| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn người Việt ở Biển Hồ

Thứ Ba 01/04/2014 , 09:40 (GMT+7)

Rời làng chài người Việt trên Biển Hồ, lòng tôi vẫn bùi ngùi xót xa cho số phận hàng trăm gia đình sống trong cảnh nghèo đói nơi xứ xa.

TP. Siêm Riệp, Campuchia mỗi năm đón 3-4 triệu khách quốc tế đến chiêm ngưỡng 2 kỳ quan thế giới Angkor Wat và Angkor Thom. Hơn 90% du khách không bỏ qua điểm tham quan Tonle Sap, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009.

Tonle Sap, người Việt quen gọi Biển Hồ. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), hồ thu hẹp còn khoảng 10.000 km², độ sâu từ 1-3 m. Sang mùa mưa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10), nước từ sông Mê Kông đổ về, tại ngã tư TP. Phnôm Pênh (sông Bốn Mặt), nước chảy ngược lên Biển Hồ theo dòng Tonle Sap. Đỉnh điểm của mùa lũ, diện tích hồ rộng hơn 16.000 km², những nơi sâu gần chục mét.

Sang mùa khô hạn, nước từ Biển Hồ trả về hai nhánh sông Mê Kông là sông Tiền và sông Hậu, chảy xuống hạ nguồn vùng ĐBSCL của Việt Nam. Biển Hồ là nơi có nguồn thủy sản dồi dào với nhiều loại cá, tôm nước ngọt ngon nhất thế giới. Từ TP. Siêm Riệp đi ô tô khoảng 30 phút sẽ đến làng chài người Việt với hơn 530 gia đình (khoảng 3.200 nhân khẩu) sống lênh đênh trên ghe, xuồng và các bè cá.

Mới đây, chúng tôi có dịp tham quan Angkor Wat và Angkor Thom. Sau buổi ăn trưa, khoảng 13 giờ 30 phút, chiếc xe 45 chỗ chở đoàn rời TP. Siêm Riệp đi Biển Hồ. 14 giờ, xe dừng trước cầu cảng du lịch Chon-Kha-Nía để khách xuống tàu ra biển.

14-38-25_anh-3lang-chai-nguoi-viet-tren-bien-hoMột góc làng chài của người Việt ở Biển Hồ

Sam Yin, hướng dẫn viên du lịch ở TP. Siêm Riệp, giới thiệu với chúng tôi: Con kênh dẫn từ cầu cảng ra Biển Hồ khoảng 3 km do một dự án của Hàn Quốc tài trợ xây dựng năm 2003 để khách du lịch khỏi phải đi bộ nữa.

Biển Hồ mùa này nước đỏ ngầu, tàu chạy chậm lại để hướng dẫn viên thuyết minh cho khách ngắm cảnh. Những chiếc bè và ghe cũ nát, mui lụp sụp neo đậu cách bờ 200 - 300 m là nơi sinh sống của người Việt, họ đến từ An Giang và Đồng Tháp. Ngược dòng sông Tiền và sông Hậu lên Biển Hồ theo dòng Tonle Sap, họ đã sống ở đây ba đời.

Năm ngoái, Campuchia bầu cử Quốc hội, tình tình trên đất nước Chùa tháp có những biến động, làng chài nối đuôi kéo về neo đậu trên sông Tiền, đoạn từ Cửa khẩu Vĩnh Xương xuống tới thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Sau khi tình hình ổn định, các ghe kéo bè trở lại Biển Hồ tiếp tục mưu sinh.

Nhìn những chiếc ghe và bè rách nát, tuềnh toàng, anh Sam Yin chia sẻ: “Chắc không có cộng đồng người Việt nào ở nước ngoài nghèo hơn người Việt ở Campuchia. Làng chài này có nhiều cái không: Không trạm y tế, không trường học, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không biết đi giầy, dép... Họ ở trên biển nước ngọt nhưng không có nước sạch, màu nước đục ngầu lợn cợn bùn với rác”.

Nhìn một em nhỏ chừng 5 tuổi được mẹ múc nước biển rửa mặt, anh hướng dẫn viên nói: “Giá như đừng rửa sẽ sạch hơn”.

Anh Sam Yin cho biết: Năm 2012, TP. Siêm Riệp đón trên 2,5 triệu lượt khách quốc tế; năm 2013 tăng lên trên 3,7 triệu khách và năm 2014, Bộ Du lịch Campuchia phấn đấu bằng nhiều cách để thành phố du lịch này đón khoảng
4,2 triệu khách.

Theo anh Sam Yin, bây giờ nghề nuôi cá trong lồng bè và đánh bắt cá thiên nhiên trên Biển Hồ không còn là nghề kiếm sống của dân làng chài người Việt. Từ năm 2009, Chính phủ Campuchia đã cấm đánh bắt cá từ 8-9 tháng/năm nhằm bảo vệ nguồn thủy sản thiên nhiên. Nghề nuôi cá bè ngay dưới chỗ ở của dân làng chài cũng bị cấm với lý do làm ô nhiễm nguồn nước. Túng quẫn, nhiều người dùng chiếc xuồng chài cá bám theo khách du lịch xin tiền thì bị cảnh sát du lịch xử phạt, bởi vừa nguy hiểm mà ảnh hưởng ngành du lịch.

Một số người lén lút đánh bắt cá ở các khu vực cấm đem bán cho các nhà hàng khách sạn phục vụ khách du lịch, họ bị bắt và phải đi tù. Hiện có trên 30 người đàn ông của làng chài người Việt đang thụ án.

Tham quan du lịch trên Biển Hồ, chiếc tàu chở chúng tôi chạy quanh làng chài người Việt để ngắm cảnh nghèo của đồng hương trên đất nước bạn.

Tàu ghé vào điểm trường học được làm bằng ba cái bè kết lại, do một người ở Tây Ninh (tên ông Tư) sang đây lập ra để dạy chữ cho con em làng chài người Việt. Năm 2010, một số cán bộ của Quân khu 7 Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa và tặng trường cái bè lớn làm nơi ăn nghỉ và học hành cho các em. Nay ông Tư già yếu về quê nên giao lại cho cháu là thầy Nguyễn Minh Luân (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm sang đây năm 2007) quản lý.

Trường có 314 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5, do 5 giáo viên đứng lớp. Sáng, dân làng chài chở con đến gửi và chiều tối mới đón về. Theo thầy Luân, các em học bán trú, ăn sáng với mì gói, cơm trưa và cơm chiều tại trường, nguồn sống của thầy trò nhờ lòng hảo tâm của khách du lịch khắp thế giới hỗ trợ.

14-38-25_anh-2-tre-em-lang-chai-tai-ngoi-truong-tren-bienTrẻ em làng chài

Tại cảng du lịch Chon-Kha- Nía ra Biển Hồ, hàng trăm xe khách lữ hành biển số Campuchia và TP. Hồ Chí Minh (36-54 chỗ) đậu chật kín, dưới sông có trên 150 chiếc tàu chở khách du lịch tham quan Biển Hồ đậu xếp hàng chờ. Giá vé cho mỗi khách tham quan Biển Hồ khoảng 3 giờ đồng hồ là 13 USD.

Ngôi trường của hơn 300 trẻ em làng chài người Việt trên Biển Hồ là điểm tham quan du lịch không thể thiếu đối với du khách quốc tế. Đánh trúng vào tâm lý con người, các du khách sẵn sàng mở ví và dúi vào tay người quản lý có thể là tiền ria Campuchia hay đô la Mỹ hoặc Úc, Việt Nam đồng, bảng Anh… để các em có mì gói ăn sáng. Mặc dù biết rõ bản chất sự việc nhưng trước những khuôn mặt ngây thơ của các em, đoàn chúng tôi mỗi người chia sẻ từ 100.000-200.000 đồng hoặc từ 5-100 USD.

Theo anh Sam Yin, lượng khách du lịch tham quan Biển Hồ mỗi ngày từ bằng cho đến gấp đôi hoặc gấp ba lần dân số làng chài người Việt. Riêng 3 ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật), khách đông gấp 2-3 lần thường nhật.

Các ngày lễ lớn, khách đông đến nỗi không có chỗ đậu xe. Chiếc tàu chở đoàn khách của chúng tôi 30 người đi biển 3 giờ đồng hồ và phải trả 390 USD, chưa kể 10 USD “bo” cho các thuyền viên.

Chúng tôi nhẩm tính, trên 90% khách du lịch trong tổng số 3-4 triệu khách đến Siêm Riệp mỗi năm, các Cty dịch vụ chở khách tham quan làng chài người Việt trên Biển Hồ thu về từ 35-40 triệu USD, chưa kể các dịch vụ ăn theo.

Rời làng chài người Việt trên Biển Hồ, lòng tôi bùi ngùi xót xa cho số phận hàng trăm gia đình sống trong cảnh nghèo đói nơi xứ xa.

Nhớ khuôn mặt các học sinh ở ngôi trường chúng tôi đến thăm, dường như cả ngày các em luôn trong tư thế đón khách hơn là học tập. Phải, có khách đến thăm mới cải thiện cuộc sống của các em. Nhưng các em chỉ học hết lớp 5 rồi sẽ trở về đi biển như cha mẹ, mà biển bây giờ không còn là nơi để kiếm sống như xưa.

Từ biển Hồ xuôi theo dòng Tonle Sap để về An Giang và Đồng Tháp chưa đầy 300 km, dẫu quê mẹ không giàu có lắm nhưng vẫn có đủ cơm no, áo ấm, được học hành, chăm sóc và yêu thương.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất