| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo từ những chiếc cầu “bó bột”

Thứ Hai 18/08/2014 , 08:13 (GMT+7)

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Qùy Hợp (Nghệ An) có tới hơn 10 chiếc cầu tạm lớn nhỏ. Điểm chung nhất của những chiếc cầu này là đều không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Thế nhưng vì nhu cầu đi lại hàng ngày, người dân vẫn phải “tặc lưỡi” cho qua, bất chấp hiểm nguy có thể đến bất kỳ lúc nào.

Huyện Quỳ Hợp có địa hình khá phức tạp, trong đó việc giao thương, đi lại giữa các xã miền núi đặc biệt khó khăn, những chiếc cầu dựng lên tạm bợ gần như là phương án duy nhất. Cầu Cốc Mẳm bắc qua sông Dinh là con đường độc đạo của xóm Cốc Mẳm, xã Thọ Hợp và một số xóm khác của xã Châu Đình.

Tuy nhiên, chiếc cầu đã bị nước cuốn trôi nên thành ra cuộc sống ở đây chẳng khác gì một ốc đảo. Những lúc như thế, các hộ dân lại phải mang dụng cụ và những vật dụng sẵn có như tre, nứa để tiến hành gia cố lại. Khổ nỗi đây chỉ là phương án mang tính chữa cháy nên chẳng kéo dài được bao lâu.

118 hộ gia đình ở xóm Sơn Tiến (xã Thọ Hợp) cũng đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự khi chiếc cầu tạm duy nhất của xã với chiều dài 130 m, rộng khoảng 1,5 m đang xiêu vẹo thảm hại. Phần giữa cầu bị dòng nước đánh dạt từ bao giờ, hiện chỉ còn trơ lại vài chiếc cọc lèo tèo.

Theo ông Trương Văn Thiêm, xóm trưởng Sơn Tiến thì việc sửa chữa, nâng cấp cầu mới phụ thuộc hoàn toàn vào sức dân: “Trung bình mỗi năm chúng tôi phải làm mới từ 5 - 6 lần, còn sửa lại thì có khi trên cả chục lượt. Mỗi gia đình góp 5 cọc tre và ngày công để khắc phục sự cố”.

Dù chưa có trường hợp tai nạn đáng tiếc nào dẫn đến tử vong nhưng chắc hẳn bất kỳ ai khi đi qua những chiếc cầu “bó bột” như thế này đều cảm thấy bất an thực sự.

Anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại xóm Sơn Tiến) ái ngại cho biết: “Do bề mặt lồi lõm, trên thành cầu lại không có lan can để vịn nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Nói đâu xa, chính tôi đã có lần ngã lộn cổ xuống suối khi đang điều khiển xe máy khi đi qua khu vực này”.

Mong muốn được sử dụng những chiếc cầu treo kiên cố là nguyện vọng chính đáng của hàng trăm hộ dân. Thế nhưng ước muốn đó mãi chưa thành, nguyên nhân là do… thiếu kinh phí.

Trên thực tế, cả hai chiếc cầu thuộc xã Thọ Hợp đều đã có dự án xây mới nhưng ngặt nỗi đều vướng mắc ở khâu kinh phí? Theo bản khảo sát mà UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt vào tháng 10/2013 thì cầu treo Sơn Tiến sẽ được làm mới với tổng chi phí là 13,2 tỷ đồng, còn đối với cầu Cốc Mẳm là 27 tỷ đồng. Thế nhưng điều đáng nói là đến nay mới chỉ có… 2 tỷ được rót về.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Hải Nam, phó Phòng Công thương huyện Qùy Hợp thẳng thắn thừa nhận: “Vì thiếu kinh phí nên trước mắt vẫn phải sử dụng những chiếc cầu này. Chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời thông tin trước các đợt bão lũ để nhân dân có biện pháp ứng cứu kịp thời”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất