| Hotline: 0983.970.780

Nơi khởi đầu

Thứ Năm 20/10/2011 , 10:05 (GMT+7)

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông thành lập ngày 23/10/1961, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)

Nơi khởi đầu

Cựu binh Đoàn tàu không số dâng hương tại bia Di tích nơi bắt đầu đường Hồ Chí Minh trên biển ở Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình)

Câu chuyện bắt đầu từ quyết định của Bộ Tổng tham mưu thành lập Tiểu đoàn 603 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực cho miền Nam. Tiểu đoàn mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đoàn đóng quân ở thôn Thanh Khê (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), ngay cửa sông Gianh.

Để giữ bí mật, đơn vị không dùng tàu thuyền của vùng sông Gianh mà ra Nghi Thiết, Nghi Lộc (Nghệ An) đặt đóng thuyền hai đáy kiểu miền Nam. Gỗ đóng thuyền do UBND tỉnh Quảng Bình cấp, Sư đoàn 325 đang đóng trên đất Quảng Bình giúp huấn luyện và các phương tiện thông tin liên lạc. Ban đầu đơn vị mua một chiếc thuyền đánh cá, lưới, câu, hàng ngày ra biển đánh cá xung quanh đảo Cồn Cỏ để phục vụ sinh hoạt cho bộ đội và anh em làm quen với sông nước. Sau hai tháng, đơn vị đã đóng xong 4 chiếc thuyền trọng tải 20 tấn theo kiểu dáng “ghe bầu” Quảng Nam.

Lúc làm buồm anh em mới phát hiện ra các thuyền của miền Nam đều dùng buồm bằng nón lá và ni long hoặc dây bện bằng bẹ dừa, nên phải cho người vượt tuyến vào Quảng Trị nhờ bà con mua chuyển ra. Có 2 phương án hành động. Một là, nếu đưa được hàng vào, bốc dỡ xong hàng thì phá thuyền rồi đi bộ ra Bắc; hai là, nếu lạc đường, lạc hướng thì thả hàng xuống biển rồi đưa thuyền ra Bắc. Trường hợp xấu nhất, nếu bị tàu địch bao vây thì cho nổ mìn phá hủy thuyền, không để địch biết được tung tích.

Để chuẩn bị cho chuyến đưa hàng vào đèo Hải Vân, ngày 5/9/1959, một tổ 5 người đi bộ theo đường giao liên vào đèo Hải Vân để liên lạc cho biết vị trí bến đỗ hàng. 18 giờ ngày 21/1/1960, tức 30 Tết Canh Tý, thuyền của Tiểu đoàn 603 gồm 6 thủy thủ do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, xuất phát từ cửa sông Gianh mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho Quân khu 5.

Nhận được điện, Tỉnh ủy Quảng Nam cử đồng chí Nguyễn Chơn, Trưởng ban Quân sự tỉnh đi đón (sau này là Thượng tướng Nguyễn Chơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Chờ đợi cả tháng trời không thấy thuyền đâu, sau này mới biết, trên đường đi thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, mặc dù anh em hết sức chèo chống nhưng thuyền bị trôi dạt vào cù lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nhằm giữ bí mật, thuyền trưởng quyết định thả hàng xuống biển để phi tang. Sau đó thuyền bị tàu kiểm soát của địch kiểm tra giấy tờ. Mặc dù không tìm thấy bằng chứng gì nhưng do nghi ngờ, chúng vẫn bắt 6 anh em trên thuyền. Thế là chuyến vận tải đường biển Bắc - Nam đầu tiên không thành.

Dù không thành nhưng chuyến đi đã giúp Trung ương rút ra bài học là không thể di chuyển bằng thuyền buồm. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Tiểu đoàn 603 tạm thời ngưng hoạt động để tìm một phương thức khác. Trong lúc chưa có lực lượng để vận tải trên biển vào Nam thật hợp lý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương điện cho Quân ủy Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các Khu ủy, Khu 8, Khu 9 khẩn trương tổ chức lực lượng bến bãi và phương tiện ra Bắc nhận vũ khí.

Tháng 8/1961, một số thuyền của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau đã bắt đầu lên đường ra Bắc. Hai đội thuyền của Bến Tre cập bờ biển Hà Tĩnh. Tỉnh Cà Mau cũng tổ chức đội thuyền vượt biển. Đội thuyền 8 người do ông Bông Văn Dĩa (Anh hùng LLVT, sinh năm 1905, quê ở Rạch Gốc, Tân An, Ngọc Hiển, Cà Mau) chỉ huy. Đêm 1/8/1961, thuyền của ông Bông Văn Dĩa rời rạch Cá Mòi (Cà Mau) ra Bắc. Chiều 7/8, thuyền của ông Dĩa vào cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình).

Sau đó, ông Dĩa và các đồng chí trong đoàn thuyền Cà Mau được điều về Đoàn 759 mới thành lập. Tháng 2/1962, ông Dĩa nhận chỉ thị phải vào Quảng Bình để sửa chữa tàu cũ của mình chờ nhận nhiệm vụ mới. Ông Dĩa vào Quảng Bình mấy tháng ròng, nhờ công an vũ trang đứng tên sửa chữa thuyền. Phần vỏ thì sửa ở Nông trường Gỗ Quảng Bình, phần máy thì do xưởng cơ khí 6/1 đảm nhiệm.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông thành lập ngày 23/10/1961, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước đó, tháng 7/1959, Bộ tổng Tham mưu thành lập Tiểu đoàn vận tải biển 603, đóng tại cửa biển sông Gianh (Quảng Bình) với tên gọi "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh". Thuyền được nguỵ trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam. Đêm 30 Tết Canh Tý (ngày 27/1/1960), chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát từ cửa sông Gianh chở vũ khí, đạn dược thẳng hướng miền Nam. 

Từ chuyến đi đầu tiên xuất phát từ cửa sông Gianh, Đoàn tàu không số với gần 2.000 lần tàu thuyền vượt trùng khơi, trải qua muôn vàn hi sinh gian khổ, đã vận chuyển gần 160.000 tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đêm 10/4/1962, thuyền của ông Bông Văn Dĩa xuất phát từ cửa sông Nhật Lệ đi Cà Mau. 8 giờ sáng ngày 14, thuyền đến biển Nha Trang, cách bờ khoảng 150 hải lý thì gặp hai tàu Mỹ từ hướng Philippin chạy tới bám theo và chạy vòng quanh thuyền đe dọa, soi xét. Có lúc tàu chúng đi sát vào tàu ta chỉ cách vài chục mét. Anh em trên thuyền phải nhanh chóng thủ tiêu hết hải đồ, la bàn. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, tàu giặc mới rời xa.

 Không có hải đồ, la bàn, anh em vẫn lái thuyền đến vùng biển Cà Mau. Ngày 18/4, thuyền vào tới cửa Bồ Đề, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển... Sau đợt đi trinh sát này, ông Dĩa còn ra Bắc để cùng đồng đội thực hiện chuyến hành trình vượt biển chở vũ khí vào Nam đầu tiên trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trên con tàu không số C41 (Phương Đông 1)...

Riêng tỉnh Quảng Bình cũng có "đoàn tàu không số" của mình. Ông Nguyễn Văn Nhượng, một chiến sĩ trong đội thuyền tiếp tế vũ khí cho chiến trường Trị Thiên năm xưa, sau này là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, kể: “Tháng 8/1968, để chi viện cho Trị - Thiên kết nghĩa, Tỉnh ủy Quảng Bình đã cử đồng chí Trần Sự, Tỉnh đội trưởng ra Cảnh Dương, Quảng Trạch tổ chức một đội thuyền 14 chiếc của dân quân, đóng giả thuyền đánh cá Quảng Trị, để chở vũ khí vào Hải Lăng, vùng giáp ranh hai tỉnh Trị - Thiên. Mỗi thuyền chở được 4 đến 6 tấn vũ khí. Đội thuyền được bí mật đưa vào địa đạo Vĩnh Mốc gần Cửa Tùng chờ xuất phát. Đội thuyền có 5 chiếc vào được vùng bãi ngang các xã Triệu Lăng, Triệu Vân (Triệu Phong, Quảng Trị) bốc hàng an toàn. Còn lại 2 chiếc thuyền bị địch bắt, số còn lại bị đánh chìm ở ngoài khơi Cửa Tùng, phía Cát Sơn... Sau đó anh em vượt Trường Sơn ra Bắc".

Như vậy, Quảng Bình là vùng đất "có duyên" với con đường bí mật trên biển từ những ngày đầu tiên. (Còn nữa)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất