| Hotline: 0983.970.780

Nợ gạo, nợ thịt, quỵt cả tiền công

Thứ Sáu 09/07/2010 , 12:59 (GMT+7)

Từng lạng thịt, cân gạo, mớ rau... mà các đơn vị của Vinashin “ăn nợ” của nông dân buôn thúng bán mẹt ở xã Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) tới nay vẫn “chây ỳ” chưa chịu trả.

Chủ hàng thịt Tuyết Lịch (thôn Quyết Tân, xã Lai Vu) bên đống sổ ghi nợ mà các đơn vị của Vinashin để lại

Thật khó tin nổi, một tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin, với tài sản vốn liếng hàng trăm nghìn tỉ đồng nhưng đến từng lạng thịt, cân gạo, mớ rau... mà các đơn vị của tập đoàn này “ăn nợ” của nông dân buôn thúng bán mẹt ở xã Lai Vu từ những ngày đầu xây dựng KCN Tàu thủy Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) tới nay vẫn “chây ỳ” chưa chịu trả. 

>> Vỡ mộng đóng tàu trên núi
>> Tổng giám đốc Vinashin: Sau ba năm sẽ hồi phục!
>> ''Dư chấn'' Vinashin

I. Về Lai Vu những ngày này, tới đâu người ta cũng nháo nhác bàn tán về cái tin KCN Tàu thủy Lai Vu sắp được chuyển về tay chủ mới. Có điều, mối quan tâm của những nông dân mất ruộng ở Lai Vu không phải là chuyện Vinashin tái cơ cấu thế nào, mà là bao giờ những người làm công cho “ông Vinashin” trả cho họ tiền nợ thịt cá, rau cỏ, công cán...

Buổi trưa Lai Vu mất điện, nóng như chảo lửa! Bà chủ hàng gạo Hiền Đấu (đội 5, thôn Hợp Nhất) mồ hôi nhễ nhại, lễ mễ bê cái tráp tìm lại mấy quyển sổ nhàu nhĩ ghi những món nợ tiền gạo “khó đòi” mà chị đã nhét vào tủ từ 2-3 năm nay.

Chị Hiền như mếu kể lại: Khoảng đầu năm 2008, mấy sào ruộng đã bị thu hồi san làm KCN tàu thủy hết cả, chẳng biết làm gì nên vợ chồng chị vay tiền xoay sang làm nghề hàng xáo, bán gạo cho công nhân xây dựng NM Tàu thủy trong KCN Lai Vu. Những tổ thợ xây của cánh ông Kiến, ông Dậu...quê tận Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Hòa Bình...xuống Lai Vu phụ vữa, xây tường bao, và cả thợ lắp ráp mấy cái khung sắt nằm chỏng chơ ở khu NM Tàu thủy bây giờ ăn khỏe như voi, chỉ vài ngày đã hết cả tải gạo năm chục cân. Ban đầu họ cũng trả tiền sòng phẳng, nhưng chỉ được ít bữa, đã thấy anh cấp dưỡng tên Cừ quê mãi Kim Bôi (Hòa Bình) thất thểu ra xin mua gạo nợ. Cừ bảo do “sếp” chưa thanh toán tiền công nên anh em đứt bữa.

Nghĩ họ cũng như chồng mình đi làm xa hết tiền nên chị Hiền đành liều cho anh ta vác gạo về.  Để cho chắc ăn, chị còn ghi cả số chứng minh thư, rồi quê quán của anh Cừ hẳn hoi. Nhưng hoàn cảnh của cánh công nhân thì ngày càng bi đát. Đến khi số tiền nợ gạo lên tới 2- 3 triệu đồng, chị Hiền không dám bán nữa. Ra tận công trường xây dựng khu NM Tàu thủy năm lần bảy lượt đòi tiền gạo, lần nào chị cũng nghe công nhân nói “sếp” chưa trả tiền công nên đành “bó tay”.

Không lâu sau, khi NM Tàu thủy đang dở dang thì công nhân cứ “bí mật” rút đi dần. Cực chẳng đã, có lần chị Hiền phải lặn lội lên tận nhà anh cấp dưỡng tên Cừ tận Kim Bôi (Hòa Bình) đòi nợ. Nhưng bi đát thay, anh này lại mếu máo mà rằng: Nhà em đấy, có gì lấy được thì chị cứ lấy, chứ tiền công của em bây họ vẫn còn nợ...Thế là đành chịu mất. Chị Hiền bảo, mất như vậy là còn ít, chứ ở Lai Vu này còn khối bà hàng thịt, hàng gạo như cánh bà Tuyết Lịch, bà Lan Tiệm...bị cánh công nhân làm cho “ông Vinashin” cù nhầy tiền nợ tới hàng chục triệu. Nghe đâu ở chợ Tiền Trung bên kia cầu Lai Vu (xã Ái Quốc, TP Hải Dương) có bà hàng thịt tên Bảy còn bị xù nợ tới hơn 200 triệu đồng.

Theo lời chị Hiền, tôi tới gặp chị hàng thịt Tuyết Lịch (đội 1, thôn Quyết Tân). Sau một hồi cộng sổ, chị Lịch kê ra số tiền mà công nhân xây dựng NM Tàu thủy “ăn nợ” thịt lợn bây giờ vẫn chưa trả tới 4- 5 triệu đồng. “Công nhân họ có tiền là họ trả ngay, chỉ vì họ bảo do Cty chưa trả lương nên họ mới phải khất lần mãi” – chị Tuyết than thở.

Chị Tuyết kể tội thêm rằng, cánh công nhân xây dựng NM Tàu thủy không có lương nên “cù nhầy” tiền thịt còn được, chứ từ đầu năm ngoái tới nay, đến cả Cty CP Cơ khí Chính xác Vinashin (một trong 3 đơn vị ít ỏi của Vinashin đang hoạt động trong KCN Tàu thủy Lai Vu) cũng chầy bửa của nhà chị tới 7 triệu đồng tiền thịt lợn. Khổ nỗi nhóm cấp dưỡng ở Cty này vốn là người trong xã nên chẳng dám nặng lời với họ. “Chẳng biết cái Cty ấy làm ăn thế nào. Nhưng tôi đòi tiền nhà bếp thì nhà bếp bảo cấp trên không có tiền trả cho họ. Bây giờ tôi chẳng biết đòi ai, cứ nắm đầu mấy bà nhà bếp mua thịt của tôi là được” – bà Tuyết dấm dẳng. 

II. Mấy ngày ở Lai Vu, biết có PV tìm hiểu tiền nợ thịt nợ gạo của Vinashin, cánh thợ xây, thợ đào đất ở đây cũng tìm đến thi nhau nhờ PV đòi nợ. Đánh chiếc xe đạp cà tàng tới tìm tôi, anh Bùi Văn Nguyệt (đội 3, thôn Hợp Nhất) khổ sở kể: Năm 2007, không còn ruộng nữa nên tôi sắm xe công nông ra chở vật liệu cho Cty CP Đầu tư và xây dựng Vinashin 3 đang thi công xây dựng cho NM SX Container trong KCN Tàu thủy Lai Vu bây giờ. Ngày công kèm cả xe công nông chỉ 60 nghìn/ngày. Tới khoảng tháng 7/2007, nghe Cty bảo phải thi công nhanh để đón lãnh đạo nào đó về thăm nên nhờ anh Nguyệt  về làng mướn thêm người ra phụ vữa, bốc vác vật liệu, làm vệ sinh…cho kịp tiến độ, với tiền công chỉ có 40 nghìn/ngày. Xong công trình, Cty chỉ trả được một phần, còn lại hơn 24 triệu đồng Cty vẫn còn nợ suốt 4 năm nay. Không có tiền, anh Nguyệt đành phải lấy cả số tiền 8 triệu đồng vay từ dự án phát triển chăn nuôi để trả cho hàng xóm.

Cùng cảnh ngộ như anh Nguyệt, “cai làng” Bùi Duy Đác (đội 2, thôn Quyết Tâm) chủ trì tổ thợ chuyên lắp cống thoát nước cho Cty Đầu tư xây dựng Vinashin 3 hiện cũng đang bị Cty này “xù” mất hơn 8 triệu đồng. Anh Đác dở khóc dở cười kể: “Anh em đòi tiền công gắt quá, tôi phải đánh đường đi xe bus lặn lội lên tận Cty này ở Định Công, Hà Nội (hiện nay đã chuyển về Phố Vọng) đòi nợ. Nhưng lần nào họ cũng chỉ bảo Cty không có tiền do trên TCty không trả”.

Anh Đác bảo, như vậy kể cũng còn may vì toàn chiêu mộ người trong làng ra KCN Tàu thủy Lai Vu đi làm nên nợ nần họ nể nang nhiều, chứ như cánh ông Thịnh, ông Khương mướn cả người bên tận xã Cộng Hòa, cứ Tết đến người ta lại kéo sang nhà đòi tiền công . Bí quá, ông Thịnh đành phải nói bừa: “Tôi lạy các ông các bà! Đấy là Cty nhà nước, nhà nước họ nợ chứ tui lấy gì ra mà trả bây giờ”.

Nhiều chuyện bi hài cuời ra nước mắt ở khu công nghiệp tàu thuỷ dang dở này: có hộ bỏ cả trăm triệu đồng xây nhà trọ để “đón đầu” đành bỏ hoang 7 năm nay. Toàn bộ KCN trở thành bãi chăn bò lí tưởng nên số lượng trâu bò ở Lai Vu tăng tới 200- 300con, gấp hàng chục lần so với năm 2004. Không còn ruộng, dân Lai Vu phải đổ xô vào chăn nuôi lợn với tổng đàn tăng tới gần 4 lần so với năm 2004.

Tuy nhiên theo ông Bùi Ngọc Lợi, Chủ tịch UBND xã Lai Vu thì hiện dự án xây dựng mương thoát nước quanh xã, đảm bảo vệ sinh thoát nước cho chăn nuôi mới chỉ dừng ở việc...khảo sát suốt 7 năm qua. Điều này đang làm cho môi trường tại Lai Vu ô nhiễm nghiêm trọng, hôi thối quanh năm.

Năm 2004, NNVN từng có loạt bài phản ánh những bức xúc của người dân Lai Vu trong việc GPBM KCN Tàu thủy Lai Vu của Vinashin, dẫn tới việc người dân lên tận TƯ để khiếu kiện. Bảy năm qua, việc khiếu kiện vẫn diễn ra dai dẳng, tốn kém. Những người Lai Vu tham gia khiếu kiện không còn nhớ rõ họ đã lên các cơ quan chức năng ở Hà Nội bao nhiêu lần. Chỉ biết thời điểm thấp nhất  5-6 người,  đông nhất có khoảng 300- 500 người tham gia, với chi phí đi lại từ tiền túi của họ bỏ ra bình quân 3-5 triệu đồng/ngày.

Khi PV NNVN đặt câu hỏi: “Điều gì khiến nông dân Lai Vu chịu mất tiền của, thời gian vào việc khiếu kiện mệt mỏi dai dẳng như vậy? Họ cho biết, nguyện vọng cuối cùng vẫn là Nhà nước thu hồi đất đúng quy trình, giá cả hợp lý và, có quyết định thu hồi đất đúng luật định. Hiện tại, vẫn còn 300 hộ dân, chiếm hơn 50% diện tích đất bị thu hồi cho KCN Tàu thủy Lai Vu vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù đất.

Trong khi đó bảy năm qua, 2/3 diện tích (trong tổng số hơn 200 hecta) của KCN này vẫn bỏ hoang hóa thì đời sống nông dân Lai Vu ngày càng ảm đạm. Sau khi thu hồi đền bù đất, hầu hết lao động của các gia đình bị mất đất đều được cấp giấy bảo đảm được nhận vào làm trong KCN. Tuy nhiên do các dự án trong KCN này đến nay vẫn để cho cỏ mọc um tùm nên lao động địa phương mạnh ai nấy tìm đường đi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất