| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn sư tử đá: Đôi khi phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế

Thứ Sáu 03/10/2014 , 08:10 (GMT+7)

Bảo vệ văn hóa đôi khi phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế. / Linh vật thuần Việt, chọn gì? / Khi sư tử đá... nhăn răng

Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa PV Báo NNVN với ông Vi Kiến Thành (ảnh), Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Bộ VH-TT&DL xung quanh vấn đề khuyến khích người dân không sử dụng linh vật ngoại lai.

vkt-2145858542

Thưa ông, sau khi Bộ VH-TT&DL ra Công văn số 2662/ BVHTTDL-MTNATL ngày 08/08/2014, về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” đã khiến những DN ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân (Ninh Bình) và Non Nước (Đà Nẵng)... thiệt hại về mặt kinh tế. Ông đánh giá ra sao về những tác động này?

Đúng là văn bản 2662 ra đời đã tác động về mặt SX - kinh doanh tập trung vào 2 làng nghề chính là Non Nước (Đà Nẵng) và Ninh Vân (Ninh Bình).

Làng đá Non Nước, sử tử đá cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên ở đây SX nhiều theo tính hàng hóa. Còn làng đá Ninh Vân, tác động về mặt kinh tế, thương mại không nhiều như làng đá Non Nước.

Về tác động của văn bản 2662 với 2 làng nghề thì cũng phải nói trong xã hội nói chung, trong văn hóa nói riêng, có những nghề mà để đạt được mục đích lớn hoặc để đạt mục đích về văn hóa có thể cũng kéo theo một số hệ lụy nhất định về kinh tế. Cái đó tôi nghĩ là cũng khó tránh được.

Tại sao ngay từ ban đầu các cơ quan chức năng không vào cuộc để hướng dẫn cho người dân biết đâu là mẫu linh vật được sử dụng, mà đến nay mới ra công văn xử lý khi việc đã rồi? Nếu như hiện nay nhu cầu của người dân vẫn muốn sử dụng những sản phẩm chế tác như vậy, chúng ta có chế tài xử lý ra sao?

Thời điểm này mới hội tụ đầy đủ mọi yếu tố về mọi phương diện để ra văn bản chứ không phải bỗng dưng chúng tôi chọn thời điểm này đâu. Có những vấn đề trước đây nhiều người còn mơ hồ, bây giờ thì chắc không còn ai mơ hồ nữa.

Ý thứ hai, tôi thấy cần chú ý để phân biệt, mọi người đừng nhầm lẫn văn bản 2662 là cấm sử dụng, ngăn cản thị trường, thậm chí cấm cả SX sư tử đá là không đúng. Nội dung văn bản ghi rõ: “Bộ VH- TT&DL đề nghị và khuyến cáo”. Tôi nhấn mạnh lại là đề nghị và khuyến cáo.

Sau khi văn bản 2662 ra, rõ ràng thị trường bị thu hẹp lại và khó khăn cho người SX là phải đi tìm một thị trường mới. Ông có e ngại đến việc dư luận có ý kiến là cơ quan tham mưu của Bộ VH-TT&DL đang ngắt ngọn SX?

Tôi nghĩ rằng dư luận đừng cực đoan quá. Để xử lý vấn đề, chúng tôi có lộ trình, có cân nhắc giữa cái chung và cái riêng, giữa phát triển và bảo tồn.

Nói về SX, những cơ sở chế tác sư tử ngoại lai cũng cần thay đổi rất nhiều vấn đề, từ nhận thức đến phải xem lại thị trường bây giờ nên theo hướng nào. Có thể phải tăng cường quan hệ với các đầu mối để chuyển sang XK là chính, phải thay đổi thị trường.

nh10145910364
Nghê đá ở xã Xuân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội

Theo ông, việc chuyển hướng và mở rộng thị trường liệu có thuận lợi không?

Tôi nghĩ cũng không phải dễ. Bây giờ bắt đầu người ta cũng phải tìm, cũng phải mất thời gian đấy. Thị trường trong nước bây giờ chững lại rồi, khó bán rồi. Bây giờ xoay sang thị trường nước ngoài là cả vấn đề. Nhưng cái khó khăn đó mình phải xác định nó là cái nhỏ trong cái tổng thể cả nước, cái nhỏ trong cái được lớn, lâu dài là bảo vệ văn hóa của đất nước, đôi khi mình phải chấp nhận những thua thiệt về kinh tế. Một văn bản điều chỉnh mà được lòng hết tất cả vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa... tôi cho là rất khó.

Bộ VH - TT&DL không có văn bản hướng dẫn người dân nên sử dụng mẫu linh vật nào hợp với thuần phong mỹ tục. Điều này phải chăng là sự bất hợp lý? Nghệ nhân sẽ tìm đâu ra mẫu linh vật thuần Việt để chế tác?

Trước khi ra văn bản 2662, tôi đã vào Non Nước (Đà Nẵng), đã hỏi một số DN tại sao các anh không làm những linh vật Việt Nam như con nghê, con sấu, con chó đá... nó cũng rất là đẹp và nội dung phù hợp với tâm thức của người Việt, trông nó lành hơn, gần gũi với mình hơn và phù hợp với lòng từ bi của đạo Phật. Họ trả lời rất thẳng thắn và rất hồn nhiên: Cũng có lúc đã nghĩ đến việc làm linh vật Việt Nam nhưng chỉ có điều là chúng tôi không bán được. Xót xa nhất là chỗ người dùng.

Chính thay đổi nhận thức của người dùng, người mua về, đấy mới là vấn đề gốc. Đó không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là nhận thức tâm lý xã hội bây giờ đều có những cái mà chúng ta cần phải điều chỉnh, cần phải có những giải pháp khá đồng bộ mới giải quyết được.

Trở lại với câu anh hỏi, hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã gửi mẫu linh vật truyền thống của Việt Nam hiện đang sử dụng tại các di tích xuống các địa phương, chúng tôi cũng đã gặp gỡ và cung cấp mẫu tượng cho nghệ nhân Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Ninh Bình. Ngay trên website của Cục cũng giới thiệu các mẫu linh vật thuần Việt này để nghệ nhân dễ dàng tiếp cận.

Cũng phải nói thêm rằng thời gian vừa qua có sự đứt đoạn giữa việc nghiên cứu mỹ thuật cổ, tìm hiểu đánh giá về giá trị của di sản mỹ thuật truyền thống nói chung và các linh vật Việt nói riêng với việc phổ biến, tuyên truyền cho đại chúng. Theo tôi được biết, hiện có một số nhà nghiên cứu mỹ thuật đang say sưa kết nối lại với công việc này. Nhưng vấn đề quan trọng bây giờ là công trình nghiên cứu của họ, suy nghĩ của họ, đánh giá của họ làm sao chuyển tải được ra xã hội để người sử dụng nhận thức đúng vấn đề.

Khi mới mở cửa hội nhập, ban đầu cũng đã có người nghĩ là để người dân tự do lựa chọn món ăn tinh thần. Cởi mở trong lựa chọn món ăn tinh thần nhưng rõ ràng qua nhiều sự việc cho thấy nó cũng phải có giới hạn và cần có sự định hướng của Nhà nước. Cho nên có nhiều vấn đề điều chỉnh nhận thức xã hội tôi cho rằng không dễ đâu, nó phải là một quá trình, phải một thời gian.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.