| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau vùng rốn lũ

Thứ Hai 18/11/2013 , 10:32 (GMT+7)

Nếu như huyện Tây Sơn là thượng nguồn của lũ thì huyện Tuy Phước là “rốn” lũ ở tỉnh Bình Định...

Nếu như huyện Tây Sơn là thượng nguồn của lũ thì huyện Tuy Phước là “rốn” lũ ở tỉnh Bình Định. Tuy Phước được mệnh danh là “cái túi” đựng nước. Trong cơn lũ lịch sử này, “cái túi nước” Tuy Phước đã phải hứng chịu những dòng nước hung hãn từ cả 2 nguồn sông Hà Thanh và sông Kôn...

Ngày 17/11, PV NNVN đã có mặt tại 1 vùng dân cư còn bị lũ cô lập, và được chứng kiến những hoàn cảnh bi đát do lũ gây ra.

Thôn Diêm Vân thuộc xã Phước Thuận (Tuy Phước, Bình Định) là vùng đất nằm ven đầm Thị Nại. Nơi chỉ cần vài cơn mưa lớn đã trở thành cái “túi đựng nước”. Từ đêm 15/11 đến nay, những người dân ở đây bị lũ bao vây tứ phía, chẳng ai có thể bước chân ra khỏi làng. Để đến được nơi bị lũ cô lập này, chúng tôi đã phải nhờ UBND huyện Tuy Phước bố trí ca nô.


Đến nay thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) vẫn còn bị lũ cô lập

Trước đây, tôi đã có không ít lần ngao du trên sông Hà Thanh bằng xuồng chèo. Những lần ấy, tôi thấy sao mà dòng Hà Thanh hiền hòa đến vậy. Còn bây giờ, dòng nước hung hãn đục ngầu cứ như muốn nuốt chửng chiếc ca nô của chúng tôi bất cứ lúc nào.

Ca nô cập bờ, chúng tôi đi bộ vào làng. Mới đến đầu xóm 1, đã nhìn thấy 1 ngôi nhà đổ ập ngay bên đường đi. Hỏi thăm, chúng tôi được người làng cho biết đó là nhà của anh Huỳnh Văn Hợp (49 tuổi), vừa bị lũ xô sập vào rạng sáng ngày 16/11.

Nhìn vào nhà, tôi thấy vợ chồng anh Hợp đang lục tục dọn dẹp đống gạch ngói đổ nát với gương mặt tuyệt vọng. Sao có thể không buồn, đối với người dân miền sông nước này, để dành dụm có đủ tiền xây dựng 1 ngôi nhà như thế không phải chuyện đơn giản. Vậy mà giờ chỉ còn 1 đống hoang tàn.

Bằng giọng nói rất buồn, anh Hợp kể: “Vợ chồng tui làm ăn dành dụm xây dựng được ngôi nhà này vào năm 1993. Nó đã từng chịu đựng cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 2009, thế nhưng cơn lũ lần ấy nước dâng chậm, và không có sức phá như bây giờ nên còn trụ được. Cơn lũ lần này nước dâng rất nhanh, nước trút ầm ập, loáng cái đã ngập lút.

Khi nhìn thấy bờ thủy sản của ông Võ Sĩ Hoàng bị lũ làm bung mấy đoạn, tui biết là đã lớn chuyện, liền bảo 2 đứa con đi qua nhà hàng xóm trú tạm. Tui cùng vợ con dọn dẹp kê cao đồ đạc trong nhà, lúc ấy là 3 giờ sáng ngày 16/11. Nằm bên nhà hàng xóm mà lòng tui không yên lo ngôi nhà bị sập vì lũ lớn quá. Y như rằng, chỉ giờ đồng hồ sau tui nghe nó đổ cái ầm, vợ chồng con cái chỉ còn biết ôm nhau khóc”.


Anh Huỳnh Văn Hợp thu dọn đống gạch ngói đổ nát

Ở xóm 2, cách nhà anh Hợp chừng vài trăm mét, trường hợp của cụ bà Trần Thị Lo, năm nay đã ngoài 80 tuổi, còn thê thảm hơn. Căn nhà nhỏ của bà Lo trông không sang trọng gì, nhưng đó là căn nhà cả đời bà mong ước mới có được. 

Già cả, sống 1 thân 1 mình, bà Lo được xếp vào diện hộ nghèo. Năm 2004, được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng, bà con trong làng người góp công, người góp thêm ít vật liệu để xây dựng cho bà ngôi nhà này. Bà mừng lắm, cứ ngỡ quãng đời còn lại sẽ được sống trong ngôi nhà ấm áp. Không ngờ lũ đã “bứng” nó rời khỏi mặt đất, đổ ập thành 1 đống hoang tàn. “Đêm đó, may con gái kịp dắt tui qua nhà nó trú, chớ không chắc bây giờ cái thân già này đã nằm dưới đống gạch đá kia”, bà Lo móm mém nói.

Nhà sập, bà Lo không còn nước mắt để khóc, vì cuộc đời buồn khổ của bà đã lấy hết nước mắt. Trước đây bà Lo có chồng nhưng chưa kịp có con thì chồng bà bị lao phổi chết. Không như nhiều phụ nữ khác là tìm lại nơi nương tựa bằng cách “bước thêm bước nữa”, bà Lo xin con nuôi để có người hôm sớm sau này.

Không ngờ vào năm 2001, đứa con gái nuôi của bà cũng lâm trọng bệnh mà chết, khi ấy mới chỉ 19 tuổi. Người con gái nuôi khác, tên là Trần Thị Em. Chị Em có chồng ra ở riêng. Tuy ở gần mẹ, nhưng chị cũng không giúp mẹ được gì, vì cái nghề làm lưới của chồng không đủ nuôi 8 đứa con thì lấy đâu giúp mẹ. Bà Lo lại thui thủi làm ăn 1 mình. Tôi hỏi bà: “Nhà sập rồi sau này sẽ tính ở đâu?”. Bà Lo không trả lời, chỉ nhìn đăm đăm vào đống đổ nát chưa kịp dọn dẹp với đôi mắt tuyệt vọng.


Cụ bà Trần Thị Lo trước căn nhà vừa bị lũ xô sập

Cũng tại xóm 2, một hộ cận nghèo khác là bà Trần Thị Loan cũng vừa bị lũ “xô” sập nhà. Bà Loan không có chồng, nhưng có đến 3 đứa con. Đứa con đầu bị bệnh mà chết lúc nhỏ, còn lại một đứa đang học lớp 5, một đứa học mẫu giáo. Ngoài gánh nặng nuôi con ăn học, bà Loan còn phải chật vật với căn bệnh thiểu năng trí tuệ của cả 2 đứa con mình.

Đứa lớn đã 15 tuổi nhưng học mãi cũng chỉ mới lớp 5. Để kiếm tiền nuôi con ăn học, ngày ngày bà Loan đi kéo lưới thuê cho những người trong làng. Ngày được thì được chủ lưới chia cho 1 - 2 trăm ngàn, ngày đánh bắt được ít tôm cá thì chỉ cầm được trong tay năm bảy chục ngàn, đủ mua gạo cho con. Gia đình bà Loan cũng thuộc diện hộ cận nghèo. Tài sản đáng giá duy nhất của bà là căn nhà. Ấy vậy mà bây giờ nó chỉ còn là 1 đống đổ nát.

Trưởng thôn Diêm Vân, ông Phạm Cảnh Nhàn cho biết, trong thôn chỉ có mấy chục hộ dân, nhưng trong cơn lũ vừa qua ngoài 3 trường hợp nêu trên còn có 2 trường hợp khác cũng có nhà bị sập trong lũ. Đó là nhà ông Nguyễn Văn Xin ở xóm 1 và nhà ông Dương Ngọc Lài ở xóm 2. Hầu hết những hộ có nhà sập đều là hộ nghèo, rất khó khăn.

Mới chỉ đến 1 ngôi làng nhỏ mà chúng tôi chứng kiến chừng ấy hoàn cảnh sau cơn lũ lịch sử này. Trong khi theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Bình Định, sau Tây Sơn, huyện Tuy Phước và TX An Nhơn là 2 địa phương bị lũ càn quét nặng nề nhất.

Theo Ban PCLB-TKCN huyện Tuy Phước, cơn lũ dữ vừa qua đã xô sập hoàn toàn 20 căn nhà bán kiên cố và nhấn chìm 36.904 ngôi nhà khác. Nỗi đau không còn nơi để ở hiện đang làm nhức nhối nhiều làng quê ở huyện này, hàng chục gia đình đang lâm tình cảnh không biết đi đâu về đâu sau khi cơn lũ đi qua. Buồn hơn nữa là hầu hết những trường hợp nhà sập đều rơi vào những gia đình nghèo khó!

“Những gia đình có nhà bị sập đã đau đớn, những gia đình có người chết trong lũ còn đau đớn hơn.

Cơn lũ vừa qua đã cuốn trôi 4 người dân Tuy Phước, đó là cháu Lê Văn Tá (14 tuổi) ở thôn An Sơn 2, xã Phước An; ông Ngô Văn Bá (75 tuổi) ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang; ông Cao Văn Phong (31 tuổi) ở thôn Nho Lâm, xã Phước Hưng và cháu Trần An Tưởng (14 tuổi) ỏ thôn Quảng Điền, xã Phước Quang. Ngoài ra còn 1 người mất tích”, ông Trần Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.