| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ chăn nuôi... giữa lòng thành phố

Thứ Năm 11/06/2015 , 09:54 (GMT+7)

Ở trung tâm TP Cần Thơ hiện có một HTX nuôi mấy trăm con bò sữa là điển hình kinh tế hợp tác của Cần Thơ và nhiều hộ nuôi heo khá lớn. 

Nhưng từ đây cũng cho một góc nhìn về thực trạng ngành chăn nuôi ở đô thị trung tâm vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia.

Con đường nhựa chạy giữa những ngôi nhà san sát. Vào khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa (quận Bình Thủy), thấy thấp thoáng bên đường tấm bảng đỏ có dòng chữ vàng “Hợp tác xã Chăn nuôi Bò sữa Long Hòa”. Đây là nhà của ông Võ Thanh Cần, Giám đốc HTX, cho treo bảng để tạm làm trụ sở mà thôi.

15-36-23_1006151
Giám đốc Võ Thanh Cần (áo thun ngồi giữa) tiếp khách đến thăm tại nhà riêng kiêm trụ sở HTX

Hom hem

Ngôi nhà cấp bốn, cột tô đá rửa, lối kiến trúc của vài chục năm trước. Đầu tường rêu phong đen đúa, đỉnh cột nứt nẻ. Nền rõ dấu vết vừa được tôn cao khiến ngôi nhà trở nên thấp và tối. Bước vào gian nhà u tối đụng ngay một mùi nồng hăng hắc, thum thủm khai: Mùi chuồng bò!

Đi ra sau theo lối hẹp qua gian bếp và nhà vệ sinh, gặp chuồng nuôi bò. Nếu hình dung chuồng nuôi bò sữa ở trang trại đâu đó, những dãy nhà dài san sát đầu bò lực lưỡng thò ra đẹp như tranh, thì bước vô đây sẽ thất vọng ngỡ ngàng.

Chuồng tạm bợ cột xi măng tróc lở được giằng buộc tre và gỗ tạp nham, mái lợp tôn xi măng thấp tè. Chuồng chật chội quây lộn xộn trong mảnh đất hẹp. Một ô nuôi bò nằm dọc nối từ tường nhà ở đi ra có mấy con bò lớn đứng sát nhau, một ô nuôi bò nằm ngang có mấy con bò nhỏ. Sát phía sau nơi bò đứng là rãnh trải ni lông để hứng phân ủ biogas.

Giám đốc Võ Thanh Cần giới thiệu, HTX ra đời tháng 3/2004, đến nay có 25 thành viên với 300 con bò. Khoảng nửa số bò thường xuyên cho sữa, mỗi con một năm cho sữa bán được dăm chục triệu đồng. HTX liên hệ mua thức ăn tinh và xác hèm bia cho các thành viên, đồng thời liên hệ với Vinamilk và Farm Milk để bán sữa hàng ngày.

“Khó khăn nhất hiện nay là không có đất để trồng cỏ, chật chội nên ô nhiễm môi trường. Vốn của HTX chỉ có 70 triệu đồng, vay ngân hàng chính sách thì định suất thấp, vay thế chấp thì diện tích đất ít nên không được bao nhiêu”, ông Cần kết thúc lời giới thiệu bằng liệt kê hàng loạt khó khăn đang chặn ngang đường phát triển của HTX.

Thấy và nghe như vậy, không cần thiết hỏi sâu về lời lãi nữa, mà muốn tìm hiểu “chặng đường phát triển” để HTX trở thành điển hình tiên tiến giữa trung tâm TP Cần Thơ. Ông Cần nhớ lại, thuở ra đời có 12 hộ với 26 con bò, tất cả bò được hỗ trợ từ các chương trình quốc tế và quốc gia.

Những năm tiếp theo, thêm hàng loạt “hỗ trợ” nhiều mặt từ chính quyền: hỗ trợ làm 15 hầm và túi ủ biogas, hỗ trợ tiêm phòng bệnh cho bò, hỗ trợ kỹ thuật nuôi bò sữa, hỗ trợ đi dự các hội nghị và hội thảo gần xa, hỗ trợ tham quan học tập mô hình nuôi bò sữa hiệu quả trong và ngoài thành phố.

Hiện giờ để vượt qua khó khăn, Giám đốc Cần cũng nêu một loạt đề nghị chính quyền hỗ trợ: con giống mới, thuốc tiêm ngừa lở mồm long móng cho đàn bò, được vay vốn tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội.

Càng nghe càng thấy HTX quá… hom hem. Dường như chưa tự lực được gì cả để bây giờ trụ sở không, máy móc không, năng lực lo đầu ra cho sản phẩm vốn là lý do hàng đầu để xây dựng HTX, cũng không nốt.

Ông Cần than thở: “Đến mua sữa, Farm Milk kiểm tra chất lượng có công khai các tiêu chuẩn rõ ràng, còn Vinamilk bảo sao chúng tôi phải nghe vậy”.

Nói đến cái sự hom hem thì cũng phải dành đôi lời về chính Giám đốc Cần. Vóc người nhỏ, gầy gò, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, đôi mắt trũng sâu. Mới đây tiếp đoàn cán bộ từ quận đến Trung ương về thăm, nom ông càng nhỏ bé khi áo phông túm tíu bỏ trong quần, ngồi co ro trên ghế sa lông rẻ tiền, hai bàn tay cứ thu lu kẹp giữa đùi.

Nhìn bộ dạng ông, chợt nhớ lời kể của một vị giám đốc HTX vừa đi tham quan mô hình HTX nông nghiệp bên Hàn Quốc về: trụ sở của họ khang trang, từ cán bộ quản lý đến nhân viên lễ tân làm việc như một tập đoàn.

Chưa dám hy vọng Giám đốc Cần có được phong thái đĩnh đạc lãnh đạo, chỉ mong ông bớt hom hem, làm việc có lương tháng, không còn cơm vợ và lấy nhà riêng làm trụ sở nữa. Nhưng mong ước giản dị ấy hóa ra cũng xa vời khi ông bộc bạch: “Do quá trình đô thị hóa nên đất đai ngày càng hẹp, không phát triển được”.

Nhường đời con

Ông Nguyễn Quốc Uy gò lưng trên xe máy chở 4 thùng thức ăn cho heo, chạy về khu vực 6, phường An Khánh (quận Ninh Kiều). Đến trước căn nhà cấp bốn, ông loay hoay gạt chân chống xe máy để bước xuống, khệ nệ xách các thùng ra chuồng heo sát sau nhà. Vốn là thùng đựng sơn tường nên bằng nhựa tốt, ông Uy cho biết, mỗi thùng đựng được hai chục lít.

Đó là thùng đựng thức ăn dư thừa ở các hàng quán, nhà trọ, ông xin đặt sẵn để hứng và ngày 2-3 lần đi chở về cho heo ăn. Ông cười, tận dụng cơm thừa canh cặn nuôi heo mới có lời, chứ mua thức ăn công nghiệp thì lỗ, còn rau cỏ giữa trung tâm thành phố không có đất trồng.

Suốt ngày quay với đàn heo thịt gần 40 con, thêm 2 heo nái, nom ông Uy già hơn tuổi 57. Ông kể, gia đình ông sống nhờ heo nên dù ở giữa đô thị, nuôi heo rất khó khăn vẫn không thể bỏ. “Bỏ heo thì lấy gì sống?”, ông ngơ ngác.

Trước đây, ông làm việc ở Trung tâm nước sạch nông thôn, lương thấp không đủ sống nên vợ đã nuôi heo, cũng như mọi viên chức ở phố thời đó vẫn nuôi heo, nhưng chỉ vài con. Cách nay chục năm, ông nghỉ về nhà mới nuôi nhiều heo, dù xung quanh các dự án khu dân cư mở ra bao bọc.

15-36-23_1006152
Chở cơm thừa canh cặn về nuôi heo trên đường phố Cần Thơ

Đất hẹp, khi còn ít heo ông có đào ao nuôi cá, làm túi ủ biogas. Khi nuôi nhiều heo, ông mở rộng chuồng trại đã lấp ao, túi biogas bị thủng không có tiền xây hầm nên phân và nước tiểu heo cho chảy ra một vũng nhỏ. “Tôi xử lý vôi kỹ lắm”, ông nói. Tuy nhiên, mùi phân và nước tiểu của đàn heo lớn thì không cách gì gói được trong không gian hẹp, mà loang rộng, bước đến nhà ông đã nghe… thum thủm.

Cách nhà ông Uy một đoạn, cùng phường An Khánh, nhà chị Phan Thu Em ở khu vực 5, nuôi khoảng 30 con cũng phả mùi hôi lan rộng. Chuồng trại tạm bợ, thức ăn cho heo bằng cơm thừa canh cặn, chị nở nụ cười già hơn tuổi 44 kể rằng, đất nằm trong quy hoạch “treo” nên không dám làm chuồng trại.

Thỉnh thoảng, heo phá chuồng túa ra, chị phải vất vả lùa vào. Nuôi heo cung cách lạc hậu nhưng cứ 5 tháng, chị xuất chuồng một đợt, mỗi con trên dưới trăm ký. Với giá heo bây giờ, chị nhẩm tính lời mỗi con khoảng 1,5 triệu đồng, “nuôi được hai con học phổ thông và mẹ già, chứ lương chồng tôi lái máy công trình đâu có bao nhiêu”.

Theo chị Thu Em, nuôi heo giữa thành phố bây giờ sợ nhất là bệnh dịch. Chị kể thuê mướn nhân viên thú y chích ngừa định kỳ và khi phát hiện bệnh thì chữa trị đủ cả nhưng có lứa heo vẫn lăn ra chết, lỗ nặng. Như lứa heo đầu năm 2014, hơn hai chục con đang kỳ lớn mỗi con dăm chục ký bỗng bỏ ăn, nhờ thú y chạy chữa nhưng cả bầy heo cứ rủ xuống rồi nằm đè lên nhau giãy chết. Nhân viên thú y nghi bệnh tả hay E.coli gì đó, phải tốn thêm tiền thuê người đào hố chôn.

“Dịch bệnh là nỗi lo lớn nhất của nghề nuôi heo hiện nay, như trò hên xui”, ông Nguyễn Quốc Uy thừa nhận. Bệnh của heo lại phát sinh ra nhiều, nhờ dịch vụ thú y tốn kém mà lắm lúc vẫn thua.

Ông tổng kết, một năm đầu tắt mặt tối với heo, nếu không bị dịch bệnh thì kiếm được khoảng trăm triệu đồng, nhờ đó đã nuôi được hai đứa con trai thành kỹ sư xây dựng và kỹ sư thủy sản. Nhà cửa vẫn cấp bốn, không tránh khỏi ô nhiễm. Nói về việc cần sửa lại nhà cửa cho khang trang và cải thiện điều kiện sống, ông Uy cười buồn: “Chắc phải đợi đến đời con cái chúng nó lo”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm