| Hotline: 0983.970.780

Nợ công đang là nguồn tham nhũng, lãng phí ghê gớm

Thứ Ba 30/05/2017 , 19:43 (GMT+7)

 Nợ công đáng ra là nguồn lực tăng trưởng, phát triển đất nước nhưng nợ công cũng đang là nguồn tham nhũng, lãng phí...

Theo ghi nhận của PV NNVN, chiều 30/5, cho ý kiến vào dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi) nhiều ĐBQH có chung nhận định, nợ công đáng ra là nguồn lực tăng trưởng, phát triển đất nước nhưng nợ công cũng đang là nguồn tham nhũng, lãng phí ghê gớm để lại gánh nặng cho thế hệ sau.
 

Không thể “phủi tay” nợ của DNNN

Các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa và Trần Hoàng Ngân đều lên tiếng về thực trạng nợ công hiện nay cho thấy khe hở của luật hiện hành, kiến nghị thiết kế sát thực tế nhằm quản lý xã hội đạt được mục tiêu đề ra.

18-55-36_db-truong-trong-nghi
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay, luật đang không có tác dụng tích cực. Nợ công đáng ra là nguồn lực tăng trưởng, phát triển đất nước nhưng rõ ràng nợ công hiện nay đang là nguồn tham nhũng, lãng phí ghê gớm để lại gánh nặng cho thế hệ sau.

Theo ông Nghĩa, chỉ tính riêng nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ bảo lãnh giai đoạn 2011-2015 là 381.000 tỷ trong vay ODA. Năm 2016 nợ DNNN hơn 300 tỷ USD bằng 158% GDP và nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN sau khi trừ phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp thì tổng số nợ năm 2016 đã là 431 tỷ USD (bằng 210% GDP). Ông Nghĩa cho rằng nếu “gạt” nợ DNNN ra khỏi nợ công thì cần phải xem lại vì khoản nợ đó rất lớn. Do đó, dù không gộp vào nợ công nhưng cũng phải đưa vào báo cáo nợ công chứ không thể “phủi tay” nợ của DNNN vậy được.

Vẫn theo ĐB Nghĩa, báo cáo của Chính phủ còn xem nhẹ yếu tố tham nhũng, lãng phí lớn ở Nhà nước. Nhà nước nợ công tăng cao nhưng không thấy báo cáo nêu sâu sát chỗ này. Vì thế khi thiết kế luật chúng ta không khắc phục được yếu kém tồn tại trên.

Đồng tình quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, nợ công phải được công khai minh bạch, cập nhật chính xác liên tục để theo dõi giám sát. Thực tế nợ công tăng rất nhanh và áp lực trả nợ rất lớn. 6 năm qua mỗi năm nợ công tăng 300.000 tỷ đồng.

Góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật, ĐB Ngân lưu ý, tại Chương 5 mục quản lý cho vay lại đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần thiết kế theo hướng chặt chẽ, thậm chí phải cao hơn điều kiện bình thường nhưng dự thảo lại dễ dãi quá. Tại Điều 52 đến Điều 56, ĐB Ngân đề nghị hạn chế mức vay của chính quyền địa phương ở các đơn vị sử dụng vốn Trung ương cấp bổ sung.
 

Quản lý nợ công đừng để lắm chìa, nhiều khóa

Cũng về vấn đề này, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) mở đầu phát biểu của mình đã gói gọn trong một câu: “Nợ công nếu tính đủ là nhiều lắm rồi”. Theo ĐB Kim sau khi đọc báo cáo thì thấy có một số thứ chưa đưa vào nợ công và quan điểm về nợ công của nước ta cũng khác.

18-55-36_db-vu-trong-kim
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương)

Một là, sửa Luật này để DNNN tự vay và tự trả. Cái này khó vì trong DNNN có phần vốn của Nhà nước. Do đó tự vay, tự trả là không có lý. Nếu DNNN tự vay mà không trả được thì theo luật phá sản phải phá sản. Như thế sẽ mất niềm tin đối với các quốc gia cho mình vay.

Hai là phát hành trái phiếu. Mấy năm rồi làm như thế cũng phát sinh nợ vì sau này cũng phải nai lưng ra trả. Ba là cấp bù ngân hàng bằng việc Nhà nước ôm một khoản nợ của ngân hàng chính sách. Bốn là nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, những đơn vị được hưởng, Nhà nước phải đứng ra trả. Năm là nợ của UBND các địa phương. Bây giờ phát hành trái phiếu hay vay mượn đâu cũng là nợ.

Do đó xem lại Điều 5 của dự thảo Luật, ĐB Vũ Trọng Kim đề nghị phải làm rõ những khoản vay nào gọi là nợ công và nói rõ trách nhiệm. Chứ Chính phủ thống nhất quản lý nợ công nhưng lại phân ra các bộ, mỗi bộ một phần việc là sẽ khó quy trách nhiệm. Lần này phải thống nhất cho được và phân công rõ ràng chỗ đó.

Trong dự luật có nói Bộ KH - ĐT lo vốn ODA, Bộ Tài chính lo đề xuất vay và quản lý nợ công; NHNN thì đề xuất quy định liên quan đến quốc tế.

Từ quy định trên, ĐB Vũ Trọng Kim nêu câu hỏi, tại sao không quy về một mối? Đã đến lúc chín muồi rồi, Bộ KH- ĐT và Bộ Tài chính phải là một. Tại sao lại phải để nhiều khóa, nhiều chìa thế này? Ở cấp tỉnh đã rục rịch làm thì Trung ương cũng cần phải tính, riêng khoản nợ công là phải tính ngay chứ đừng để lắm chìa, nhiều khóa như thế nữa.

ĐBQH bán tín bán nghi về số liệu nợ công

ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) phát biểu, hiện có nhiều số liệu nợ công khác nhau. Theo báo chí thì tính đúng, tính đủ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh thì nợ công có thể đạt 100% GDP. Chính chúng tôi cũng bán tín bán nghi về số liệu này. Công khai minh bạch không có nghĩa là tính đúng, tính đủ. Số liệu đó dư luận cũng đang đặt câu hỏi hoài nghi.

Cứ đà này mà nhấp nhấp vô rồi nuốt không nổi đâu

Nhắc đến vốn vay ODA, ĐB Vũ Trọng Kim lưu ý phải coi chừng. Vì nước ngoài hối thúc giải ngân, mình lại mong muốn nhiều nhiều hơn nữa. Cứ đà này mà nhấp nhấp vô rồi nuốt không nổi đâu. Bài học ODA Trung Quốc cứ đồng ý rồi sau đó lại phải nhập vật tư, nhân lực, đấu thầu của họ. Từ chỗ đồng ODA được ưu đãi nhưng không còn ưu đãi chút nào nữa. Để rồi thấy hiệu quả vốn vay nó thấp. Đây là điều cảnh báo nếu không sẽ rất khó khăn, chúng ta phải cảnh giác.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.