| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo mất đất của một nông dân

Thứ Tư 09/04/2014 , 07:10 (GMT+7)

Gia đình anh Lê Văn Bé và chị Phạm Phương Thuý là hộ nông dân SXKD giỏi tiêu biểu của đảo ngọc Phú Quốc, nhưng hiện anh chị đang có nguy cơ "tay trắng".

Năm 1995, hai vợ chồng anh Lê Văn Bé đặt chân lên vùng đất hoang hóa, không bóng người (ở ấp Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) lập nghiệp. Gia đình anh Lê Văn Bé và chị Phạm Phương Thuý là hộ nông dân SXKD giỏi tiêu biểu của đảo ngọc Phú Quốc, với vườn rau, ao cá, hàng chục chuồng trại chăn nuôi các động vật quý hiếm như chồn hương, nhím, chó Phú Quốc…, nhưng hiện anh chị đang có nguy cơ "tay trắng".

Nhọc nhằn khai khẩn

Theo chị Phương Thúy, những ngày đầu đến đây khai khẩn, hai vợ chồng chị rất “ham đất” nên khi đặt chân lên mảnh đất Bãi Dài, anh chị chẳng ngại khổ cực, ra sức khai phá ngày đêm, dọn dẹp hết cỏ dại, khai hoang đất đai với diện tích hơn 14.000m2 để canh tác. Khi có đất sạch hai vợ chồng anh Bé bắt đầu phân lô, khu đất tốt, lên liếp trồng rau màu. Còn khu đất kém hơn để trồng cây lâu năm như dừa, mít, sầu riêng.

Riêng khu vực quanh nhà, vợ chồng anh Bé phân thành hai khu nhỏ dùng để nuôi gà vịt và xây chuồng trại nuôi chó Phú Quốc, chồn hương, nhím. Qua nhiều năm cần mẫn khai khẩn đất đai, toàn bộ diện tích đất ven biển hoang hoá ngày nào đã thay da đổi thịt.

Anh Bé cho biết: Điều kiện đất đai ở đây không thuận lợi như đất liền, vì thế khi trồng được một cây gì cũng mừng lắm. Và hai vợ chồng đến giờ này vẫn không sao quên cảm giác vui mừng khi lần đầu tiên hái buồng dừa, mớ rau, bắt con cá mang ra chợ bán. Giờ đây, riêng rau màu mỗi tháng gia đình chị có thu nhập từ 10 - 15 triệu đ; tiền bán dừa từ 4 – 7 triệu đ/tháng, bán con giống hoặc thịt các vật nuôi như nhím, chồn hương, gà, vịt xiêm…, mỗi tháng thu hơn 30 triệu đồng.

Nguy cơ tay trắng

Với bao công sức nuôi trồng, nay đến ngày hái quả, thì vợ chồng anh hay tin khu đất này nằm trong quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bãi Dài. Anh Bé bùi ngùi: “Bỏ công 20 năm khai phá, gìn giữ, bao mồ hôi, nước mắt của vợ chồng tui đổ xuống mảnh đất này, bỗng chốc tay trắng". 

Được biết, vừa rồi chính quyền địa phương đã gửi thông báo dỡ nhà lần 2, song do gia đình anh không có nhà, không có đất tái định cư, cũng chẳng nghe cán bộ địa phương nhắc đến chuyện cho khu đất khác để ở, nên chẳng biết đi đâu. 

Theo vợ chồng anh Bé, năm 1995, vợ chồng anh đến mảnh đất này sinh sống (có xin giấy tạm trú của địa phương) và khai khẩn 14.488m2 đất ven biển để trồng trọt. Đến năm 2007, toàn bộ diện tích đất của anh Bé nằm trong qui hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Bãi Dài và chính quyền nói bồi thường cho gia đình anh hơn 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng anh Bé không chịu nên làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc nhưng không được trả lời.

09-48-30-nh-2-nho-vo-cch-lm-hy-cu-nh-be-nen-nhieu-lm-dt-dnh-hieu-nd-sx-gioi-cu-huyen-do-phu-quoc095307195
Nhờ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao, anh Bé liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi từ năm 2008 đến nay

Điều làm vợ chồng anh bức xúc nhất là sau thời gian dài dự án treo đến tháng 11/2013, UBND huyện Phú Quốc lại ra quyết định 504/2013/QĐ – UBND thu hồi 621,30m2 đất của anh Bé, vị trí ranh giới đất xác định để thu hồi theo bảng trích đo ngày 28/3/2013. Nhưng biên bản đo vẽ diện tích đất thu hồi lại ghi là 4.666,8m2.

"Vấn đề bố trí tái định cư cho vợ chồng anh Bé không được chính quyền nhắc đến là trái luật. Đặc biệt, cần xem lại quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc có đúng mục đích không? Và điều vô lý trong vụ việc này là quyết định thu hồi đất một đằng, đền bù một nẻo. Do vậy, chính quyền địa phương cần xem xét lại trước khi người dân kiện ra toà”, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân.

Một điều lạ hơn nữa là trong bảng tính giá bồi thường diện tích đất của anh tăng lên 13.861,4m2, song chỉ được bồi thường gần 600 triệu đồng, bao gồm đất, nhà cửa, cây trồng,... Theo anh Bé, nguyên nhân số tiền bồi thường bị giảm xuống so với năm 2007 là do chính quyền địa phương làm sai nguồn gốc đất cũng như diện tích đất mà vợ chồng anh khai phá từ năm 1995.

“Tuy nhiên, điều làm vợ chồng tôi khó hiểu nhất là 3 con số về diện tích đất thu hồi trong quyết định, bảng đo vẽ thu hồi, diện tích đất được đền bù hoàn toàn không trùng khớp. Phải chăng chính quyền địa phương đang “ưu ái” cho vợ chồng tôi khi UBND huyện Phú Quốc quyết định thu hồi hơn 621,30m2 nhưng ban đền phù giải phóng mặt bằng “rộng rãi” bồi thường cho tôi đến 13.861,4m2", anh Lê Văn Bé bức xúc đặt vấn đề.

Chị Phương Thuý, vợ anh Bé cho than vãn: “Nhiều bà con ở đây nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, bỏ đất liền ra đảo hoang khai khẩn, sinh sống. Nay bà con vướng qui hoạch đất đai dẫn đến mất nhà, mất đất khổ sở quá. Vợ chồng tôi nay mất hết đất rồi lấy chi mà cày cấy, chăn nuôi. Khổ hơn nữa là không có nơi nào để chuyển đến làm nhà”.

Trao đổi vụ việc này với Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân - Văn phòng Luật sư Thanh Tân (Đoàn luật sư TP Cần Thơ), bà bày tỏ quan điểm: “Qua hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy năm 1995 vợ chồng anh chị Bé đến khai hoang lập nghiệp tại ấp Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc có xin giấy tạm trú ở địa phương. Và toàn bộ diện tích hơn 14.000m2 đất mà vợ chồng anh khai khẩn là đất bãi bồi, ven biển.

Nếu Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì vợ chồng anh Bé phải được đền bù và bố trí tái định cư. Tuy nhiên, trong vụ việc này chính quyền địa phương chưa làm rõ nguồn gốc đất, dẫn đến giá trị bồi thường chưa hợp lí cho người dân".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.