| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo của doanh nghiệp thủy sản

Thứ Tư 18/03/2015 , 09:21 (GMT+7)

Các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) thủy sản Việt Nam đang lo ngại trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tiến hành kiểm tra hành chính lần thứ 9 (POR9).

Từ đó đưa ra quyết định về mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP) cho biết, kết quả của đợt kiểm tra hành chính lần thứ 8 (POR8) của DOC, áp thuế đối với từng DN XK tôm đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ mức cao nhất là 9,75%, thấp nhất là 4,98% và thuế suất của toàn quốc là 25,76%.

“Chúng ta đang khiếu nại về mức áp thuế này, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Thì nay các DN lại chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ 9 (POR9) của DOC, điều này khiến ít nhiều DN phải lo ngại”, ông Thuận nói.

Mở hướng sang thị trường khác

Trao đổi với phóng viên, nhiều DN XK thủy sản tại Cà Mau cho biết, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá cao vô lý cho các DN XK của Việt Nam vào thị trường này như vừa qua đã gây không ít khó khăn cho DN, lẫn người tiêu dùng Mỹ.

Ông Huỳnh Văn Tấn, GĐ Kinh doanh Cty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX) phân tích: Khi thuế tăng cao, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải giãn sản lượng cung cấp qua thị trường này và tìm các thị trường khác bù đắp vào, do đó người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Tấn, trong đợt kiểm tra lần thứ 8 vừa qua, CAMIMEX cũng bị áp mức thuế 6,37%. Riêng đợt kiểm tra lần này, Việt Nam có 3 DN là bị đơn bắt buột, trong đó CAMIMEX thuộc trường hợp bị đơn tự nguyện.

“Các DN thuộc diện bị đơn bắt buộc sẽ bị DOC thẩm tra trực tiếp (dù đã có hồ sơ báo cáo trước), riêng các bị đơn tự nguyện sẽ chịu sự thẩm tra qua các số liệu yêu cầu khai báo của DOC. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị những hờ sơ, câu hỏi của DOC”, ông Tấn cho biết.

DN XK thủy sản cho biết, riêng trong lần kiểm tra lần này, DOC sẽ đưa ra thêm một số vấn đề mới khó khăn hơn, như thẩm tra nhà máy sơ chế để cung cấp lại cho các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, kiểm tra vùng nuôi, kiểm tra thêm những chuyến hàng nhập khẩu.

“Hiện CAMIMEX đang mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Úc, các nước Trung Đông, Ai Cập… đồng thời củng cố lại khách hàng ở các thị trường này, nhằm không phải lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ”, ông Tấn khẳng định.

Tương tự, ông Bùi Nguyên Khánh, GĐ Cty CP Thủy sản Cà Mau (SEAPRIMEXCO) cho biết, tuy DN không xuất hàng sang thị trường Mỹ nhiều, nhưng với mức thuế mà DOC áp, hiện tại DN cũng đang hạn chế xuất vào thị trường Mỹ, đồng thời tìm hướng XK sang Canada hay một số nước khác, vì các thị trường này DN không phải chịu thuế chống bán phá giá.

Lo ngại giá tôm nguyên liệu

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, người nông dân nuôi tôm đang đối mặt với những thách thức về sự biến động của giá tôm nguyên liệu trên thị trường. “Tình hình dịch bệnh trên tôm ở một số nước trong khu vực đang được khắc phục. Do đó sắp tới vấn đề cung cầu có thể được cân bằng, nên giá tôm nguyên liệu trong nước dự kiến có xu thế đi xuống”, ông Ngoãn nhận định.

Theo ông Ngoãn, nông dân nên chủ động hướng tới mô hình nuôi tôm bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Hay hướng tới các mô hình nuôi tôm sinh thái để chủ động đối phó trước biến động của thị trường.

Còn ông Huỳnh Văn Tấn, GĐ Kinh doanh Cty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau cũng cho rằng, giá tôm nguyên liệu sẽ giảm trong thời gian tới. Vì mức thuế của Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ hay Indonesia nên một số nhà nhập khẩu Mỹ hiện đã chuyển hướng sang nhập hàng từ các nước này. Trong khi các thị trường khác mua bù đắp lại tôm của Việt Nam cũng không bằng thị trường Mỹ.

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn đang ở mức tương đối cao (tôm sú loại 20 con/kg giá 290.000 đ/ký; loại 30 con giá 230.000 đ/ký hay tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá bình quân 100.000 đồng/ký…).

Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng, giá tôm nguyên liệu trong năm 2015 sẽ giảm và thấp hơn nhiều so với năm 2014, mà nguyên nhân chính là do sự phục hồi của các nước nuôi tôm trong khu vực, đặc biệt là do ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu, trong đó có Mỹ.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.