| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn sư tử đá: Linh vật thuần Việt, chọn gì?

Thứ Năm 02/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Việc SX và chế tác mẫu linh vật thuần Việt như nghê đá, sấu đá, chó đá... hoàn toàn nằm trong khả năng của những đôi bàn tay tài hoa mà người nghệ nhân ở làng nghề Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình). / Khi sư tử đá... nhăn răng

Vấn đề chỉ còn là sự thay đổi về mặt nhận thức của chính người sử dụng.

Sẵn sàng chuyển đổi

Chia sẻ với PV Báo NNVN, bà Phạm Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình, khẳng định ở các kho hàng tại Ninh Vân hiện còn tồn rất nhiều sư tử đá.

img-2248134824980
Nghê đá thuần Việt tại đền vua Đinh (Ninh Bình)

Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ hệ quả của một thời gian dài SX rầm rộ mà thiếu định hướng, thiếu thông tin đang khiến cho Ninh Vân phải đối diện với những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Trước đây, cả về nhận thức lẫn thực tế, các hộ SX, kinh doanh ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân chỉ biết chạy theo nhu cầu thị trường. Trước đây, sư tử đá theo kiểu cách Trung Quốc hay phong cách châu Âu vốn là mặt hàng làm giàu của nhiều hộ chế tác, kinh doanh của làng nghề này. Như ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng BQL làng nghề đá Ninh Vân chia sẻ: “Chúng tôi làm theo nhu cầu thị trường, có cầu ắt có cung, là lẽ thường tình bấy lâu và ở đâu cũng vậy”.

Nay trong bước chuyển của thị trường, khi các linh vật ngoại lai cần hạn chế sử dụng để bảo vệ văn hóa trong nước, người dân Ninh Vân lại nghe ngóng thị trường và nhu cầu để chuyển hướng sang chế tác những linh vật thuần Việt như nghê đá, chó đá.

Những người làm nghề lâu năm ở Ninh Vân cho biết, họ có đủ kiến thức và kỹ năng phân biệt được đâu là linh vật truyền thống, đâu là sư tử Tây, sư tử Trung Quốc…, nhưng vì làm theo nhu cầu khách hàng, chỉ một số ít những người thực sự hiểu biết mới đặt hàng linh vật Việt.

Cầm trên tay những hình ảnh mẫu linh vật thuần Việt do chuyên viên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm giới thiệu, anh Đỗ Đình Thủy (DN chế tác đá Đỗ Thủy), anh Trương Công Định (cơ sở SX đá mỹ nghệ Định Hương), cùng nhiều cơ sở khác trong xã Ninh Vân cho biết, họ sẵn sàng chuyển đổi sang các mẫu linh vật truyền thống nếu thị trường có nhu cầu.

Cần hướng dẫn

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ linh vật thuần Việt như ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân. Ngay cả ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) khi trả lời báo chí cũng phân vân: “Hiện vấn đề khó khăn nhất là xác định linh vật có hình dạng như thế nào là “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam có linh vật thuần Việt như nghê, sấu, sư tử, voi, hổ… Cách tạo hình những linh vật này hoàn toàn khác với sư tử đá Trung Quốc.

img-2252134825489
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình phân tích mẫu nghê đá thuần Việt tại đền vua Đinh (Ninh Bình)

“Bộ VH-TT&DL phải đứng ra chủ trì cùng với những nhà khoa học có chuyên môn của các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật nghiên cứu tìm ra, chỉ định những con linh vật tiêu biểu và đẹp nhất ở các di tích, các đền thờ lớn, các chùa tháp tiêu biểu, sau đó cùng nghiên cứu để đưa ra những con linh vật tiêu biểu vừa có giá trị nghệ thuật cao, lại vừa có giá trị ứng dụng để trở thành những con linh vật phù hợp với tinh thần của người Việt, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng ở các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam”. (PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Mỹ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Mỗi dân tộc đều có cách thức và nhu cầu sử dụng những con thú linh vật trong các không gian tín ngưỡng. Theo ông Trần Hậu Yên Thế, ngoài hệ thống tứ linh (long - rồng, ly - kỳ lân, quy - rùa, phụng - phượng hoàng), một trong những linh vật của người Việt là con nghê.

“Qua sự dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, người Việt đã tiếp thu, học tập và sáng tạo nên một con vật sống động như con nghê. Đó là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, có ý nghĩa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, không hướng đến sự trấn áp hay dọa nạt như sư tử đá Trung Quốc”.

Con nghê của người Việt gắn với Phật giáo. Kích thước thường nhỏ hơn. Nó có hai chức năng, hoặc là hoan hỉ chào đón ở lối vào, hoặc là tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu. Vào thời Nguyễn sau này, hình tượng con nghê còn có ý nghĩa là con vật soi xét, phân biệt người ngay kẻ gian. Như ở điện Thái Hòa (cố đô Huế) con nghê dữ dội hơn bình thường.

Vì con nghê lúc đó có chức năng giám sát, có chức năng tinh thần, tâm linh để phân biệt ngay gian. Vì thế, dân gian Việt có câu “làm phượng thì múa, làm nghê thì chầu”. Hay người ta thường nói là nói cười như nghê là bởi con nghê có thiện cảm với con người, nên có nghê coi cửa, mang lại niềm vui, sự hoan hỉ cho con người.

Ông Trần Hậu Yên Thế còn phân tích thêm, người Việt cũng dùng linh vật sư tử, nhưng có những điểm khác biệt với sư tử Trung Quốc. Sư tử Việt thường có chữ Vương trên trán, mình mập, tròn, đầu ngẩng lên, bờm xoắn lên hoặc dựng ra phía sau, động tác mô tả thì đang vươn lên để gầm, miệng ngậm ngọc, thân mình sư tử phủ kín loại vân xoáy, hay còn gọi là hình thức lôi văn. Sư tử Việt ngoài tín ngưỡng phật giáo còn là linh vật để cầu mưa. Vì thế ở nhiều nơi như chùa Thông, chùa Bà Tấm gọi sư tử đá của người Việt là ông sấm.

Còn nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng phân tích thêm, ở Việt Nam, ngoài con chó đá, thì rất ít khi bầy linh vật gác cổng. Nếu có chỉ là con sấu, con nghê, con rồng nhưng luôn gắn với lan can thềm trước tòa tiền điện của kiến trúc. 

“Ở Trung Quốc, tất cả những hình mẫu cổ đều được vẽ ra thành sách vở, làm sách công cụ cho tất cả hoạt động văn hóa và thợ  thủ công. Còn nước ta không làm việc này, không hề chú trọng đến việc này, nên khi người thợ làm hình mẫu gì đó, hoàn toàn dựa vào sách của Trung Quốc. Nên không chỉ có linh vật gác cửa mà còn rất nhiều hình mẫu khác cũng bắt chước của Trung Quốc, như các tượng Phật bà Quan âm bằng đá hay thạch cao trắng bầy khắp cả nước bây giờ”, ông Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Ninh: Công ty Hanaka có hành vi vi phạm Luật Thủy lợi

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản 407/SNN-CCTL về việc giải quyết hoàn trả lại tuyến kênh tưới đã bị san lấp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.