| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo cao su lấn mãng cầu Bà Đen

Thứ Ba 04/10/2011 , 11:22 (GMT+7)

Trong nhiều vườn mãng cầu, nhiều hàng cao su chừng 1-2 tuổi đã được trồng xen vào giữa những hàng mãng cầu...

Thu mua mãng cầu ở xã Thạnh Tân
Mãng cầu (na) Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh đã nức tiếng từ lâu. Về khu vực núi Bà Đen những ngày này, không khó để nhận thấy niềm vui trên gương mặt người trồng mãng cầu. Nhưng đằng sau sự hỉ hả ấy họ đang canh cánh nỗi lo mới.

Mãng cầu Bà Đen được trồng tập trung ở 8 xã năm quanh khu vực chân núi Bà Đen và vùng phụ cận, gồm: Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thị xã Tây Ninh); Bà Năng, Phan và Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) và xã Tân Hưng (Tân Châu). Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, diện tích mãng cầu Bà Đen đã lên tới 4.484 ha, biến vùng trồng mãng cầu quanh núi Bà Đen và vùng phụ cận trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước.

Điều quan trọng hơn là sau nhiều năm liên tục được mở rộng về diện tích, mãng cầu Bà Đen vẫn giữ được phẩm chất là một trong những giống mãng cầu ngon nhất cả nước và là loại cây mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây. Ông Ba Vân, nông dân xã Tân Bình, thị xã Tây Ninh cho biết, những vườn mãng cầu từ 4-5 năm tuổi trở lên, cho năng suất 9-10 tấn/ha/năm. Giá bán tại vườn hiện nay là 17.000 đ/kg. Doanh thu mỗi ha từ 153-170 triệu đồng. Chi phí khoảng 9.000-10.000 đ/kg. Tính ra, nông dân thu lời được khoảng 70 triệu đồng trở lên.

Ông Lâm Hoàng Trong, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân – nơi được cho là trồng mãng cầu Bà Đen tốt nhất cho biết, vào mùa nắng và nhất là dịp Tết Nguyên đán, giá mãng cầu Bà Đen còn cao hơn nhiều. Cụ thể, mùa nắng, giá bán tại vườn khoảng 20.000-23.000 đ/kg. Còn vào vụ Tết Nguyên đán, giá lên tới 25.000-26.000 đ/kg. Nhà vườn nào có sản lượng mãng cầu lớn vào dịp Tết, tha hồ thu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cây mãng cầu còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở các xã quanh chân núi Bà Đen. Theo ông Trong, mỗi ha mãng cầu, từ khâu chăm sóc đầu vụ cho đến lúc thu hoạch, cần tới 500-600 ngày công lao động. Bởi thế, ở riêng xã Thạnh Tân hiện có tới khoảng 10 đầu công (người đứng đầu nhóm lao động chuyên chăm sóc, thu hoạch mãng cầu). Mỗi đầu công có trong tay tới 400-500 lao động, chuyên nhận làm cho các nhà vườn. Mỗi buổi làm việc từ 6 giờ sáng đến trưa, lao động được trả 55.000 đ/người.

Với những lợi thế như thế, nên ở Thạnh Tân cũng như một số xã khác, từ nhiều năm nay, mãng cầu luôn là cây lâu năm đứng đầu về diện tích. Chẳng hạn, ở Thạnh Tân, riêng về cây trồng lâu năm, mãng cầu có tới 679 ha, trong khi cây lâu năm đứng thứ 2 về diện tích là cao su hiện mới có 122 ha.

Tuy nhiên, ở các xã trồng mãng cầu Bà Đen, đang có hiện tượng cao su lấn dần đất trồng mãng cầu. Trong nhiều vườn mãng cầu, nhiều hàng cao su chừng 1-2 tuổi đã được trồng xen vào giữa những hàng mãng cầu. Ông Lâm Hoàng Trong cho biết, những vườn mãng cầu đã trồng xen cao su vào, đều có tuổi từ 5- 6 trở lên. Cây mãng cầu thường chỉ trồng khoảng 10 năm là phải chặt đi trồng mới. Nhưng với đà này, vài năm tới, khi nhiều vườn mãng cầu đến tuổi đó, cây già sẽ bị chặt bỏ hết để nhường chỗ cho cao su chứ không phải là những cây mãng cầu mới.

Theo các nhà vườn ở Thanh Tân, tuy cho lợi nhuận cao, nhưng so với cao su, mấy năm nay, mãng cầu vẫn còn kém hơn một bậc. Với 1 ha cao su, một năm, nông dân dư sức thu lời khoảng 150 triệu đồng, gần gấp đôi 1 ha mãng cầu với giá 17.000 đ/kg mua tại vườn như hiện nay. Đó chính là nguyên nhân đang khiến cho mãng cầu bị mất dần diện tích vào tay cao su.

Ông Lâm Hoàng Trong khẳng định, nếu lợi nhuận của mãng cầu không thua kém cao su là mấy, ông tin rằng đại đa số người trồng mãng cầu sẽ tiếp tục gắn bó với cây đặc sản này mà không chuyển sang trồng cao su.

Ông Lâm Hoàng Trong không giấu nổi sự lo ngại: “Nếu tất cả diện tích trồng mãng cầu Bà Đen ở Thạnh Tân bị chuyển hết sang trồng cao su, không những xã tôi sẽ mất đi một cây ăn trái đặc sản truyền thống, được cả nước biết tới, mà sẽ có rất nhiều người không có việc làm, vì nếu tính trên phương diện giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nghiệp, cây cao su không thể nào sánh được với cây mãng cầu”.

Một niềm hy vọng mới tới với những người tâm huyết với cây mãng cầu Bà Đen là hồi tháng 8 vừa rồi, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen, hay có thể nói nôm na là mãng cầu Bà Đen đã có thương hiệu. Vấn đề bây giờ là làm sao sớm triển khai việc đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thực tế và nhất là tổ chức lại việc sản xuất, tiêu thụ mãng cầu Bà Đen theo quy mô lớn, bài bản và hiệu quả hơn.

 Hiện tại, trong 8 xã trồng mãng câu Bà Đen, mới chỉ có xã Thạnh Tân là đã có 1 HTX mãng cầu. Thế nhưng, dù được thành lập từ năm 2005, nhưng đến giờ, HTX này vẫn còn yếu kém, chưa thu hút được nhà vườn tham gia. Vì thế, vẫn phổ biển tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán, thành ra, người bán được giá thì ít, mà người bị ép giá, bán hớ giá thì nhiều. Theo ông Trong, tới đây xã Thạnh Tân sẽ tìm mọi cách cùng HTX mãng cầu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để giúp cho HTX này phát triển tốt hơn, giúp hình thành một hệ thống tiêu thụ mãng cầu Bà Đen một cách bài bản hơn, qua đó nâng cao thêm lợi nhuận.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất