| Hotline: 0983.970.780

Nơi không đơn côi

Thứ Hai 16/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trong ngôi nhà nhỏ đó luôn rộn ràng tiếng cười. Mỗi người mẹ trẻ đều có một quá khứ muốn chôn giấu sau những cuộc tình dở dang. Khi đến với “Nhà của bố”, họ có một tương lai tươi sáng hơn.

“Nhà của bố” (Father’s House) là tên gọi một chương trình của tổ chức Trả lại tuổi thơ ở TP. Đà Nẵng. Căn nhà có cái tên đặc biệt nằm nép mình trong một góc phố yên bình là nơi cưu mang gần 20 người con gái từng lầm lỡ và bao bọc cuộc đời họ bằng vòng tay nhân ái.

Những cô gái trẻ trót mang thai với người tình, bị chối bỏ hoặc vì một lý do nào đó không thể giữ được giọt máu của mình đã tìm đến với ngôi nhà này. Ở đó, họ được sống yên bình, được giữ lại đứa con và được cưu mang cho đến khi có một cuộc sống ổn định, tự lập thân và nuôi con.

Chôn giấu quá khứ

Kể với chúng tôi bằng chất giọng nghèn nghẹn, run run, một cô gái trẻ trong số những người sống trong “Nhà của bố” đã chia sẻ toàn bộ câu chuyện trong quá khứ của mình.

Đó là Văn Thị Linh, một sinh viên trẻ mới bước vào tuổi 23 và đã có một con trai lên 3 tuổi. Linh nắm chặt lấy bàn tay bé bỏng của đứa con trai và thỉnh thoảng cô lại hôn con rồi rơi nước mắt.

Cô kể, mình là con gái của một gia đình thuần nông ở Quảng Nam. Tốt nghiệp cấp 3, cô may mắn thi đậu vào một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng và khăn gói ra thành phố trọ học năm 2011.

Cô gái trẻ bỡ ngỡ với cuộc sống mới, xa gia đình nên nhanh chóng quen với một cậu bạn cùng trường quê ở Nghệ An. Hai người nhanh chóng trở thành người yêu và dọn về sống chung phòng trọ.

Sau hơn một năm yêu nhau, Linh đã mang giọt máu của người yêu trong bụng. Cô lo sợ, hoảng loạn thông báo cho người yêu biết để mong nhận được sự chia sẻ. Thế nhưng người yêu Linh lại trở mặt ngay khi biết cô có thai: Cô muốn giữ thì tự cô giữ. Tôi còn trẻ, chưa muốn có gia đình. Tốt nhất nên phá thai đi.

Linh nhớ lại lời nói phũ phàng của kẻ bạc tình mà nước mắt lã chã rơi. Tủi nhục, ê chề, cô sinh viên trẻ hoang mang tìm về quê nương nhờ cha mẹ. Sợ mất mặt với hàng xóm láng giềng và ảnh hưởng tới tương lai con gái, bố mẹ Linh nhất quyết bắt cô phá bỏ cái thai.

“Em không thể bỏ con em được. Nó không được ai thừa nhận thì em vẫn phải nuôi con mình. Em bỏ nhà ra lại Đà Nẵng rồi may mắn được các chị ở tổ chức Trả lại tuổi thơ đưa em đến Nhà của bố”, Linh kể.

Ngồi kế bên Linh là một cô gái còn rất trẻ, mới 19 tuổi. Cô gái Nguyễn Thị Thương với gương mặt vô cùng ngây thơ đang mang cái thai 8 tháng tuổi.

Thương quê ở Bình Định và ra Đà Nẵng làm công nhân khi mới học xong trung học. Cô có người yêu cùng quê nhưng lập nghiêp ở TP.HCM. Trong một lần người yêu ra Đà Nẵng thăm Thương, hai người đã đi quá giới hạn.

Người con trai Thương yêu cũng một lời hứa hẹn sau khi công việc ổn định sẽ cưới cô làm vợ. Sau lần đó, Thương mang thai. Khi cô biết được điều đó thì cũng là lúc nhận được tin người yêu phải vào tù vì vướng vào tội trộm cắp tài sản trong một lần bị bạn bè rủ rê.

Tuyệt vọng vì không còn chỗ dựa, Thương tìm đến một trung tâm y tế để tìm cách giải quyết cái thai. Tuy nhiên vì không nỡ phá bỏ con nên Thương khóc òa tại phòng tư vấn.

“Các bác sĩ khám đã chỉ cho em địa chỉ về ngôi nhà này. Em không tin trên đời có một tổ chức như thế nên vì muốn giữ lại đứa bé nên đã đến đây. Rồi em được nhận vào cưu mang đến bây giờ”, Thương chia sẻ.

Không cô đơn

Không có chồng, có cha mẹ bên cạnh nhưng những cô gái này không bao giờ cảm thấy cô độc, đơn thân. Họ sống bên nhau và cùng nhau san sẻ những buồn vui, giúp nhau vượt qua khó khăn.

Mỗi bà mẹ trẻ trong ngôi nhà này đều có những hoàn cảnh trái ngang, éo le. Họ đã cùng giúp đỡ nhau trong chuyện học hành để tính chuyện cho tương lai.

 Bên cạnh đó, họ cũng có hai người mẹ. Gọi là mẹ bởi vì đó là những bảo mẫu vừa chăm sóc cho con của những cô gái trẻ vừa động viên tinh thần của các cô giống như mẹ ruột.

Bà Nguyễn Thị Mai là một bảo mẫu trong ngôi nhà này đã chia sẻ với chúng tôi về thời gian hơn 2 năm sống trong căn nhà này.

“Tôi thương mấy đứa ở đây như con gái ruột. Tụi nó khổ tâm lắm nên mình phải là chỗ dựa cho mấy đứa”, bà Mai tâm sự.

Rồi bà bắt đầu chia sẻ những câu chuyện từ khi bà mới bắt đầu về đây làm việc.

“Lúc vượt cạn là lúc phụ nữ cần người thân ở bên. Không chồng thì phải có bố mẹ. Thế mà nhiều đứa không được bố mẹ nhìn mặt sau lỗi lầm ấy nên không đến thăm khi con gái sinh nở. Nhìn thấy cảnh đó tôi buồn lắm”, bà Mai kể.

“Cuộc đời của tụi em cũng đã trải qua nhiều sóng gió rồi. Giờ chỉ có cố gắng để tương lai tươi sáng tôi. Tụi em tin rằng rồi đây cuộc sống sẽ mỉm cười với mình vì chí ít bên cạnh tụi em vẫn còn có giọt máu mà mình đã quyết tâm gìn giữ. Vì con gái em sẽ làm một người mẹ tốt, sẽ tự lo được cho con”, Linh rắn rỏi nói.

Chính vì thế mà mỗi khi những người con gái ở đây chuyển dạ, bà Mai lại gói ghém đồ đạc và đi theo đến bệnh viện.

“Tôi không rời chúng nó nửa bước. Lúc nào cũng ở bên động viên để tụi nó không đơn độc. Có nỗi đau nào hơn khi mà sinh con không có một người thân ở bên”, bà Mai nói.

Gần 20 cô gái ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi sống trong căn nhà này luôn đoàn kết, vui vầy cùng nhau. Có lẽ họ thấu hiểu được nỗi buồn của những người cùng cảnh ngộ nên đã hết sức thông cảm cho nhau.

“Giờ nào em đi học là các chị hoặc các bạn ở nhà trông con giúp em và ngược lại. Chính vì thế con em cùng những đứa trẻ ở đây không bao giờ sợ vắng mẹ bởi vì đối với chúng, ai ở đây cũng có thể gọi là mẹ”, một người mẹ trẻ nói.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Kiều Diễm, người quản lý "Nhà của bố" cho biết, "Nhà của bố" là một chương trình của tổ chức Trả lại tuổi thơ cho em. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của cặp vợ chồng người Mỹ Robert Kalatschan - Dorothea.

Tổ chức này được thành lập vào năm 2002 với ý nghĩa cao cả là mang lại cho trẻ em những điều tốt đẹp, nhất là đối với những số phận bất hạnh trong cuộc sống. "Nhà của bố" cũng là một trong những chương trình mang một ý nghĩa nhân văn hết sức cao cả.

“Đây là một chương trình dành cho những bà mẹ đơn thân có được chỗ ở và có điều kiện để nuôi dưỡng con mình. Ở đó các bà mẹ trẻ sẽ được chăm sóc như chính ở những tổ ấm thật sự, giúp họ vượt qua sự mặc cảm để làm lại cuộc đời. Ngoài ra, những bà mẹ này cũng sẽ được hỗ trợ để học tập và tìm được một tương lai, giúp họ đứng vững trong cuộc sống và tự lập nuôi con”, bà Diễm nói.

Linh khoe với chúng tôi rằng cô đã tốt nghiệp và tìm được một công việc ưng ý.

“Có công việc rồi nhưng em vẫn chưa đón con về ở chung được. Một tuần em đến ghé thăm con 2, 3 lần. Cuối năm nay em sẽ cho con về ở chung để mình nuôi và dạy con thật tốt”, Linh khẳng định.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.