| Hotline: 0983.970.780

Nơi cả ngàn người chờ chết

Thứ Sáu 02/11/2012 , 13:43 (GMT+7)

Giữa năm nay, vùng cao Quế Phong (Nghệ An) rúng động khi có thông tin cho rằng cả huyện có gần 1.000 người nhiễm HIV. Vì sao ở một nơi xa xôi như miền biên viễn này lại có nhiều người mang án tử đến vậy?

Giữa năm nay, vùng cao Quế Phong (Nghệ An) rúng động khi có thông tin cho rằng cả huyện có gần 1.000 người nhiễm HIV. Vì sao ở một nơi xa xôi như miền biên viễn này lại có nhiều người mang án tử đến vậy?

>> Sơn nữ và cạm bẫy
>> Lưng chừng miền đất khổ
>> Đêm trắng trước mùa hoa anh túc

Những con số kinh hoàng

Là thủ phủ ma túy của xứ Nghệ, lẽ mặc nhiên Quế Phong là một vùng đất của nghiện ngập. 14 xã và thị trấn Kim Sơn đều có người nghiện, 13 xã có người nhiễm HIV. Người ta làm một phép tính đơn giản thế này, cứ 3 vụ tai nạn giao thông ở Quế Phong nếu đưa đi cấp cứu thì sẽ có một nạn nhân bị phát hiện nhiễm HIV khi làm xét nghiệm máu. Xã nào nghiện càng nhiều thì số người nhiễm bệnh càng cao, nhiều nhất là: Đồng Văn, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Thôn…

Xã Đồng Văn là một trong những nơi có tỉ lệ người nhiễm HIV cao nhất nhì ở huyện Quế Phong. Ông Vi Thanh Hà, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã dù rất cần mẫn nhưng cũng phải mất gần một buổi sáng để thống kê các con số liên quan, những con số khiến bất cứ ai nghe qua cũng phải lạnh cả người: “Xã Đồng Văn hiện có 44 người nhiễm HIV. Đây là con số được theo dõi có danh sách, thực tế chắc chắn không dừng lại ở đó vì còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em có chồng nhiễm HIV vẫn chưa được đi xét nghiệm. Người bệnh tập trung ở các bản Na Quèn, Na Chảo, Piêng Củng1, Piêng Củng 2…Từ đầu năm đến nay đã có 9 người chết, khoảng 10 người sắp chết vì đã ở giai đoạn cuối rồi”.

Bản Huôi Muổng là một khu tái định cư của công trình thủy điện Hủa Na với 114 nóc nhà, gần 500 nhân khẩu. Cuộc sống có thể gọi là khang trang nếu nhìn vào những ngôi nhà xây trên từng khu đất ô bàn cờ, mô phỏng theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Vậy mà, sự mới mẻ, hào nhoáng ấy không khỏa lấp được những bi kịch trong từng gia đình khi cơn bão HIV tràn qua.

Trưởng bản Huôi Muổng Lô Văn Thứ ngồi bần thần một lúc lâu trước khi nói chuyện với nhà báo về những nỗi đau dân bản ông đang phải gánh chịu: "Nhìn thì giàu có thế thôi chứ thực chất vẫn còn nghèo khổ lắm, số hộ nghèo vẫn còn hơn một nửa. Nguyên nhân nghèo là vì đàn ông con trai cứ nghiện ngập rồi kéo nhau chết hết. Hai năm nay, Huôi Muổng đã có 14 người đã chết vì HIV".

Dẫn tôi đi một vòng quanh Huôi Muổng, ông Thứ chỉ từng nhà có người chết vì HIV trong danh sách mà ông đã thuộc làu. Nhà của Vi Văn Đại, Lô Văn Thủy, Lương Văn Đức, Lô Văn Huy, Hà Văn Tuấn… Nhưng rồi ông trưởng bản cũng thật thà mà rằng: Đấy là những người tôi biết chắc, còn nghi thì nhiều lắm, không biết được.

Nhà chị Lương Thị Hồng nằm giữa bản. Chồng chị, anh Lô Văn Huy chết vì HIV cách đây 2 năm. Ông Thứ dẫn tôi vào ngôi nhà này vì một lẽ, ông bảo, vào để biết vì sao dân bản Huôi Muổng lại chết nhiều như thế. Hồng còn trẻ, chỉ mới ngoài 20. Sau khi chồng chết thì cô mang con gái về ở hẳn bên nhà mẹ đẻ, nhà bà Vi Thị Miên. Thú thật là tôi hơi ái ngại khi nhắc đến cái chết của Huy, chỉ sợ Hồng buồn, bởi dù sao cũng là chuyện hết sức tế nhị. Vậy mà lo ngại ấy thừa, trong câu chuyện tưởng chừng có quá nhiều nỗi đau, quá nhiều bi kịch nhưng thỉnh thoảng Hồng vẫn có thể cười.


Chồng chết vì HIV, chị Hồng phải về sống cùng mẹ đẻ

Huy sinh năm 1985. Cũng như nhiều thanh niên khác ở bản Huôi Muổng, Huy chọn ma túy làm niềm vui sau những ngày lên nương, lên rẫy. Hút chán rồi chích, rồi bị nhiễm HIV lúc nào chẳng hay. Đến năm 2010 thì Huy chết. Đó cũng là thời điểm mà Hồng sinh đứa con gái đầu lòng. Bố mất, nó phải lấy họ mẹ, đặt tên là Lương Hồng Nhẫn. Biết chồng bị nhiễm HIV không? Biết. Biết mắc bệnh này sẽ chết không? Biết. Thế sao còn để lây sang mình? Hồng cười trước câu hỏi của tôi rồi thủng thẳng trả lời: “Có biết nó lây sang mình thế nào đâu, trong bản nhiều người bị thế, thêm mình bị thì có sao”. Tôi bảo Hồng đi xét nghiệm, cô lại cười rồi từ chối với lý do không ai cười nổi: “Em không có tiền”.

Ở sát bên nhà chị Hồng, gia cảnh của Lô Thị Xoan. Xoan trở thành góa phụ ở tuổi 26 khi anh chồng Lô Văn Bích chết vào năm ngoái. Xa hơn một chút, xuống hết con dốc cuối bản là gia cảnh của chị Lô Thị Quang, nơi anh chồng Lô Văn Thủy cũng chết vì ma túy, chết vì HIV. Bằng cái giọng đều đều, chậm rãi, trưởng bản Thứ kết luận khiến tôi nghe mà sởn cả da gà: Cứ đà này rồi chết hết thôi. Buồn quá. Có lẽ chẳng có nơi nào trên đất nước này, bị mắc căn bệnh thế kỷ mà lại có thể hồn nhiên, vô tư như ở mảnh đất này.

“Cô nhi viện” tại nhà

Lang thang ở xã Đồng Văn, có cảm giác cái thời mà nỗi đau từ việc mất mát người thân đã qua từ lâu lắm. Vào từng bản, đến từng nhà, nghe họ kể chuyện con cái, vợ chồng chết vì căn bệnh bệnh thế kỷ cứ nhẹ như không, cứ bình thường như những câu chuyện kể đi kể lại nhiều lần.

Như gia đình ông Lương Văn Quân ở bản Tục là một ví dụ. Nếu nhìn vào hoàn cảnh gia đình này liệu có ai có thể nói rằng nỗi đau mà họ phải gánh chịu là nhỏ? Chắc không ai dám. Nhưng nếu ngồi nghe chính họ kể về bi kịch của gia đình mình mà chẳng hề rơi một giọt nước mắt, xem đó như một câu chuyện bình thường thì quả là chuyện lạ lùng.

Nhà ông Quân có tời 5 người con trai thì 4 người đã lập gia đình, 3 trong số đó đã chết vì căn bệnh thế kỷ. Ngôi nhà sàn của gia đình khá rộng nhưng cuộc sống chật chội vô cùng khi ông bà lần lượt phải đón những đứa cháu về nuôi bởi chúng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhìn cuộc sống ấy, rất dễ để người ta lầm tưởng là cô nhi viện hay một trung tâm bảo trợ trẻ em thu nhỏ.

Người chết đầu tiên trong đại gia đình của ông Quân là anh con trai cả Lương Văn Quê, ba năm về trước. Quê chết, vợ bỏ đi biệt tăm nên cả ba đứa cháu đều bấu víu vào ông bà nội để sống. Cứ tưởng thế đã là khổ cực lắm rồi, nhưng Quê chết đầu năm thì đến giữa năm lại thấy con cái của anh trai thứ tên Lương Văn Hương kéo nhau đến xin ông bà nuôi hộ. Hai ông bà già, nuôi thân đã khó, thêm 5 đứa cháu thì sống bằng gì? Chịu.

Huyện Quế Phong có tỉ lệ người nhiễm HIV nằm trong tốp đầu của cả tỉnh Nghệ An. Năm 2010 có 455 người nhiễm bệnh, năm 2011 tăng lên 600 người, trong đó có 148 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Đến năm 2012, số người nhiễm bệnh tăng kỉ lục, hiện chưa có con số thống kê chính xác nhất nhưng xấp xỉ cả ngàn người.

Nguyên nhân lây nhiễm là vì Quế Phong có nhiều người nghiện, tiêm chích ma túy. Chồng nhiễm bệnh rồi lây sang vợ qua đường quan hệ tình dục. Mặt khác, Quế Phong có vị trí giáp biên với Lào, tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Chỉ biết khi anh con trai thứ 3 là Lương Văn Đại chết thì ông bà Quân xin đầu hàng, không thể nuôi thêm đứa cháu nào được nữa. Đó là năm 2009. Gia đình Đại có 4 người. Đại nghiện ma túy rồi mắc bệnh và chết rất nhanh, ngay trong năm. Một năm sau, vợ Đại là chị Vi Thị Tiềm cũng qua đời khi lây bệnh từ người chồng nghiện.

Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, đứa con thứ 2 của vợ chồng Đại là cháu Lương Văn Thắng cũng bỏ mạng khi mới lên 5 tuổi. Thành thử bây giờ, thành viên duy nhất trong gia đình anh Đại, chị Tiềm còn sống là cháu Lương Thị Vân (12 tuổi), đang phải ở với bà ngoại Vi Thị Nhất ở bản Huôi Muổng.

Tôi đến tìm và le lói những tia mừng khi thấy Vân khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đang đi học lớp 6. Bà Nhất bảo rằng có lẽ cháu nó không bị bệnh vì khi Tiềm sinh nó, Đại chưa bị nghiện ngập, chưa bị nhiễm HIV.


Trưởng bản Thứ: Cứ đà này rồi chết hết thôi

Lang thang trong các bản làng Đồng Văn, ở đâu người ta cũng điểm mặt chỉ tên những mái nhà có người mắc bệnh. Ông Vi Thanh Hà còn nói như đinh đóng cột rằng: Hiện có 4 phụ nữ mà cái chết đang rất cận kề gồm chị Hà Thị Sen (42 tuổi) ở bản Noong Đanh, chị Hà Thị Hương (30 tuổi) ở bản Na Quèn, chị Sầm Thị Thu (27 tuổi) ở bản Na Quèn và chị Lang Thị Giang (29 tuổi) bản Na Chảo. Cả 4 phụ nữ này đều chết theo những ông chồng nhiễm HIV, những cái chết được báo trước thật hãi hùng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất