| Hotline: 0983.970.780

Nở rộ các dịch vụ môi giới, lừa đảo hôn nhân ở Trung Quốc

Thứ Năm 28/07/2016 , 13:10 (GMT+7)

Chênh lệch giới tính quá lớn, kinh tế phát triển tập trung tại đô thị khiến nhiều thanh niên Trung Quốc cắn răng vay mượn, lấy vợ nước ngoài và rồi gánh chịu nhiều hệ lụy.

Truyền thông Trung Quốc bình luận rằng thanh niên nông thôn nước này “thực sự quá khó khăn” để tìm thấy tình yêu đích thực, hay nói cách khác là lập gia đình. Nhiều chàng trai tuyệt vọng tìm cách tự quảng cáo mình qua các phương tiện truyền thông hoặc thuê các bà mối chuyên nghiệp, nhưng xác suất thành công là cực thấp. Chiến thuật mới của họ trong ít nhất vài năm qua là “nhập khẩu vợ”, dùng tiền để kiếm về những cô vợ từ nước ngoài.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “mua vợ” trên trang web tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc baidu.com, lập tức có đến 2,5 triệu kết quả. Không thiếu một thứ gì không được quảng cáo trên mạng về chuyện lấy vợ, từ các quảng cáo “100% lấy được vợ” cho đến các dịch vụ xem trước mặt, làm visa, hướng dẫn kết hôn, nhập quốc tịch... Đa số các trang web đều hướng đến các cô gái Việt Nam, Lào, Myanmar và Triều Tiên.

Bất chấp cảnh báo từ phía chính quyền, nhiều thanh niên vẫn đâm đầu vào dịch vụ tìm vợ để rồi đám cưới tưởng chừng đẹp như mơ đối mặt với nghịch cảnh cô dâu xinh đẹp biến mất chỉ sau thời gian ngắn ở nhà chồng.

Theo thống kê của tờ Sina, trong một thập kỷ qua, làn sóng cô dâu Việt đã đổ về các vùng nông thôn Trung Quốc với chi phí trung bình cho mỗi đám cưới là 25.000 USD. Tháng 11 năm ngoái, có đến 100 cô dâu Việt bỗng chốc biến mất ở tỉnh Hà Bắc. Biến mất cùng các cô dâu là những ông mai, bà mối đã thu đủ tiền cho các dịch vụ. Tờ Bloomberg gọi đây là ví dụ kỳ quái cho các vụ lừa đảo hôn nhân ở Trung Quốc.

Một đi không trở lại

Lý Quý Trần, người đàn ông 40 tuổi ở Hà Bắc vẫn đau đớn suốt một năm từ ngày cô vợ người Việt khăn gói ra đi. Khi được hỏi, Lý không nhớ nổi vợ tên gì bởi đó là cái tên khó nhớ, hơn nữa, cô vợ bỏ đi chỉ sau 6 ngày ở nhà Lý.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Lý nói đó là cô gái có vẻ ngoài bình dị, việc anh lấy cô đơn giản vì chi phí cho đám cưới kiểu “nhập khẩu” như thế đỡ tốn kém hơn nhiều so với lấy một cô gái địa phương.

Các chuyên gia xã hội học Trung Quốc cho rằng nguyên nhân thanh niên nông thôn nước này khan hiếm vợ bởi các cô gái ngày nay có xu hướng rời quê để sống ở thành thị, nơi có chất lượng cuộc sống cao hơn. Chí ít, họ có thể tận hưởng cảm giác ở trong phòng tắm mỗi ngày với các tiện nghi tối thiểu, điều mà nhiều đàn ông ở vùng quê không thể đáp ứng. Các cô gái trẻ không muốn về quê, cho dù có thể phải sống độc thân tại thành phố.

Lê Vĩnh Soái, một người đàn ông khác cũng ở Hà Bắc, cho tới nay vẫn lưu giữ dây buộc tóc và mỹ phẩm cho người vợ Việt mà anh gọi là A Phương. Lê cũng giữ cả bức ảnh A Phương chụp khi không trang điểm. Thế nhưng, Lê không hề biết họ của vợ bởi chưa từng nhìn thấy chứng minh nhân dân hay hộ chiếu của cô. Khi đến bữa ăn, cha của Lê chỉ biết nói với con dâu: “Này, lại đây ăn”, ông không biết họ tên con dâu.

Lê kể lại, A Phương dường như không hòa nhập được với cuộc sống gia đình ở Trung Quốc. Cô có vẻ muốn được kết hôn lần nữa. Câu nói bằng tiếng Trung Quốc đầu tiên mà cô học được là: “Bố, mẹ, con hết tiền”.

A Phương nấu các món ăn từ gạo mà không một nhà nào ở miền Bắc Trung Quốc cảm thấy ngon. Cô cũng thường xuyên cãi vã với chồng, dù họ không thể hiểu nhau nhiều lắm. Lê nói anh còn nhớ A Phương tỏ ra vui vẻ khi anh bị đau chân, bởi cô nghĩ điều đó sẽ giúp cô được tự do vài ngày.

Sau khi A Phương bỏ đi, nhà chồng tìm thấy một cuốn sách Việt - Trung mà cô ghi chép, trong đó, A Phương viết: “Tôi bỏ đi bởi gia đình anh không cho tôi ra ngoài. Anh bốc mùi. Anh cần tắm rửa”. Ở Trung Quốc, nhiều gia đình chồng luôn giám sát chặt chẽ con dâu bởi họ sợ cô gái sẽ một đi không trở lại.

Trò chơi tình yêu

Các vụ mất tích hàng loạt của cô dâu Việt ở Hà Bắc không phải là duy nhất. Tháng 3/2015, cảnh sát Trung Quốc triệt phá một băng đảng 11 người chuyên lừa đảo hôn nhân với chiêu bài cô dâu Việt ở Hà Bắc.

Trong các năm 2012 và 2013, mỗi năm có ít nhất 8 cô dâu Việt biến mất ở các tỉnh Giang Tây và Sơn Đông, lý do được cho là không phù hợp cuộc sống nơi đất khách quê người. Song cho đến nay, vẫn có nhiều nghi vấn về việc các cô dâu Việt biến mất để rồi sau đó lại xuất hiện ở một tỉnh nào đó ở Trung Quốc.

Trò chơi tình yêu, dường như sẽ chưa kết thúc và chưa hết nghiệt ngã với thanh niên nông thôn Trung Quốc. Đến năm 2020, các nhà xã hội học dự đoán đàn ông Trung Quốc sẽ đông hơn phụ nữ là 33 triệu người. Đàn ông độc thân ở Trung Quốc được gọi là “quang côn” (khúc côn trần trụi), trong khi những cô gái chưa lấy chồng ở tuổi 30 trở đi được gọi là “phụ nữ còn sót lại”. Mười năm trở lại đây, không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Đài Loan, người ta ghi nhận làn sóng nhập cư của các cô dâu ngoại quốc.

Tuy nhiên, tờ Bloomberg cho rằng dường như rất ít người Trung Quốc “chiến thắng” trong trò chơi tình yêu. Chính sách một con và việc phá thai chọn giới tính trẻ gây ra sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc với tỷ lệ 118 bé trai/100 bé gái khiến vấn đề ngày càng trầm trọng. Chính phủ Trung Quốc ước tính hiện có hơn 100.000 phụ nữ Việt lấy chồng ở nước này. Họ phần lớn cưới đàn ông nông thôn nhưng chỉ một số có đăng ký kết hôn.

Hồi năm 2014, tờ China Daily cảnh báo có nhiều trung tâm được gọi là "công ty môi giới hôn nhân" đang hoạt động ở Việt Nam. Họ hứa hẹn sẽ giới thiệu cho các cô gái trẻ những quý ông giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, các nạn nhân lại bị bán làm vợ cho những ông chồng ở vùng nông thôn. Cảnh sát Trung Quốc tuyên bố sẽ triệt phá những trang web này, nhưng đến nay không khó để truy cập các trang web chuyên cung cấp dịch vụ môi giới hôn nhân.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất