| Hotline: 0983.970.780

Nợ đọng thuế, nợ công, bội chi ngân sách và tiêu cực trong ngành thuế

Thứ Năm 16/11/2017 , 20:04 (GMT+7)

Ngày 16/11, Quốc hội khai mạc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của các ĐBQH về những giải pháp tăng thu, giảm chi và giảm gánh nặng nợ công đã vượt ngưỡng…

Tự tin kiểm soát nợ công

Chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi vấn đề nợ công đã và đang là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước, bởi lẽ, tình hình nợ công hiện nay đã sát trần cho phép là hơn 60% của tổng GDP thì rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như việc tỷ lệ thuế, phí/GDP giảm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Chính phủ vẫn thực hiện việc đàm phán, ký kết khoản vay mới, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào trong việc kiểm soát các việc chi tiêu nợ công trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết giải pháp cho các rủi ro này?

18-00-44_dinh_tien_dung
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của các ĐBQH

Cùng quan tâm đến nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết trong những năm gần đây khoản nợ gốc và lãi vay mà chúng ta phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100.000 tỷ, đến năm 2017 lên đến 250.000 tỷ đồng. ĐB Ngân đề nghị Bộ trưởng đưa giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư cho phát triển?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngoài việc Quốc hội đang hoàn thiện Luật Đầu tư công (sửa đổi) để thắt chặt quản lý nợ công thì Bộ Tài chính cũng đang thực hiện lộ trình cắt giảm bội chi hướng tới năm 2020 sẽ giảm bội chi xuống còn 3,4%.

“Kiểm soát được bội chi cực kỳ quan trọng để gia tăng kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, cũng như kiểm soát trần nợ công, trong đó có giải pháp tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Ông cho biết thêm, năm ngoái gần như cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp. Việc giải ngân vốn ODA, hiện nay cũng trong giới hạn Quốc hội đã thông qua 300.000 tỷ cho cả giai đoạn và dự toán năm 2018 vẫn đang nằm trong kế hoạch.

Về áp lực trả nợ lớn, Bộ trưởng thừa nhận tuy nhiên ông tự tin có thể kiểm soát bằng giải pháp tái cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ. Nếu như năm 2011 kỳ hạn phát hành là 3,9 năm thì đến 2016 kỳ hạn phát hành trái phiếu là 5 năm trở lên và 10 tháng đầu năm nay kỳ hạn phát hành trong nước là 12,57 năm. Lãi suất hướng giảm dần. Nếu năm 2011 chúng ta phát hành là 12,01%/năm lãi suất thì đến 2016 còn 6,48%/năm, giảm còn một nửa. Như vậy, có thể nói chúng ta cơ cấu lại trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước đến thời điểm này là gần 61% trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài còn trên 39%.
 

Nợ thuế 73 ngàn tỉ, một phần tiêu cực trong ngành thuế?

Trong khi điều kiện ngân sách eo hẹp nhưng báo cáo của Chính phủ lại cho thấy tiền thuế bị nợ đọng lên tới 73.000 tỉ đồng. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân gây nợ đọng thuế và đề nghị có giải pháp khắc phục?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận số nợ thuế hiện nay còn 73.930 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó có tới 18.061 tỉ là tiền phạt chậm nộp thuế và 27.648 tỉ là nợ thuế có khả năng thu trong vòng 90 ngày. Tiền nợ thuế khó thu do người chết, doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn… khoảng 28.221 tỉ. Như vậy, gộp số thuế phạt chậm nộp và thuế khó thu chiếm khoảng trên 62%. Hiện cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục phân loại, theo dõi và đôn đốc các đối tượng nợ thuế.

Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Phạm Văn Hòa  (Đồng Tháp) cho rằng việc nợ thuế, trốn thuế một phần là do những tồn tại trong ngành thuế. Thậm chí, có sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại. Việc kê khai khoản nộp thuế cũng chưa rõ ràng, minh bạch để có lợi cho người nộp và có thể cũng có thuận lợi cho cán bộ thuế, gây thất thu ngân sách, không công bằng giữa các doanh nghiệp, làm triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh mà thay vào đó là cạnh tranh nhau một cách tiêu cực thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cán bộ thuế, gây so bì trong cộng đồng doanh nghiệp.

“Thí dụ như công ty Grab taxi vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động báo lỗ là 938 tỷ đồng, báo lỗ cũng có thể là trốn thuế", ĐB Hòa dẫn chứng.

Không phủ nhận việc có tiêu cực trong ngành thuế và có trường hợp thông đồng giữa cán bộ thuế với các hộ kinh doanh để hạ mức khoán ăn chia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực thi công vụ của cấp dưới và trong quá trình đó rất nhiều các cơ sở kinh doanh phải tăng mức khoán và được điều chỉnh trong năm cũng như điều chỉnh cho năm sau.

Bộ Tài chính cũng xây dựng quy trình về thuế khoán, thành lập hội đồng thuế ở cấp xã, phường do Chủ tịch UBND xã, phường làm Chủ tịch hội đồng, đưa các lực lượng thuế, tài chính, công an vào Hội đồng và quy định mức khoán từng hộ sẽ được đăng công khai trên trang web của cơ quan thuế để toàn dân giám sát.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Chính phủ không xin tăng trần nợ công

18-00-44_vuong_dinh_hue

Trần nợ công chỉ là 1 yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và phần vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm.

Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì Đề án cơ cấu lại thu, chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Chúng tôi cho rằng đây là 1 văn kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên Bộ Chính trị có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn với mục tiêu bảo đảm cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia đối với các chỉ tiêu cụ thể là: tỷ lệ huy động vào ngân sách phấn đấu khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu của giai đoạn này khoảng 1,65 lần so với giai đoạn trước.

Cơ cấu lại các khoản thu về ngân sách, trong đó giảm thu từ dầu thô xuất nhập khẩu và tăng thu nội địa. Chi ngân sách phải giữ trong mức 24 - 25% GDP, trong đó phấn đấu chi đầu tư phát triển khoảng 24 - 25%, chi thường xuyên dưới 64%. Giảm dần bội chi đến năm 2020 còn khoảng 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.

Chúng ta cũng phải từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Báo cáo Quốc hội, tín hiệu cũng rất đáng mừng, trước đây gần 70% chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách, năm 2017 chúng ta đã rút xuống được 64,9%, theo dự toán năm 2018 xuống còn 64,1%, tới đây còn tiếp tục giảm xuống dưới 64%. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công và trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công sẽ xem xét để quyết định trong nhiệm kỳ này.

NAM PHƯƠNG

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Nguyên nhân giảm hiệu quả đầu tư công và giải pháp

18-00-44_nguyen_chi_dung

Các dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế, vượt lên rất nhiều so với tính toán mà chúng ta chưa có các biện pháp kiểm soát được. Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan phải xây dựng các định mức để tính toán làm cơ sở để xây dựng tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư có một tổng mức đầu tư hợp lý.

Nguyên nhân nữa dẫn đến hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao, đó là thời gian triển khai đầu tư. Triển khai đầu tư hiện nay phải thực hiện nhiều các thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, tất cả các cái đó làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí lại phải dừng, hoãn. Những vấn đề này lớn liên quan ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công vừa qua.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp rà soát lại toàn bộ bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, nhưng giải quyết được vấn đề thủ tục thật thuận lợi, thật nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, trong đó có Nghị định 136.

N.PHƯƠNG

 

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.