| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo hồ chứa nước sông Thai

Thứ Năm 12/05/2011 , 11:00 (GMT+7)

Công trình đã thi công xong nhưng vẫn còn một đoạn đập chỉ là đất dài tới 50m.

Tuyến đập chính của hồ chứa nước sông Thai chưa có đập tràn phụ

Công trình hồ chứa sông Thai (nằm trên địa bàn xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) có dung tích hữu ích 7 triệu m3 nước. Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 74 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương.

Tháng 10/2010, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 550 ha lúa hai vụ của các xã Quảng Kim, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) và còn cung cấp nước sinh hoạt cho Khu kinh tế Hòn La đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho vùng hạ du. Hơn 8 tháng sau khi đi vào hoạt động, công trình đã phát huy tốt hiệu quả, tuy nhiên từ thực tiễn cũng đã nảy sinh một số vấn đề.

Tuyến đập chính của công trình có chiều dài trên 1,1km, được xử lý bê tông phía thượng, hạ lưu và mặt đập. Tuy nhiên, cuối tuyến đập chính còn trên 50 mét là đập đất, nối với chân núi phía phải. Theo ông Trần Đình Cũng, Trạm tưởng trạm hồ chứa sông Thai (thuộc Cty TNHH MTV Quản lý các công trình thuỷ lợi tỉnh Quảng Bình) thì đoạn đập đất này khá quan trọng vì nó như nút thắt nguy hiểm khi vào mùa mưa lũ. Đáng lý ra, đoạn đập đất sẽ được thi công thành một đập tràn phụ để làm cửa thoát hiểm cho đập chính khi nước trong lòng hồ dâng cao vượt mức cho phép.

Theo các công nhân Đội quản lý vận hành hồ chứa sông Thai kể lại thì trong trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, nước hồ đã đạt đỉnh, trong khi hệ thống tràn xả lũ chính không thể tiêu thoát kịp. Lũ đã đánh tràn đập và đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống đập chính của công trình. Cũng may, sau đó mưa ngớt nên nước đổ về không mạnh. Nếu mưa kéo dài và nước tràn xói lở chân đập chính thì hậu quả thật khó lường.

Hiện tại, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho 550 ha lúa đông xuân và hè thu của người dân đồng thời cấp nước cho KCN Hòn La, công trình hồ chứa sông Thai có một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm cắt giảm lũ cho vùng hạ du của 2 xã Quảng Phú và Quảng Kim, nơi có hàng ngàn hộ dân sinh sống. Thực tế cho thấy, nếu đoạn đập đất còn lại này của tuyến đập chính hồ chứa không không sớm được khắc phục, xây dựng thành tràn phụ xả lũ thì nguy cơ xảy ra sự cố khi có lũ lụt là rất lớn. Khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và đặc biệt nguy hiểm nhất là 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu của các thôn 1, 2 và thôn 5 của xã Quảng Kim.

Ông Phan Sỹ Nghì, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim, cho hay: “Khi công trình được đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi mừng lắm. Ngoài nước tưới để sản xuất còn dùng để sinh hoạt. Tuy nhiên, sau hai cơn lũ lớn của tháng 10 năm ngoái thì thấy nỗi lo đã treo lơ lửng trên đầu. Chúng tôi đề nghị cấp trên nghiên cứu cho xây dựng thêm đập tràn phụ nhằm giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.