền người dân tích trữ rơm rạ làm thức ăn, Sở NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm KN-KN tập huấn hướng dẫn cho người dân cách chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp.

Chi cục Thú y đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc; tiến hành tiêu độc khử trùng đảm bảo môi trường và phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ...", ông Thựu cho hay.

“Trong thời gian tới nguồn thức ăn và nước uống sẽ rất căng thẳng nếu trời tiếp tục khô hạn. Do vậy UBND tỉnh chỉ đạo địa phương nào nếu thiếu nguồn thức ăn và nước uống thì phải di dời đàn gia súc đến các vùng có thể chủ động hơn”, ông Thựu nói.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất