| Hotline: 0983.970.780

Nơi chỉ có hộ nghèo

Thứ Sáu 12/12/2014 , 08:10 (GMT+7)

Muốn đến làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh, Bình Định), chúng tôi phải vượt qua 4 con suối và hàng chục đèo dốc khúc khuỷu...

Làng ba không

Mặc dù làng Canh Giao nằm trên địa bàn xã Canh Hiệp thuộc huyện Vân Canh (Bình Định), nhưng muốn đến, từ TP. Quy Nhơn chúng tôi phải vượt qua chặng đường hơn 60km để đến xã Đa Lộc thuộc huyện Đồng Xuân (Phú Yên) mới có con đường mòn độc đạo đến Canh Giao.

Để vượt qua con đường độc đạo này cũng chẳng dễ dàng gì, bởi lẽ, chuyến hành trình của chúng tôi thường xuyên bị hàng chục đèo dốc gây khó, và phải nhiều lần khiêng xe máy qua 4 con suối.

Con suối đầu tiên chúng tôi gặp có tên là Suối Một. Sau cơn bão số 4, mực nước suối dâng cao cả mét, người qua đã khó nói gì xe máy. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, anh Lê Văn Mai (25 tuổi), người bạn đồng hành cùng chúng tôi lên làng Canh Giao, nói: “Xắn quần vác xe máy qua suối thôi”.

Qua suối là dốc, hết dốc đến suối, rồi lại đến dốc... chặng đường chỉ dài khoảng 7km nhưng “ngốn” hết của chúng tôi 2 giờ đồng hồ.

“Trời nắng thì sỏi đá làm trượt bánh xe, mưa thì phải khiêng xe qua suối. Do đó, chỉ có đàn ông Canh Giao mới đảm đương việc đi chợ. Mỗi lần đi chợ, các đấng mày râu thồ gạo, cá, mắm về cho gia đình dùng cả tháng. Phụ nữ đố ai dám lái xe máy đi trên con đường này”, anh Mai hé lộ khó khăn của ngôi làng nghèo Canh Giao.

Trong chiến tranh, Canh Giao là căn cứ địa cách mạng. Sau ngày giải phóng, dân ở lại lập làng định cư đến nay. Từ vài hộ ban đầu, giờ dân số đã tăng lên 51 hộ với 189 nhân khẩu. Gọi Canh Giao là làng nghèo cũng không ngoa, bởi trong 51 hộ đã có đến 48 hộ nghèo, 3 hộ còn lại là... cận nghèo.

Dân làng gọi Canh Giao là làng “ba không” bởi trong bộ tứ “điện, đường, trường, trạm”, ở Canh Giao mới chỉ có trường, không điện, không đường, không trạm.

Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thôn cho biết: “Làng lập lâu lắm rồi, tôi ở đây đã là đời thứ 3. Ở Canh Giao hầu hết là người dân tộc Chăm, sinh sống tựa vào nghề rừng. Trước đây, bà con thu lâm sản phụ dưới tán rừng, cố lắm cũng chỉ đủ kiếm cái ăn qua ngày. Mấy năm nay bắt đầu phát triển nghề trồng rừng SX kết hợp chăn nuôi, cuộc sống khấm khá hơn”.

Tuy nhiên, do cách sông, cách núi, không có đường giao thông nên nông sản làm ra ở Canh Giao không có đường tiêu thụ. Thương lái vào đến đây mua thì giá rẻ như bèo, nên người làng cứ nghèo mãi.

Đến năm 2002, nhờ dân làng tự mở con đường đi qua Đa Lộc (Đồng Xuân, Phú Yên), mới rút ngắn được khoảng cách với đồng bằng.

Không có điện lưới quốc gia, dân Canh Giao phải dùng điện máy nổ. “Mỗi ngày, người dân ở đây được dùng điện từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối. Từ đầu năm đến nay, do máy phát điện bị hư, dầu hết nên dân Canh Giao phải chịu sống cảnh "tắt đèn", mới có điện lại cách nay khoảng 2 tuần. Cứ đến mùa mưa là làng thường xuyên bị cô lập, làng phải họp dân thông báo tình hình mưa lũ để bà con mua dự trữ lương thực, thuốc men...”, Trưởng làng Canh Giao cho biết thêm.

Chuyện y tế ở Canh Giao nghe càng thê thảm hơn. Trước đây, khi chưa có con đường về Đa Lộc, ai lỡ đau yếu chỉ có nằm cầu trời. Bây giờ, trong làng có ai bệnh nặng thì thanh niên xúm lại võng ra khỏi rừng, rồi dùng xe máy chở về huyện cấp cứu.

Khoảng 10 năm nay chuyện y tế ở Canh Giao có được cải thiện hơn vì có tủ thuốc y tế về thôn. Một năm có vài ba đoàn tình nguyện về làng khám, cấp thuốc.

Người phụ trách y tế làng Canh Giao, chị Nguyễn Thị Thu (29 tuổi), nói: “Chuyện sinh nở của chị em ở đây còn là chuyện nan giải, vận động mãi chẳng ai chịu về bệnh viện huyện để sinh, chỉ trông cậy vào mụ vườn. Bởi muốn về bệnh viện huyện sinh thì phải đi trước cả tuần, bất tiện”.

Tuy nhiên, Canh Giao cũng đã “rục rịch” thay đổi. Nếu như từ năm 2003 về trước, dân làng chỉ toàn đi bộ thì nay đã có xe máy. Dân làng khấm khá hơn nhờ trồng rừng.

15-28-26_2
15-28-26_1
Khiêng xe qua suối

“Nhờ có giáo viên cắm bản nên 4 năm nay việc học của trẻ em Canh Giao có khá hơn. Đến nay, cả làng đã có 8 học sinh đi học cấp II ở huyện và 1 đang theo học cấp III tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Cứ cái đà này, một ngày gần đây Canh Giao sẽ có học sinh ngồi trong những giảng đường đại học”, Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thôn hy vọng.

Làng có nhà văn hóa cộng đồng khá khang trang. Nhà cửa ở đây cũng được xây dựng kiên cố hơn để tránh trú mưa bão. Tết đến, dân làng được dùng điện nguyên 1 ngày đầu năm.

Gian nan chuyện học

Chuyện học ở Canh Giao cũng rất nghèo nàn. Cả làng có 39 học sinh từ mẫu giáo đến các cấp; chiếm đa số (27 cháu) là học sinh mẫu giáo và cấp I.

“Con em ở làng Canh Giao kiếm cái chữ khó lắm. Hết cấp I, lên cấp II, cấp III học sinh phải lên trường huyện, xa xôi cách trở nên nhiều cháu bỏ học giữa chừng. Mấy năm nay nhờ giáo viên về cắm bản nên chuyện học có đỡ hơn”, anh Nguyễn Kim Minh, người làng Canh Giao, tâm sự.

Chuyện học hành của lũ trẻ ở Canh Giao hầu như được các bậc phụ huynh “khoán trắng” cho các cô giáo để bám vào rừng kiếm sống. Do đó, cứ “cô giáo đến là mang chữ đến, cô giáo đi là con chữ đi theo”, nên chuyện học ở Canh Giao bao đời nay rất bấp bênh.

Chỉ mấy năm gần đây, ngành giáo dục huyện Vân Canh tổ chức giáo viên cắm bản nên chuyện học ở Canh Giao mới được cải thiện.

Giáo viên về cắm bản ở Canh Giao là “cắm” đời vào cơ cực. Ăn rau rừng nhiều hơn rau chợ. Muốn về xuôi đi chợ phải leo đèo, vượt suối, chuyện “đo đường” là thường xuyên.

“Nếu thầy cô giáo về đây không chịu nổi cơ cực, không kiên trì bám trụ thì con em làng Canh Giao khó kiếm được cái chữ. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên ở đây còn phải “3 cùng” với người dân để chia sẻ, vận động họ động viên con em đi học”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hương, bộc bạch.

Hằng năm, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học xã Canh Hiệp phải luân phiên “cõng chữ” về với làng Canh Giao.

“Năm đầu tiên vào ngành, tôi được phân vào đây công tác. Lần đầu tiên về làng, dắt xe qua mấy con suối, leo hàng chục con dốc... tôi đã phải bật khóc. Khi đặt chân đến ngôi làng nằm heo hút giữa rừng núi, tôi ngỡ mình sẽ không trụ được. Nhưng khi nhìn thấy các cháu học sinh, lòng tôi lại nghĩ khác.

Mọi thứ rồi cũng quen dần, tôi bắt đầu hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Bắt đầu quen với chuyện không điện, với không internet, với vô vàn thiếu thốn. Người thân mỗi ngày là 13 học trò mẫu giáo”, cô giáo mầm non Đoàn Thị Sanh (22 tuổi) bày tỏ.

Dù đã quen dần, nhưng đến bây giờ cô giáo Sanh còn phải “vật vã” với các học trò vùng cao về môn tiếng Việt. Do thiếu thốn dụng cụ học tập nên tiết học không sinh động, học tiếng Việt khó quá với các cháu người Chăm nên rất lơ là.

Ở Canh Giao, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các cô giáo không được học sinh tặng hoa, tặng quà như ở miền xuôi; nhưng học trò ở đây có những món quà rất mộc mạc mà đầy tình, đó là những những bó rau rừng, gánh củi khô, đĩa trái cây hái từ rừng. Các cô giáo ở Canh Giao càng vui hơn khi có em đến chào để ra trường huyện tiếp tục việc học.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất