| Hotline: 0983.970.780

Nợ công trình xấp xỉ thu ngân sách

Thứ Hai 11/03/2013 , 10:15 (GMT+7)

Tỉnh Hậu Giang năm 2012, thu ngân sách trên địa bàn được hơn 765 tỷ đồng, chi hơn 5.700 tỷ đồng, chủ yếu từ trợ cấp của Trung ương và vay mượn. Giữa tháng 12/2012, chỉ thống kê sơ bộ một số “công trình trọng điểm của tỉnh”, nợ khối lượng đã thực hiện 645 tỷ đồng.

Tỉnh Hậu Giang năm 2012, thu ngân sách trên địa bàn được hơn 765 tỷ đồng, chi hơn 5.700 tỷ đồng, chủ yếu từ trợ cấp của Trung ương và vay mượn. Giữa tháng 12/2012, chỉ thống kê sơ bộ một số “công trình trọng điểm của tỉnh”, nợ khối lượng đã thực hiện 645 tỷ đồng.

Nợ công trình đã khánh thành

Sáng 19/5/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành đường nối TP Vị Thanh (tỉnh lỵ Hậu Giang) với TP Cần Thơ. Đây là con đường thứ hai nối trung tâm tỉnh Hậu Giang với trung tâm TP Cần Thơ, dài 47 km, ngắn hơn con đường thứ nhất 15 km, đi qua “vùng sâu vùng xa” nhằm khơi dậy tiềm năng những địa danh nổi tiếng Cái Răng, Phong Điền, Vị Thủy, Vị Thanh. Con đường hoàn thành giai đoạn 1, sau 4 năm thi công. Phần đường nằm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dài 37 km, đến nay còn nợ 189 tỷ đồng.

Trước nữa, ngày 1/9/2011, khu hành chính tỉnh Hậu Giang rộng gần 30 ha, gồm trụ sở UBND tỉnh và 23 sở, ngành được khánh thành. Đây là khu hành chính xây dựng mới, sau ngày thành lập tỉnh Hậu Giang 1/1/2004 (tách từ tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ). Đến cuối năm 2012 này, công trình đang nợ 18 tỷ đồng. Dự án hạ tầng kỹ thuật khu hành chính Tỉnh uỷ, các Ban đảng và khối đoàn thể tỉnh Hậu Giang cũng đã hoàn thành nhưng còn nợ 2 tỷ đồng.


Khu hành chính tỉnh Hậu Giang khánh thành ngày 1/9/2011, nay còn nợ 18 tỷ đồng

Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng ngân sách còn nợ hơn 47% khối lượng thi công. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngã Bảy cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng ngân sách còn nợ xấp xỉ 40% khối lượng thi công.

Nợ công trình cấp bách

Tỉnh Hậu Giang có thế mạnh nông nghiệp, trước tình hình biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, đang bị lũ lụt và nước mặn uy hiếp nghiêm trọng. Mấy năm gần đây, vùng chuyên canh mía hơn 14.000 ha ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ thường bị thiệt hại lớn do nước lụt. Bên cạnh, nước mặn ngày càng vào sâu trong đất liền, có năm đã tới TP Vị Thanh, khiến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các công trình nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu đã trở thành nhu cầu cấp bách, trong đó hàng đầu là hệ thống kè sông, đê bao. Tỉnh Hậu Giang có nhiều sáng tạo huy động các nguồn lực để xây dựng, tuy nhiên cũng nợ lớn.

Bờ kè chống sạt lở kênh xáng Xà No giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện 762 tỷ đồng, ngân sách còn nợ 38 tỷ. Hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh nợ lớn hơn, đến 78 tỷ đồng (26% khối lượng đã thực hiện). Dự án gồm mấy chục km đê bao kết hợp đường giao thông với nhiều cầu, cống dọc theo các con sông để bảo vệ hàng loạt khu dân cư và một vùng rộng lớn đất nông nghiệp. Tổng mức đầu tư 689 tỷ đồng, đã thực hiện 300 tỷ đồng và ngân sách mới thanh toán 222 tỷ.

Hậu Giang triển khai 26 tuyến đường ô tô về trung tâm các xã chưa có đường ô tô. Đây là những công trình cấp bách đáp ứng sự chờ đợi từ lâu của người dân, tổng vốn đầu tư 1.091 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Hiện đã có 10 tuyến đưa vào sử dụng, những tuyến còn lại dở dang vừa nợ vừa thiếu vốn. Trong đó, có 4 tuyến dự kiến hoàn thành năm 2015, nay đang được đề nghị phải giãn tiến độ.

Bệnh viện, trường học càng nợ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang 500 giường, bệnh viện cấp tỉnh đầu tiên của Hậu Giang, xây mới hoàn toàn và được tập trung nhiều nỗ lực để hoàn thành, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đến nay, Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Tiến độ thực hiện dự án rất chậm, các gói thầu ảnh hưởng chồng chéo lẫn nhau”. Hiện mới thực hiện được khoảng 50% khối lượng nhưng đơn vị thi công cũng đang bị nợ 79 tỷ đồng.

Hàng loạt bệnh viện đa khoa cấp huyện, tiến độ cũng rất chậm và bị nợ lớn. Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành A, hoàn thành 71% và đang bị nợ 56% khối lượng thi công. Bệnh viện đa khoa huyện Long Mỹ mới thực hiện được 23% khối lượng. Bệnh viện đa khoa huyện Phụng Hiệp và Bệnh viện đa khoa TP Vị Thanh, thực hiện được một vài gói thầu nhỏ, nay đang phải dừng thi công.

Dự án Trường cao đẳng cộng đồng tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư 332 tỷ đồng. Đến nay, việc xây lắp đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn các gói thầu trang thiết bị phục vụ giảng dạy, làm việc. Thi công đang bị nợ hơn 10% khối lượng.

Nợ còn kéo dài

Giải thích lý do nợ nần, GĐ Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang Trần Minh Hoàng nói “tiền có bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Ông Hoàng cho biết, thu nội địa ngân sách năm 2012 của Hậu Giang chỉ đạt 90,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Nhiều nguồn thu đạt thấp: Thu từ DNNN trung ương chỉ đạt 93%, DNNN địa phương gần 75%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh gần 83%.

Trong khi thu ngân sách không đạt kế hoạch thì tình trạng nợ từ các năm trước chuyển sang lại khá lớn. GĐ Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang Võ Tá Thắng cho biết: “Nguyên tắc bố trí vốn, thứ tự ưu tiên là trả nợ vay, hoàn đủ vốn đối ứng, thanh toán khối lượng nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 31/12/2011 trở về trước, rồi mới thanh toán khối lượng các công trình hoàn thành trong năm 2012”.

Năm 2012, chỉ riêng khoản vay kho bạc nhà nước và ngân hàng, theo GĐ Sở Tài chính Nguyễn Minh Hoàng, bằng 43% thu ngân sách nội địa. Còn tạm ứng vốn trái phiếu Chính phủ cũng trong năm 2012, theo GĐ Sở KH-ĐT Võ Tá Thông, xấp xỉ thu ngân sách nội địa. Những khoản vay và tạm ứng này sẽ phải trả trong năm 2013 và theo Sở KH-ĐT, kế hoạch bố trí vốn năm 2013 chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu đầu tư, nên sẽ phải giãn tiến độ nhiều “công trình trọng điểm của tỉnh”. Theo đó, tình trạng ngân sách nợ các công trình xây dựng sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm