| Hotline: 0983.970.780

Nơi một thập kỷ không đám cưới

Thứ Hai 05/12/2011 , 13:07 (GMT+7)

Ốc đảo Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi đã 10 năm không có một đám cưới.

Phương tiện để vào đất liền chỉ có 1 con đò
Đứng trên cầu Bến Thủy nhìn về phía đông sẽ thấy một mô đất mọc lên giữa bãi bồi của hạ nguồn dòng sông Lam. Người ta gọi đó là ốc đảo Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), nơi đã 10 năm không có một đám cưới.

Ngôi làng đặc biệt

Nhìn rất gần nhưng để đến được Hồng Lam chúng tôi phải hành trình ngược về thị trấn Nghi Xuân, sau đó mới tới được bến đò Xuân Giang để vào ngôi làng hết sức kỳ lạ. 

Trưởng thôn Nguyễn Văn Phong thống kê: Hồng Lam có tất cả 667 nhân khẩu với 224 hộ. Người ta bảo “đất lành chim đậu” nhưng Hồng Lam chắc chắn không phải là vùng đất nằm trong diện ấy. 10 năm trước thôn này có tới 524 hộ, đến năm ngoái chỉ còn 238 hộ, còn năm nay là 224. “Chung quy lại cũng chỉ do vấn đề đi lại khó khăn, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó hoặc muốn làm một công trình gì lại càng khó khăn hơn, thành ra người dân cứ thế lần lượt bỏ làng đi nơi khác sinh sống”.

Ông Phong than khổ, mà đúng là khổ thật. Phương tiện giao lưu với thế giới bên ngoài của người dân Hồng Lam chỉ có duy nhất một chiếc thuyền. Thứ mà anh Hồ Văn Tường (SN 1976), chủ nhân của nó gần 10 năm nay khẳng định chắc nịch: Vì nó mà làng tui có cái trường chỉ có 31 em học sinh. Rồi như thể thanh minh, anh Tường nói tiếp: Mỗi ngày có khoảng 50 chuyến đò, 500 đến 600 người qua sông, trong đó có hơn 80 học sinh, chưa kể hàng hóa, phương tiện giao thông và nhiều thứ khác. Có hôm thuyền ra giữa sông tự nhiên có sóng to, thuyền không vào bờ được mà cứ trôi lênh đênh giữa dòng. Trẻ con nơi đây bỏ học nhiều vì sợ không dám qua thuyền.

Ngôi trường mà anh Tường nhắc đến có lẽ là ngôi trường có một không hai của huyện Nghi Xuân này. Trường tiểu học Xuân Giang 2, một phân hiệu của trường tiểu học xã Xuân Giang. Ngôi trường được hình thành năm 2002 do Bộ Công an vận động cán bộ, chiến sĩ quên góp tiền xây dựng. Gọi là trường nhưng vì đặc thù của nơi “đầu sóng ngọn gió” nên nó có thêm nhiệm vụ làm chỗ trú bão của dân Hồng Lam. 

Năm học này trường Xuân Giang 2 chỉ có 31 em học sinh. Chúng tôi ghé thăm một lớp đang giờ học thì chỉ có duy nhất 3 em trong lớp ngồi nghe cô giáo giảng bài. Nhìn lên góc bảng càng ngỡ ngàng hơn nữa khi thấy cô giáo ghi: Lớp 1, sĩ số 3, vắng 0.

Cô Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm lớp học đặc biệt này là một giáo viên từng công tác ở miền núi lâu năm. Cô cũng chẳng ngờ được khi hết “nghĩa vụ” miền núi, được về đồng bằng hẳn hoi lại bắt gặp lớp học kỳ lạ này. Cô Nga từng mang thắc mắc ấy đi gặp trưởng thôn Phong nhưng rồi phải lủi thủi ra về vì ông trưởng thôn gọn lỏn: Không chỉ mỗi lớp 1 này đặc biệt đâu, lớp hai cũng chỉ có 7 em, lớp 3 có 5 em, lớp 4, 5 đông nhất với mỗi lớp 8 học sinh. Cả trường cũng chỉ có 6 cán bộ, giáo viên quản lý 31 em học sinh.

Số học sinh ngôi trường này cũng giảm dần như số hộ của làng Hồng Lam vậy. Trước đây trường có hơn 200 học sinh, đến năm học 2008-2009, trường chỉ có 56 em, năm ngoái có 38 học sinh và nay thì chỉ có 31 em theo học. Trò giảm nên cô thầy cũng giảm. Phần vì học sinh ít đi, phần nữa vì họ chủ yếu là người địa phương khác đến chứ “thôn này làm gì có người học đến trình độ giáo viên” như lời của trưởng thôn Phong.

Để đến lớp dạy học, các thầy cô phải dậy từ sáng sớm, gửi xe ở nhà dân, sau đó lên đò qua làng rồi đi bộ chừng 1km nữa mới tới trường. Cá biệt ở đây có cô Tạ Thị Tố Oanh, nhà ở tận phường Hưng Bình, TP Vinh, là giáo viên dạy môn Văn. Hàng ngày cô phải thức dậy từ hơn 4h sáng vượt gần 10 cây số mới đến được bến đò để qua làng. 

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, lũ trẻ ở Hồng Lam phải vượt sông qua bên kia sông theo học tiếp cấp 2 và cấp 3.  

10 năm chỉ rặt nỗi buồn 

Đó là ý của cụ Đậu Lư khi nhắc đến thực trạng: 10 năm rồi làng Hồng Lam chỉ có đám tang mà không có đám cưới. Thực trạng mà cụ Lư nói bất cứ ai làm trưởng thôn chỉ được nói kính thưa tang quyến chứ không được nói kính thưa hai họ. Rồi cụ phán: Đó là mộ thập kỷ buồn. “Đám ma thì năm nào cũng có nhưng đám cưới sao mà hiếm thế. Lớp trẻ trong làng cứ lớn lên là đi ra khỏi làng làm ăn rồi cưới tận đâu đâu sau đó mới về báo cho làng biết. Cũng không trách được gì bọn trẻ bởi thấy cảnh đón dâu bằng thuyền khiến chúng ngán ngẩm”.

Đám cưới gần đây nhất của Hồng Lam là vào năm 2000. Đó là khi con gái bà Ngô Thị Nguyệt lấy chồng là người cùng làng. Bà Nguyệt nhớ lại: “Năm đó con tôi lấy người trong làng nên tổ chức tại làng. Đám cưới xong hai đứa dắt nhau vào Nam làm ăn, kể từ đó thì không có đám cưới nào được tổ chức nữa. Thằng con thứ hai của tôi cũng vào trong ấy làm ăn rồi lấy vợ, cưới xin trong đó luôn”.

Càng nhắc đến càng thêm buồn, cụ Lư nhớ lại những năm của thập kỷ 90, làng cũng có nhiều đám cưới lắm. Có cả đám lấy về bên kia sông, rước dâu bằng thuyền hẳn hoi. Đông vui nhộn nhịp lắm. Vậy mà bây giờ… Nói đến đó giọng cụ Lư trầm hẳn rồi chẳng muốn nói thêm gì nữa.

Sinh năm 1911, cụ Hương là người cao tuổi nhất ở ốc đảo Hồng Lam. Khi cụ Hương còn là đứa trẻ chăn trâu thì ốc đảo này đã có chừng 200 năm tuổi. Đặc thù bao quanh bốn bề là nước nên trong chiến tranh đây được chọn làm nơi tập kết quân, đạn dược, lương thực. Qua bao thời ký chiến tranh, hàng trăm con người nơi đây anh dũng quên mình bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê của ông Trần Đình Hòa, nguyên trưởng thôn Hồng Lam, thì cả làng có trên 40 liệt sĩ, 26 thương binh... 

Chúng tôi thử mang những câu chuyện lạ lùng về ngôi trường Xuân Giang, về việc 10 năm không có đám cưới đi tìm người lý giải. Trưởng thôn Phong bảo rằng: Cái chính là vì Hồng Lam khó khăn đủ bề nên người dân trong làng cứ lần lượt kéo nhau bỏ đi hết. Rồi ông dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng. Có cảm giác làng bây giờ chỉ còn lại người già hoặc trung tuổi, còn lớp trẻ thì rất ít, chỉ là những em học sinh, thanh niên đã nghỉ học tuyệt nhiên không có. Họ đều vì hoàn cảnh phải bỏ làng ra đi kiếm sống. Đặc biệt, sau cơn bão lịch sử năm 1989 người ta sợ làng bỏ đi lại càng nhiều hơn.

“Trẻ con sinh ra ở đây cứ đi vững là được đưa ra sông Lam tập bơi để thích nghi với cảnh vượt lũ. Nay cả làng từ đàn bà, trẻ con, học sinh ai cũng biết bơi cả”, ông Nguyễn Văn Phong cho hay. Và cứ như thế, không biết kỳ tích ngôi làng hơn 10 năm không có đám cưới không biết kéo dài đến bao giờ nữa thì chính người dân nơi đây cũng không biết được.

Chia sẻ về khó khăn của thôn Hồng Lam, ông Lê Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, xã có tất cả 5 thôn với hơn 1.450 hộ nhưng thôn Hồng Lam vẫn là khó khăn nhất, thiếu thốn trăm bề. Cho đến nay, cách duy nhất để giao lưu với bên ngoài, người dân vẫn phải đi bằng đường thủy và phương tiện là một con đò với đầy nguy hiểm.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất