| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo sống trên miệng “hà bá”

Thứ Hai 17/06/2013 , 09:41 (GMT+7)

Liên tiếp trong những năm gần đây, nạn sạt lở ven sông, ven biển xuất hiện ngày càng nhiều ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Liên tiếp trong những năm gần đây, nạn sạt lở ven sông, ven biển xuất hiện ngày càng nhiều ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sạt lở làm thiệt hại hàng tỷ đồng của người dân. Gần đây nhất là vụ sạt lở lớn tại ấp Hồng Phước, xã Nguyễn Huân (Đầm Dơi, Cà Mau).

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, những năm gần đây bình quân có hơn 20 vụ sạt lở ven sông xảy ra hằng năm. Sạt lở tập trung ở những nơi dân cư sinh sống đông đúc, có đoạn hàng chục km. Các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã tính đến chuyện di dời hàng chục ngàn hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Được, ngụ ấp Hồng Phước xã Nguyễn Huân (Đầm Dơi) cho biết, cách đây vài năm con sông Đầm Chim không lớn như bây giờ, nhưng thời gian gần đây sông Đầm Chim mở nhiều đợt “sông tiến” vào đất liền cuốn theo nhiều công trình xây dựng của địa phương như: Cầu, đường, cống và có cả nhà của nhiều hộ dân.

Còn ông Trịnh Hồng Thái, người có nhà bị sạt lở, nói: “Vài ngày trước khi ngôi nhà bị “hà bá” nuốt thì căn nhà đã có những biểu hiện bất thường, nứt vách, sụp lún nhiều nơi. Thấy nghi ngờ nên tôi di dời đồ đạc trong nhà lên gửi các con ở phía trên. Đêm xảy ra sự cố, tôi có linh tính không tốt nên không dám ngủ, đến nửa đêm thì thấy sụp cái đùng. Vợ chồng chỉ còn kịp chạy thoát thân”.

Theo ông Được và ông Thái thì phía dưới lòng sông Đầm Chim nước đã xoáy sâu vào bên trong đất liền nhiều năm nên khi sạt lở chỉ trong chớp mắt.

Tại chợ Vàm Đầm thuộc xã Nguyễn Huân sạt lở cũng trở thành điểm nóng và là nỗi lo cho các hộ dân có nhà ven sông. Vào năm 2008 người dân  vẫn không quên trận sạt lở kinh hoàng khiến 16 căn nhà của những hộ dân bị nhấn chìm xuống lòng sông chỉ trong nháy mắt. Rất may trận sạt lở này không thiệt hại về người vì nhà nào cũng cử người thay phiên nhau thức canh khi thấy những biểu hiện bất thường đột nhiên xuất hiện trên ngôi nhà mình.


Sạt lở phá hủy nhà dân

Đến năm 2009, cũng tại nơi đây, 11 căn nhà khác cũng bị cuốn theo dòng nước hoàn toàn. Năm 2010, cũng là năm đáng quên đối với bà con nơi đây, chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút có 5 căn nhà và một cây xăng biến mất.

Ông Nguyễn Văn Việt nhớ lại: "Vào khoảng 21 giờ đêm 12/7/2010, tôi nghe tiếng la thất thanh lan truyền khắp chợ, mọi người la ó om sòm “sụp rồi, sụp rồi chạy nhanh đi”, đứng trong nhà nhìn ra tôi thất thần khi chứng kiến vựa thu mua ba khía của bà Sáu Nhanh (hàng xóm – PV) chìm xuống và trôi đi theo cùng dòng nước”.

Đến 9 ngày sau, tức đêm 21/7/2010, bà con ở đây lại đứng nhìn công trình, cơ sở trị giá hàng trăm triệu đồng của cây xăng Hoàng Sỹ gồm hệ thống bê tông, cốt thép, bờ kè kiên cố… bị nhấn chìm trong tích tắc.

Nếu như người dân ở xã Nguyễn Huân phải đứng nhìn tài sản của mình bì nước cuốn trôi thì người dân ở huyện Năm Căn cũng phải chịu cảnh tang thương chưa từng có. Ông Nguyễn Văn Bình có con gái bị chết trong đợt sạt lở, cho hay, đêm 15/7/2007, ông như chết đi khi hay tin toàn bộ căn nhà kiên cố vừa mới xây dựng cùng con gái ông là chị Nguyễn Ngọc Mai và 4 đứa cháu ngoại ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn bị nhấn chìm dưới đáy sông. Xác các cháu ông đến hai hôm sau mới đem lên hết.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau, nói: Do đặc tính tâm lý sinh hoạt, tập quán làm ăn ven sông của người dân đã hình thành lâu đời; điều này đã trở thành nét văn hóa miền Tây Nam Bộ. Muốn ổn định đời sống dân cư ven sông phải bảo vệ bờ sông, hạn chế những tác động quá mức chịu đựng. Tạo cho người dân có cách nhìn mới và lo cho họ có việc làm ổn định mới là điều quan trọng.

Cũng theo ông Hoai, thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng nhiều công trình như bờ kè, rọ đá… Do đặc trưng của vùng đất với biên độ thủy triều lớn giao động từ 2 m đến 3,5 m, dòng chảy nhanh cộng thêm sóng gió lớn, nên việc làm bờ kè chống sạt lở là hết sức khó khăn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất