| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ tiểu đêm và những lời khuyên?

Thứ Bảy 17/03/2018 , 09:35 (GMT+7)

Trong cuộc đời của một người đàn ông, có mấy ai dám khẳng định mình chưa bao giờ phải thức dậy trong đêm tối mịt mờ, lạnh lẽo chỉ để… đi tiểu?

Chuyện đáng nói ở đây là có những người đi tới hai, ba, bốn lần một đêm, mà ngoặt nỗi câu chuyện không chỉ dừng lại ở một đêm mà đêm nào cũng như đêm nào, cứ hễ đặt lưng, nhắm mắt được 1-2 tiếng đồng hồ, chưa kịp tròn giấc ngủ thì đã phải bật dậy để… “trút nỗi u buồn”.

tieu-dem15460618
Ảnh minh họa

Hiện nay, bệnh tiểu đêm đang ngày càng có xu hướng gia tăng, tuổi càng cao thì càng phổ biến. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, các độ tuổi có triệu chứng tiểu đêm nhiều nhất là từ 20 đến 50 tuổi chiếm khoảng 15%, còn với người trên 50 tuổi thì chiếm tỉ lệ khoảng 50%. Người cao tuổi thường mắc hiện tượng khó ngủ, khi gặp thêm chứng tiểu đêm thì giấc ngủ càng trở nên khó khăn hơn.
 

Thế nào được gọi là tiểu đêm?

Tiểu đêm là sự than phiền của một cá nhân phải thức giấc ban đêm một hay nhiều lần để đi tiểu.

Tất cả chỉ gói gọn trong một câu súc tích và rất dễ hiểu, người bệnh hoàn toàn có thể tự chẩn đoán tiểu đêm cho mình bằng chính định nghĩa này. Theo thông kê, một số lượng không ít người bệnh đang bước vào cuộc chiến với tiểu đêm, trong độ tuổi từ 50-59 tuổi, có đến 66% nam giới và trong độ tuổi > 80 tuổi thì con số này nhảy lên đến > 90%, để cho thấy mức độ phổ biến của chứng bệnh này và đòi hỏi sự can thiệp của y tế.

Nam giới, do có cấu trúc giải phẫu đặc trưng riêng và có những thói quen sinh hoạt xã hội không giống phụ nữ nên những điều này khiến cho nam giới có nguy cơ mắc chứng tiểu đêm nhiều hơn phụ nữ. Cụ thể hơn, các nguyên nhân thường gặp nhất là:

Do đa niệu: Tức tạo ra nước tiểu nhiều hơn và nhanh hơn bình thường, đặc biệt các trường hợp đa niệu về đêm lại càng làm cho tình trạng thêm nghiêm trọng (tiểu đường, đái tháo nhạt - Một tình trạng tăng thải nước do nguyên nhân tại tuyến yên hoặc tại thận, tăng huyết áp, suy tim, suy thận hay do sử dụng các chất kích thích gây lợi tiểu trước khi đi ngủ như bia rượu, cà phê…).

Do bệnh lý ở bàng quang (bọng đái): làm cho cơ bàng quang tăng co bóp hoặc mất sự phối hợp trong động tác đi tiểu.

Do bệnh lý tuyến tiền liệt: Tuổi càng cao thì nguy cơ bị bệnh tuyến tiền liệt càng cao, và khổ nỗi khi đã có bệnh tuyến tiền liệt, cũng tương tự các nguyên nhân gây bế tắc được tiểu dưới bọng đái lâu dài sẽ gây ra chứng tiểu đêm.

Ngoài ra, tiểu đêm cũng có thể chỉ là một thói quen, hoặc chỉ xảy ra ở những thời điểm bất thường về tâm lý, hoặc trên những cá thể có rối loạn giấc ngủ.
 

Hậu quả của tiểu đêm

Bệnh tiểu đêm nhiều khiến người bệnh thường xuyên thức dậy đi tiểu, khó ngủ lại hoặc ngủ không ngon giấc. Điều này gây mệt mỏi, uể oải, mất tập trung ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh.

Huyết áp thường có xu hướng giảm xuống khi ngủ và tăng nhanh khi thức dậy, việc thức dậy nhiều lần dẫn tới sự đổi huyết áp nhanh, đột ngột là nguyên nhân gây hoa mắt, chóng mặt thậm chí còn gây ra biến chứng xấu cho não bộ, hệ tuần hoàn, tim mạch. Chính vì vậy, các nghiên cứu lớn trên các đối tượng có tiểu đêm gần đây cho thấy tiểu đêm sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong, làm giảm sức khỏe nói chung, giảm chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc.

Qua một giấc ngủ đủ sâu, cơ thể chúng ta sẽ được nghỉ ngơi và “làm mới”, quá trình sửa chữa, hồi phục sẽ diễn ra, điều này là hết sức cần thiết cho một ngày làm việc hết công suất. Vậy mà tiểu đêm lại cướp đi giây phút quý giá đó. Chính vì thế mà những bệnh lý đã có sẵn của cơ thể sẽ có cơ hội hoành hành, cơ thể ngày càng trở nên kiệt quệ, thiếu sức sống và chắc chắn sẽ làm giảm cường độ, khả năng làm việc, sinh hoạt của ngày hôm sau, qua đó suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống.
 

Lời khuyên

Bằng những hành động cụ thể và thiết thực hằng ngày như không uống nhiều nước hoặc sử dụng các chất kích thích như bia, rượu… trước khi đi ngủ. Thậm chí tiến tới bỏ thói quen sử dụng các chất kích thích này. Việc giữ cho tinh thần thoải mái, vui sống lành mạnh làm cho cơ thể luôn được làm mới sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, chống chọi tốt và đẩy xa bệnh tật.

Ngoài ra, như những nguyên nhân đã liệt kê ở trên, nam giới một khi đã thay đổi những thói quen như trên mà vẫn còn tiểu đêm thường xuyên, dù chỉ một lần, cũng nên đến bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nhiệm để tầm soát những nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn. Đặc biệt, ở nam giới lớn tuổi, đừng coi thường và cứ nghĩ lớn tuổi rồi, tiểu đêm là bình thường. Việc điều trị thích hợp sẽ giúp cho chất lượng cuộc sống của nam giới tốt hơn và ngay cả cho người thân trong gia đình.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.