| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực của ngành và nhận mặt đối tượng

Thứ Hai 10/10/2011 , 15:30 (GMT+7)

Sau khi tiếp thu những thắc mắc của công nhân, lãnh đạo Công ty Cà phê Đăk Đoa đã tìm hiểu lại nguyên nhân, rà soát lại phương án khoán cũng như một số vấn đề mà công nhân thắc mắc...

Trước những thắc mắc trên của một nhóm công nhân thì Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đăk Đoa và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc, tìm hiểu và giải đáp tương đối thấu đáo.

>> Ai đứng sau khiếu kiện tập thể ở Công ty Cà phê Đăk Đoa

PHƯƠNG ÁN KHOÁN MỚI LÀ HỢP LÝ

Sau khi tiếp thu những thắc mắc của công nhân, lãnh đạo Công ty Cà phê Đăk Đoa đã tìm hiểu lại nguyên nhân, rà soát lại phương án khoán cũng như một số vấn đề mà công nhân thắc mắc, đi đến giải đáp từng vấn đề, cụ thể: Phương án khoán do Hội đồng giao khoán Công ty lập, đã được Tổng Công ty phê duyệt dựa trên các chế độ chính sách, quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Đây là phương án khoán kết hợp hài hòa ba lợi ích giữa người lao động, Công ty và Nhà nước, đồng thời đã thực hiện đúng chủ trương của Tổng Công ty về công tác khoán giai đoạn 2011- 2015. Công tác khoán phải đi đôi với quản, thực hiện đầy đủ công tác đầu tư, chăm sóc thông qua các quy trình kỹ thuật; Việc giao khoán ổn định, lâu dài cho người lao động theo chu kỳ kinh doanh của vườn cây; các khoản chi phí sản xuất tính đúng chế độ chính sách, quy định của Nhà nước, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo tồn và phát triển vốn tại doanh nghiệp; tồn tại cũ của vườn cà phê chè đã được Chính phủ khoanh nợ cho Tổng Công ty, không đưa chi phí này vào tính toán trong phương án khoán; một số tài sản gần hết thời gian sử dụng, Công ty phải tiếp tục sửa chữa lớn, tái đầu tư nên vẫn phải tiếp tục khấu hao; Việc người lao động tham gia bàn bạc phương án khoán mới; Công ty đang triển khai phương án khoán đến cán bộ, công nhân và người lao động để mọi người hiểu rõ, tham gia đóng góp những điều vướng mắc trước khi ký kết hợp đồng; việc phòng trừ sâu bệnh là công tác thường xuyên theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo vườn cà phê phát triển bền vững; việc tính 116 triệu đồng/ha cà phê kinh doanh để tính khấu hao vườn cây hàng năm là căn cứ vào suất đầu tư cho 1ha cà phê kinh doanh, đã được Tổng Công ty phê duyệt; việc xác định năng suất giao khoán đã được Công ty xem xét, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của vườn cây, qua 4 năm liền kề thì năng suất bình quân đạt hơn 14 tấn quả tươi/ha, trong khi mức giao khoán là 11,3 tấn/ha, thấp hơn năng suất thực tế; về khoản nợ 18,5 tỷ đồng, đây là vốn vay đầu tư vào vườn cây nên Công ty tính vào là hợp lý…

Để công nhân hiểu rõ hơn về chính sách khoán mới, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai, huyện Đăk Đoa và các ngành liên quan đã vào cuộc. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Tỉnh Gia Lai ngày 24/8/2011 đoàn công tác của tỉnh Gia Lai gồm Sở NNPTNT, Sở Lao động thương binh xã hội, UBND huyện Đắk Đoa đã tiến hành kiểm tra công tác giao khoán vườn cây cho công nhân của C.ty Cà phê Đắk Đoa giai đoạn 2011 – 2015 và có kết luận tóm tắt như sau: Phương án giao – khoán sản xuất vườn cây Cà phê Đắk Đoa giai đoạn 2011- 2015 được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật, vật tư, lao động, tiền lương, các chi phí khác theo chế độ, chính sách của nhà nước quy định.

Phương án giao khoán đã kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích ( Nhà nước, doanh nghiệp, và người lao động). Phương án giao khoán sản xuất cà phê của C.ty Cà phê Đắk Đoa đã triển khai quán triệt thông qua phương án giao khoán theo 5 bước.

Đến nay đã thông qua được 4 bước và đều thống nhất với phương án giao khoán, hiện nay đang tiếp tục thông qua bước thứ 5. Tuy nhiên quá trình thông qua đại đa số công nhân đồng tình phương án giao khoán mới, nhưng hiện vẫn còn một số công nhân chưa hiểu rõ một số nội dung trong phương án khoán nên có ý kiến thắc mắc, hiểu lầm chưa đồng tình cao với phương án khoán, do đó đề nghị Công ty phối hợp với công đoàn tiếp tục triển khai thông qua phương án giao khoán, những nội dung nào người lao động chưa rõ còn thắc mắc phải giải thích cho người lao động hiểu rõ như các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các khoản chi phí đưa vào phương án khoán như nợ ngân hàng… tránh sự hiểu lầm ảnh hưởng đến công tác tổ chức triển khia thực hiện. Tiếp đó, trong các ngày 29, 30- 9 và 1- 10- 2011, đoàn công tác của lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã đến làm việc với đơn vị, tiếp xúc trực tiếp với công nhân và đi đến kết luận:

Tổng Công ty khẳng định phương án khoán sản xuất giai đoạn 2011- 2015 của Công ty Cà phê Đăk Đoa đã căn cứ chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương quy định; đã bám sát nội dung hướng dẫn của Tổng Công ty, phù hợp với tình hình tài chính (vốn, tài sản), lao động của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu được tính toán đầy đủ, phù hợp theo quy định của Nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật đã ban hành, đảm bảo phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Việc triển khai phương án khoán sản xuất cà phê đến người lao động nhằm để quán triệt, tham gia đóng góp vào phương án khoán của Công ty, thể hiện công khai, dân chủ trước khi ký kết hợp đồng.

Công ty Cà phê Đăk Đoa cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai phương án khoán sản xuất cà phê tới người lao động, tổ chức ký hợp đồng giao nhận khoán đến hết ngày 30- 10- 2011. Trong quá trình thực hiện, nếu lao động nào không thực hiện thì tự giác làm đơn không nhận khoán; cần lưu ý những trường hợp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ hợp lý.

Tại Hội nghị về công tác khoán sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011- 2015, do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức ngày 6- 10- 2011 tại Pleiku, ông Phùng Ngọc Mỹ- phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận xét: Phương án khoán giai đoạn 2011- 2015 là hợp lý, có lợi hơn cho người lao động. Tuy nhiên Tổng Công ty cùng các Công ty trực thuộc cần tuyền truyền sâu rộng thêm đến người lao động, tránh sự hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có sự hòa hợp về phương án khoán giữa các Công ty trên cùng địa bàn; đồng thời có sự hài hòa về quyền lợi giữa Công ty và người lao động.

Công ty Cà phê Đăk Đoa tổng kết công tác khoán sản xuất cà phê giai đoạn 2007- 2010; những đơn vị, cá nhân thực hiện khoán không tốt thì có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tập trung quản lý, bảo về sản phẩm cà phê trong mùa thu hoạch tới để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao.

LỜI KẾT

Trong 450 lao động của Công ty Cà phê Đăk Đoa thì trong các ngày 15, 26, 27 và 28- 9- 2011, có khoảng 60 người tụ tập tại trụ sở Công ty để đưa ra những kiến nghị nêu trên. Đây là những người chưa thực sự hiểu hết chính sách khoán của Công ty. Tuy nhiên đứng phía sau, đó là một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để kích động, gây rối.

Có đối tượng cầm đầu là người đã bị Nông trường Đăk Đoa (thời điểm còn trực thuộc Công ty Cà phê Ia Sao) chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 11- 3- 2008, do vi phạm nội quy lao động của Nông trường Đăk Đoa ban hành theo Quyết định số 16/QĐ-NT ngày 3- 1- 2006, vi phạm thỏa ước lao động tập thể ngày 5- 4- 2006 của Nông trường. Rõ ràng, do bức xúc cá nhân mà một số đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dã của một nhóm người để gây rối tình hình an ninh nông thôn, làm khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất