| Hotline: 0983.970.780

Nơi cho trẻ những nụ cười

Thứ Sáu 01/06/2012 , 09:46 (GMT+7)

Từ 23 năm nay, Tịnh xá Linh Quang đã là nơi đùm bọc, che chở, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng hoàn toàn miễn phí cho hàng ngàn trẻ em kém may mắn...

Một chiều cuối tháng 5, tôi tìm đến Tịnh xá Linh Quang (số 40/60 Nguyễn Khoái, phường 2, Q4, TPHCM) gặp vị sư trụ trì - Thượng tọa Thích Từ Giang, để nghe và thấy tấm lòng của ông với hàng ngàn đứa trẻ kém may mắn.

Ông là người sáng lập Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật đầu tiên (năm 1989) của TPHCM để nuôi dạy trẻ em bất hạnh bởi những căn bệnh bẩm sinh như câm, điếc, thiểu năng, hội chứng down…  

MỘT ĐỜI VÌ TRẺ BẤT HẠNH 

Tịnh xá Linh Quang nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khoái, người xe qua lại như mắc cửi. Nhưng khi bước vào khuôn viên Tịnh xá, tôi cảm giác như lọt vào một thế giới khác. Một vị sư còn khá trẻ dẫn tôi lên phòng thượng tọa Thích Từ Giang, căn phòng nhỏ yên tĩnh đầy ắp sách và những bài giảng kinh phật của vị sư đã có 50 năm tu hành.


Thượng tọa Thích Từ Giang

Sinh năm 1943, trong một gia đình gia giáo, giàu truyền thống yêu nước tại Q4, TPHCM, từ nhỏ ông đã phải chứng kiến cảnh loạn ly, cướp bóc, nên sớm hình thành tư tưởng  “diệt khổ, cứu độ chúng sinh”. Tốt nghiệp tú tài, với tâm nguyện chữa bệnh cứu người, chàng trai Trương Văn Phát đã thi đậu vào trường y. Nhưng do đã có ý xuất gia từ trước nên năm 1963, khi cha mẹ hối thúc lập gia đình, chàng trai trẻ đã trốn nhà vào chùa chính thức xuống tóc quy y nơi cửa phật, lấy danh phật là Thích Từ Giang. Năm 1983, ông chính thức nhận trách nhiệm trụ trì Linh Quang Tịnh xá.

Nói về lý do lập mái ấm nuôi dạy những đứa trẻ bất hạnh bị dị tật tại TPHCM, thượng tọa Thích Từ Giang kể: “Năm 1989, thầy tình cờ nhìn thấy một thiếu phụ dắt đứa con chừng 3 - 4 tuổi lẫm chẫm vào viếng chùa. Nhìn đứa trẻ, thầy biết nó phát triển không bình thường vì thiểu năng. Lại gần hỏi thăm thì người mẹ kể rằng hoàn cảnh của chị đang rất khó khăn nhưng không thể đi làm kiếm tiền được vì phải ở nhà chăm sóc con. Nhìn những đứa trẻ bình thường khác ríu rít bên cha mẹ, chị rất đau lòng mà không biết phải làm sao. Sau đó, hình ảnh đứa trẻ thiểu năng ấy cứ theo thầy không dứt ra được.

Thầy nghĩ một đứa trẻ như thế là phải có một người lớn ở bên cạnh để chăm sóc, nếu có 100 đứa trẻ như vậy tức là 100 người lớn phải bỏ việc. Chưa kể là họ chỉ biết cho nó ăn, ngủ chứ không biết làm gì để giúp nó thoát hoặc giảm đi sự bất hạnh. Từ những suy nghĩ này, thầy đã đề xuất với chính quyền Q4 xin mở một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật miễn phí. Hồi ấy, Q4 là vùng đất nghèo, bà con chủ yếu là lao động làm thuê nên trẻ khuyết tật thường bị bỏ rơi.


Các cháu đang sinh hoạt tại Trung tâm

Với gia đình, các em như một nỗi đau, một gánh nặng quá lớn. Trong hoàn cảnh đó, đề xuất của thầy được chính quyền chấp nhận. Từ một ngôi nhà bỏ hoang từ sau giải phóng, tháng 10/1989, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q4, TPHCM đã chính thức thành lập tại số 91 Nguyễn Khoái, P1”.

Từ 23 năm nay, Trung tâm đã là nơi đùm bọc, che chở, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng hoàn toàn miễn phí cho hàng ngàn trẻ em kém may mắn trên địa bàn và các tỉnh lân cận bị mắc các hội chứng down, thiểu năng trí tuệ, liệt chi, câm - điếc, thần kinh… những hoạt động của Trung tâm đã giúp hàng trăm đứa trẻ hòa nhập với cộng đồng như một người bình thường. Hoặc những đứa trẻ bị bệnh quá nặng, trung tâm cũng đã làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình họ.  

TỪ NƠI NÀY TRẺ BIẾT ƯỚC MƠ

Rời căn phòng của thượng tọa Thích Từ Giang, tôi tìm đến Trung tâm nằm cách đó chừng 300 mét. Đó là một khuôn viên rộng hơn 500 m2, với 10 phòng học cho trẻ. Ở đây việc phân lớp không theo độ tuổi như bình thường mà phân theo cấp độ và loại bệnh của trẻ. Ngoài học chữ, các em còn được “học” cách vui chơi, học nghề và luyện tập phục hồi chức năng mỗi ngày để sớm được hòa nhập với xã hội.

Ông Bùi Tấn Hiếu, 61 tuổi, người đã theo Trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập, vừa dẫn tôi đi tham quan vừa giới thiệu: “Hồi đầu, chúng tôi thu nhận rồi nuôi dạy và chăm sóc các cháu bằng tình thương, trách nhiệm là chính, chứ kinh nghiệm thì chưa có bao nhiêu. Lúc đó, thầy (thượng tọa Thích Từ Giang - PV) là người duy nhất có kinh nghiệm nên vừa chăm sóc các cháu lại vừa truyền kinh nghiệm cho chúng tôi. Vất vả lắm. Do các em không làm chủ được hành vi, sinh hoạt của mình, nên việc chăm sóc rất cực nhọc và phải có tấm lòng nhân ái, kiên trì mới có thể làm được. Thầy chính là người như thế".


Cháu đang học làm chổi lông gà

Trong số hơn 100 trẻ Trung tâm đang dạy, ngoài những em bị hội chứng down với khuôn mặt rất dễ nhận ra, có nhiều đứa trẻ khác có khuôn mặt bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí rất sáng sủa. Tại phòng hướng nghiệp, tôi gặp một cậu bé chừng 10 tuổi với khuôn mặt sáng láng và không có đấu hiệu gì cho thấy em không bình thường.

Nhưng, tôi hỏi nhiều lần câu: “Con tên gì?”; cậu bé mới ấp úng: “Con tên Bình Dương”. Tôi hỏi tiếp: “Con mấy tuổi rồi?”; cậu bé phải nghe đến lần thứ 2 mới trả lời: “Con 12 tuổi”. Bà Trương Thị Lợi (em ruột thượng tọa Thích Từ Giang), Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: “Cháu (tức Bình Dương - PV) bị thiểu năng trí tuệ, vào Trung tâm được hơn 2 năm. So với hồi đầu cháu đỡ nhiều rồi. Chứ hồi còn ở với gia đình, 10 tuổi rồi mà nếu không có người trông, nó có thể tự nhiên đi xuống lòng đường giữa xe cộ mà không ý thức được sự nguy hiểm”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hoài Ru (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), người từng có con bị thiểu năng được Trung tâm điều trị, cho hay: “Con tôi được Trung tâm cưu mang từ năm 2001 đến 2006. Khi đó cháu như một cái xác không hồn vì bị thiểu năng. Bây giờ, dù cháu không được thông minh, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác, nhưng cũng biết suy nghĩ, đi làm việc đơn giản được”.
Khi nghe tôi hỏi có muốn về nhà không, Bình Dương gật đầu. “Sau này con muốn làm gì?” tôi hỏi tiếp. Bình Dương đắn đo một hồi rồi nói ngọng ngịu: “Con đi lái xe”.

Tấm lòng của vị sư già và tập thể nhân viên Trung tâm đã lay động trái tim nhiều người. Hiện nay, những đứa trẻ kém may mắn của Trung tâm đã nhận được sự chăm sóc hằng tháng của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện Tâm thần TP HCM. Không chỉ thế, tiếng tăm của Trung tâm đã vượt ra ngoài biên giới. Năm 1994, công chúa Hoàng gia Anh Anne Elizabeth, Chủ tịch Hội cứu trợ Nhi đồng tại Anh, đã nghe tiếng và đã nhiều lần đến thăm Trung tâm.


Múa, hát là một trong những kỹ năng sống được trung tâm đưa vào chương trình dạy

Trong một lá thư gửi thượng tọa Thích Từ Giang, người đại diện của công chúa, viết: “Công chúa vô cùng cảm kích trước những nỗ lực và sự cống hiến của thượng tọa cùng toàn thể cán bộ Trung tâm vì đã nuôi dạy, uốn nắn các trẻ em tật nguyền. Công chúa gửi lời cảm ơn chân thành đến thượng tọa, kỷ niệm về Trung tâm là niềm hạnh phúc và đáng nhớ của công chúa đối với đất nước xinh đẹp của thượng tọa”.

Ngoài ra, cứ vào tháng 12 hằng năm, cặp vợ chồng người Mỹ tên Charles White lại sang Việt Nam và ghé Trung tâm để làm ông già Noel tặng quà cho các em.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm