| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo tiêu thụ ở CĐML

Thứ Năm 27/12/2012 , 10:04 (GMT+7)

Khi diện tích CĐML tăng lên rất mạnh chỉ trong thời gian ngắn, thì lại đang gây mối lo không nhỏ về vấn để tiêu thụ.

Trong vụ đông xuân 2012 - 2013, diện tích đăng ký thực hiện Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở Nam bộ tăng vọt. Điều này đang đặt ra mối lo về vấn đề tiêu thụ lúa hàng hóa ở những cánh đồng này.

Theo Cục Trồng trọt, đến nay, các tỉnh, TP ở Nam bộ đã đăng ký thực hiện CĐML trên tổng diện tích 76.559 ha. Trong đó, ĐNB chỉ có 4.610 ha, còn lại tập trung chủ yếu ở ĐBSCL với 71.946 ha. 4 tỉnh, TP có tổng diện tích CĐML từ 10.000 ha trở lên là Đồng Tháp 20.400 ha, An Giang 20.000 ha, Cần Thơ 11.200 ha và Sóc Trăng 10.000 ha.

Như vậy, nếu so với vụ hè thu 2012, vụ đông xuân 2011 - 2012 và vụ hè thu 2011, diện tích CĐML ở Nam bộ đã tăng vọt trong vụ đông xuân 2012 - 2013, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Trong vụ hè thu 2011, tổng diện tích các mô hình CĐML ở Nam bộ là gần 8 ngàn ha. Vụ đông xuân 2011 - 2012 là 19.724 ha. Vụ hè thu 2012, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đạt gần 26 ngàn ha. Như vậy, tổng diện tích CĐML trong vụ đông xuân 2012 - 2013 ở Nam bộ đã cao gấp gần 3 lần so với vụ hè thu 2012, gấp gần 4 lần so vụ đông xuân 2011 - 2012, và gần 10 lần so vụ hè thu 2011. Tổng diện tích CĐML ở 3 vụ nói trên cộng lại cũng còn kém xa so với vụ đông xuân này.

Sự tăng vọt của diện tích CĐML trong vụ đông xuân 2012 - 2013, chủ yếu được kích thích từ tính hiệu quả của mô hình này. Theo Cục Trồng trọt, qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình CĐML ở một số địa phương cho thấy lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đ/ha. Nguyên nhân là do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ở CĐML đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng hạt giống, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh…


CĐML ở ĐBSCL

Tuy nhiên, khi diện tích CĐML tăng lên rất mạnh chỉ trong thời gian ngắn, thì lại đang gây mối lo không nhỏ về vấn để tiêu thụ. Bởi trong những vụ lúa trước đây, khi tổng diện tích CĐML còn chưa nhiều, ở đây đó cũng đã xảy ra những rắc rối, trục trặc quanh việc tiêu thụ lúa. Nhưng vấn đề chính hiện nay là các DN lương thực tham gia thực hiện CĐML còn quá ít. Điểm mặt những công ty lương thực đã và đang tham gia làm CĐML ở các địa phương, mới chỉ ở mức đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra đây như: Cty Gentraco, Cty Angimex-Kitoku, Cty XNK Angimex, Cty Trung An, Cty Lương thực Long An, Cty CP Lương thực Hậu Giang, Cty Lương thực Đồng Tháp… Trong đó, chỉ mới có 2 công ty hợp tác với DN khác khép kín từ đầu vào đến đầu ra là Cty Gentraco và Cty Trung An. Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, nhận định: “Trong khi nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào (giống lúa, phân bón, thuốc BVTV) tích cực tham gia, thì đa số các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo trong nước vẫn chưa vào cuộc, chưa tham gia sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo CĐML tron Mà CĐML chính là điểm xuất phát cho việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu trong tương lai”.

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho hay, đến thời điểm này, tổng diện tích đăng ký thực hiện CĐML ở Đồng Tháp trong vụ đông xuân 2012-2013 đã tới gần 22.000 ha. Nhưng mới chỉ có gần 6.000 ha có sự bảo đảm của DN về vấn đề tiêu thụ. Bởi thế, các cơ quan chức năng ở Đồng Tháp đang phải tích cực vận động các DN tham gia vào những diện tích còn lại, nhưng điều này không hề dễ dàng. Ông Quốc nói: “Việc tham gia của DN còn tùy thuộc vào tình hình xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu. Khi giá xuất khẩu lên, nhiều DN đã liên hệ với ngành nông nghiệp, với chính quyền các địa phương trong tỉnh, với ý muốn là sẽ tham gia CĐML. Thế nhưng khi giá gạo xuất khẩu xuống, đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn thì những DN này cũng… lặn mất tiêu”.

Tiềm lực của DN cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia vào CĐML. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, mới chỉ có Cty TNHH MTV Tân Hồng (Cty con của Cty CP BVTV An Giang) là có đủ tiềm lực làm CĐML, khi đã đầu tư xây dựng hệ thống chế biến, kho chứa với công suất trên 100 ngàn tấn. Còn những DN khác, thì tỉnh và ngành nông nghiệp phải hỗ trợ. Chẳng hạn, lực lượng khuyến nông của tỉnh đã được giao nhiệm vụ giúp cho các DN xây dựng quy trình canh tác ở CĐML, giúp DN quy hoạch vùng nguyên liệu. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã hỗ trợ một số DN xây dựng kho, lò sấy lúa… Một điều đáng nói ở tỉnh Đồng Tháp là các DN tư nhân tích cực tham gia làm CĐML hơn là các DN nhà nước. Như trong năm 2012, Cty của bà Võ Thị Thu Hà đã thu mua lúa ở các CĐML với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường 200 đ/kg.

Vì sao DN lương thực vẫn ngại tham gia CĐML? Theo ông Trương Thanh Phong, TGĐ TCty Lương thực miền Nam, vẫn có tình trạng nông dân bẻ kèo DN. Chẳng hạn, vừa rồi, Cty Lương thực Long An tham gia làm CĐML ở tỉnh này. Dù giữa DN và nông dân đã có cam kết tiêu thụ, nhưng nông dân chỉ bán 1/3 sản lượng lúa cho DN, còn lại bán cho thương lái bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty Angimex cho biết chỉ cần thương lái trả giá cao hơn 20 đ/kg là nông dân vẫn sẵn sàng bẻ kèo doanh nghiệp. Mặt khác, các DN lương thực vẫn đang nghi ngại hiệu quả kinh tế của DN khi tham gia làm CĐML. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay Cty CP BVTV An Giang đã xác định dự kiến lỗ 3 năm mới có lời. Mà theo ông Bảy, DN kinh doanh xuất khẩu gạo không thể lỗ 3 năm liên tiếp. Nhiều DN khác cũng cho rằng làm CĐML không hề đơn giản khi CĐML vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: CĐML là con đường tất yếu để hiện đại hóa sản xuất lúa, cải thiện đời sống nông dân kết hợp với tạm trữ lúa gạo. Tham gia CĐML, DN sẽ có điều kiện thu mua được gạo chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo… Bởi cứ với kiểu đấu trộn các loại lúa gạo khác nhau mà cánh thương lái vẫn đang làm thì DN sẽ không thể có được hạt gạo chất lượng tốt, nên khó XK được giá cao. Vì thế, nếu không có DN này, sẽ có DN khác tham gia đầu tư CĐML, nếu DN trong nước không tham gia thì DN có vốn nước ngoài cũng sẽ nhảy vào. Còn trong bối cảnh hiện nay, hướng tích cực nhất là nông dân nên liên kết lại thành THT, HTX để có điều kiện đối thoại với DN, với ngân hàng trong việc hỗ trợ những dịch vụ cần thiết.

 

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.