| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực xây nhà cho dân 'ăn tết' ở vùng tâm bão Khánh Hòa

Thứ Tư 27/12/2017 , 10:05 (GMT+7)

Gần 2 tháng sau khi bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa, địa phương này vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả khủng khiếp cơn bão để lại. Đến với vùng tâm bão huyện Vạn Ninh, chúng tôi chứng kiến cuộc sống người dân còn bộn bề khó khăn, đặc biệt là nhà ở sau bão và tái sản xuất thủy sản.

Tết Nguyên đán tới gần, chính quyền và người dân vẫn đang nỗ lực hết mình để giúp các hộ gia đình nghèo có nhà sập kịp đón tết trong căn nhà mới. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp nhiều thách thức.
 

Ổn định cuộc sống cho dân

Tiếp chúng tôi trước căn nhà sắp hoàn thiện, chị Hồ Thị Thanh Thúy, 48 tuổi (Quảng Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại ngày căn nhà của 3 mẹ con bị bão đánh sập. Thời điểm đó, mọi người chỉ còn biết nhanh chân chạy thoát thân, vứt bỏ lại tất cả tài sản tích cóp được.

09-28-14_1
Căn nhà của chị Hồ Thị Thanh Thúy đang được thay thế bằng căn nhà mới

Chị kể, sau bão, 3 mẹ con phải sang nhà bà con ở nhờ mấy tháng nay. Cũng may tình làng nghĩa xóm tương trợ nên cuộc sống đỡ đi vất vả. Với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng của chính quyền, cùng sự ủng hộ các mạnh thường quân, chị đã vay thêm chút ít cất lại ngôi nhà 50m2. Nhìn căn nhà mới sắp hoàn thiện, chị rất biết ơn những người đã tạo điện kiện giúp đỡ chị tết này đã có chỗ chui ra chui vào.

Tuy nhiên theo chị Thúy, mừng đã có nhà mới nhưng cũng lo là rồi không biết lấy đâu ra tiền trả nợ vì chị cũng không có việc làm ổn định, đi làm thuê cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Rồi còn tiền sắm sửa, mua lại các vật dụng cần thiết trong nhà nữa. Vì vậy nghĩ đến tết chị càng thấy rầu lòng.

Ngay sát nhà chị Thúy có đến 4 ngôi nhà sập hoàn toàn. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương, các hộ đang tiến hành dựng lại nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế nên những ngôi nhà cũng còn chắp vá, thiếu trước hụt sau.

09-28-14_2
Các gia đình có nhà sập cố gắng hoàn thành ngôi nhà để đón tết

Trưởng thôn Quảng Hội 2, ông Trịnh Tú cho biết, toàn thôn có 6 nhà sập 100%. Hiện nay việc xây nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được chính quyền triển khai tốt, tiền hỗ trợ dùng đúng mục đích, đảm bảo người dân có nhà đón tết.

Còn gia đình chị Phan Thị Thu Chi (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) được xem là hộ nghèo nhất xã. Nhà có 4 mẹ con, lại không có việc làm thường xuyên nên cuộc sống rất khốn khó. Cơn bão vừa qua đã đánh sập ngôi nhà của chị. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, chị Thu bắt tay vào cất nhà mới. Biết chị không thể vay mượn được ở đâu, nên bà con láng giềng mỗi người góp sức phụ thêm.

“40 triệu thì không thể lo được. Riêng mua vật liệu cũng hơn 20 triệu rồi, tiền công gần 20 triệu nữa. Biết vậy nhưng làm được chừng nào, được đến đâu hay đến đó. Cũng mong trước tết, mẹ con cô ấy có chỗ ở tạm chứ suốt 2 tháng qua, cô Chi và 3 đứa con phải tá túc nhờ trong nhà chùa cũng tội lắm”, chị gái ruột của chị Chi tâm sự.
 

Nhiều trăn trở... hậu bão

Với những hộ nghèo thì vấn đề kiếm sống sau cơn bão luôn là nỗi lo thường trực. Đã một thời gian dài, đôi mắt chị Mai Thị Thúy Nga (xã Vạn Thắng) luôn đeo nặng một nỗi buồn mà ai cũng dễ nhận thấy. Đã hơn nửa tháng nay, chị không biết phải làm thế nào khi ngôi nhà đang xây dở phải tạm ngưng vì đã hết sạch tiền.

09-28-14_3
Chị Mai Thị Thúy Nga lo lắng bên căn nhà xây đang dang dở
Theo bà Vũ Thị Kim Trinh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vạn Ninh, sau bão số 12, huyện có 21 hộ tái nghèo và 164 hộ tái cận nghèo. Đặc biệt số hộ phát sinh mới nghèo và cận nghèo là gần 900 hộ. Nguyên nhân do người nuôi trồng thủy sản sau bão trắng tay, nợ nần chồng chất.
Được biết, huyện có 2.819 hộ nghèo, tỷ lệ 8,10% và 3.268 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,93%. Về gạo, đã hỗ trợ gần 369 tấn cho những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, bị ảnh hưởng nặng do bão số 12. Mức hỗ trợ là 15 kg/người.

Gia đình chị Nga 4 người, chồng đi bạn thuyền thu nhập bấp bênh, chị ở nhà làm nội trợ. Sau hơn 5 năm cưới nhau, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm tiền xây nhà.

Không ngờ, chỉ sau 1 đêm, tất cả công sức, tâm huyết của 2 vợ chồng chị biến mất cùng mưa gió. Nhà chị đông người, khó khăn nên đi xin ở nhờ hàng xóm suốt 2 tháng qua.

“Sau bão, nhà tôi mất hết, áo quần cũng đi mượn. Biết không thể ở nhờ mãi nên khi nhận được 20 triệu đồng hỗ trợ, tôi cũng mượn thêm tính cất nhà.

Đã chi hơn 30 triệu nhưng mới xây xong phần thô, còn ngổn ngang lắm. Tính cố gắng làm xong trước tết nhưng không thể mượn tiền, đành bỏ giữa chừng.

Đứa con nhỏ đang học mầm non cũng không có tiền trả học phí suốt 2 tháng qua. Cứ như thế này thì đến tết, chưa thể có nhà ở”, chị Nga buồn rầu nói.

Không riêng chị Nga mà tại huyện Vạn Ninh còn nhiều hộ khác cũng lâm hoàn cảnh tương tự. Cách nhà chị Nga vài bước chân là ngôi nhà ông Nguyễn Quang Thành cũng chưa thể sửa được phần mái bị tốc và khu vực phòng khách phía trước bị sụp.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Đào (con gái ông Thành) thì khó khăn về kinh phí dẫn đến ngôi nhà chị loang lở nhưng vẫn phải để nguyên. “Chúng tôi rất mong muốn chính quyền xem xét hỗ trợ để những người dân bị ảnh hưởng sớm sửa sang lại nhà cửa, ổn định cuộc sống”, chị Đào nói.

Tiếp chuyện PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cũng rất trăn trở với những khó khăn người dân gặp phải. Theo ông Dũng thì với điều kiện hiện nay chưa thể lo an sinh đầy đủ cho bà con. Tuy nhiên trước tiên phải đảm bảo những nhà sập hoàn toàn có chỗ tá túc trong dịp tết. 

"Với 40 triệu hỗ trợ thì khó xây dựng được 1 ngôi nhà nên chúng tôi cố gắng động viên bà con tạm thời hoàn thành phần tường bao và mái nhà. Về các đồ dùng trong nhà thì nằm ngoài tầm tay của huyện. Địa phương đã kiến nghị lên tỉnh, đề nghị Trung ương hỗ trợ. Tới đây, sau khi kiểm tra, rà soát lại nếu các hộ còn khó khăn thì lấy nguồn kinh phí tạm ứng của năm sau cho bà con ăn tết, không để dân đói”, ông Dũng nói.

Đến nay, kinh phí khắc phục nhà ở được UBND huyện Vạn Ninh cấp trực tiếp cho các địa phương chuyển cho người dân theo quy định là 10.677 triệu đồng. UBMTTQVN huyện đã tiếp nhận hỗ trợ từ UBMTTQVN tỉnh 10.209 triệu đồng chuyển cho người dân thiệt hại về nhà ở, trong đó đã cấp được 6.209 triệu đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Vạn Ninh có 108 nhà đã xây dựng xong, 411 nhà đang làm dự kiến hoàn thành trước 31/1/2018 và 15 nhà không thể xây dựng trước Tết Nguyên đán do gia đình có tang quyến.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm