| Hotline: 0983.970.780

Tổng kết vụ cá Nam, triển khai kế hoạch vụ cá Bắc 2017 - 2018:

Nỗ lực lấy lại niềm tin của EU

Thứ Hai 27/11/2017 , 10:15 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT yêu cầu các cấp, ngành phải nắm bắt chủ trương, triển khai phương án cụ thể để hoàn thành mục tiêu của vụ cá Bắc 2017 - 2018, đồng thời có hành động quyết liệt nhằm thoát khỏi "án" phạt từ phía EU.

Sản lượng tăng

Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2017, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Bắc năm 2017 - 2018.

00-18-22_1
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Toàn ngành thủy sản phải triển khai quyết liệt để thoát ra khỏi "án" phạt của EU (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Theo Tổng cục Thủy Sản, sản lượng khai thác vụ cá Nam 2017 cả nước đạt 1.865 ngàn tấn (tăng 4,89% so với năm 2016), dẫn đầu là các tỉnh Quảng Trị đạt 206,6%, Hà Tĩnh 123,77%, Quảng Bình 121%, Bình Định 119,8%, Bạc Liêu 110,6%, Tiền Giang 109,97%, Thanh Hóa 109,4%, Thái Bình 107,6%, Quảng Nam 106,7%, Bến Tre 105,7%, Kiên Giang 105,6%, Hải Phòng 104,78% và Nam Định 102,71%.

Bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt vấn đề hạn chế của ngành thủy sản Việt Nam: tàu nhỏ hoạt động ven bờ khá phổ biển, trong khi đó tàu công suất lớn vẫn khai thác trái phép ở vùng lộng và khu vực gần bờ, nhất là tàu lưới kéo (giã cào bay), điều này làm gia tăng áp lực khai thác và suy giảm nguồn lợi thủy sản; tình trạng khai thác bất hợp pháp (sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, sử dụng ngư cụ kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định…) chưa được xử lý triệt để; quá trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức, việc sử dụng hóa chất bị cấm khi bảo quản vẫn diễn ra…

Vụ cá Bắc năm 2017 - 2018, ngành thủy sản cả nước phấn đấu khai thác 1.484 ngàn tấn, bao gồm 1.374 ngàn tấn khai thác hải sản xa bờ, 110 ngàn tấn khai thác nội địa. Để hoàn thành được mục tiêu trên, nhất thiết các địa phương phải có phương án chỉ đạo ngư dân sản xuất trên biển theo nghề và hoạt động theo mô hình, tổ đội.
 

Khắc phục thẻ vàng EU

Việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp cảnh báo chính thức thông qua động thái rút “thẻ vàng” là một đòn giáng mạnh tới quá trình xuất khẩu sản phẩm thủy sản, đồng thời tác động không nhỏ đến quan hệ đối ngoại của nước ta. Trên cơ sở đó, ngành thủy sản đã khẩn trương đề ra giải pháp nhằm sớm khắc phục hậu quả trên.

00-18-22_2
Sản lượng cá vụ Nam năm 2017 tăng gần 5% so với cùng kỳ (Ảnh: Vũ Đình Thung)

Thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung giải quyết một số nội dung trọng tâm như: điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm/lần làm cơ sở khoa học để tổ chức lại hình thức đánh bắt và điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác; thành lập lực lượng Kiểm ngư Trung ương và 28 tỉnh thành ven biển để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng chế tài xử lý các vi phạm hành chính; việc cấp phép tàu khai thác phải dựa trên trữ lượng nguồn lợi và khả năng thực tế; thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển nguồn lợi. 

Về quản lý cường lực khai thác, sẽ quy hoạch đội tàu phù hợp với khả năng, kiên quyết không cấp giấy phép cho tàu cá đóng mới ngoài quy hoạch và các tàu cá vi phạm các quy định về IUU.

Theo cơ chế mới thì người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển của các nước sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Song song với đó, ngành thủy sản tại các địa phương phải tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cam kết hoạt động hợp pháp trên các vùng biển chồng lấn, giáp ranh, đồng thời phổ biến, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký và báo cáo khai thác. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: “Để triển khai tốt vụ cá Bắc năm 2017 - 2018, các đơn vị liên quan phải tổ chức thực thi nghiêm các chính sách, chấm dứt hoàn toàn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp. Ngành Thủy sản Việt Nam phải có hành động cụ thể, quyết tâm thoát khỏi thẻ vàng, lấy lại thẻ xanh của Liên minh Châu Âu trong vòng 6 tháng tới. Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch hành động quốc gia, để phát huy hiệu quả rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân”.

Sửa đổi Nghị định 67 và sự cố liên quan đến Formosa là 2 nội dung được các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm. Hiện Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của NĐ 67, đáng chú ý là việc dừng thực hiện chính sách cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất để đóng mới, nâng cấp tàu cá quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 4; bổ sung chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; bỏ thủ tục UBND cấp tỉnh, huyện phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn; với tàu công suất 90 CV trở lên, thực hiện hỗ trợ chi phí bảo hiểm thuyền viên là 100% và bảo hiểm thân tàu là 50%, không hỗ trợ ngư cụ…

Riêng sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tính đến 30/10/2017 các địa phương đã thanh toán chi trả bồi thường thiệt hại 6.293 tỷ đồng, đạt 98,4%.

VK

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất